1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông già Noel ở Việt Nam

Nguyễn Ngọc Bình không phải là người Thiên Chúa nhưng khi Giáng sinh đến, anh vẫn khoác lên người quần áo đỏ và bộ râu trắng của ông già Noel.

Bình say sưa ông già Noel đến mức anh thành lập cả trung tâm đào tạo những người muốn trở thành Santa trong dịp Giáng sinh. Chương trình học bao gồm từ đồ chơi trẻ em, những con tuần lộc cho đến bài hát Jingle Bells. Năm nay Bình đã đào tạo cho 25 người và họ đang cố gắng để đáp ứng nhu cầu phát quà cho trẻ em vào dịp Giáng sinh.

 

Không khí Giáng sinh tràn ngập khắp nơi tại Việt Nam, đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh.

 

"Cháu hy vọng ông già Noel sẽ mang cho cháu đồ chơi", bé Lê Hoàng Sơn, 4 tuổi, vừa chạy quanh khu đồ chơi trẻ em trong bộ quần áo đỏ rực của Santa tại một trung tâm mua sắm vừa nói. "Cháu thích thật nhiều loại đồ chơi khác nhau!".

 

Người theo đạo Thiên chúa ở Việt Nam vẫn tổ chức mừng Giáng sinh từ lâu nhưng khi Việt Nam ngày càng mở cửa với thế giới bên ngoài, ngày lễ này được chào đón rộn rã hơn. Người dân thuộc đủ loại tôn giáo và nền tảng khác nhau ngày càng nhiệt tình chào đón lối sống phương Tây, như việc uống Coca Cola và xem MTV.

 

Giáng sinh được chào đón tại đất nước vốn rất yêu thích việc tặng quà, yêu mến trẻ em và hát karaoke này. Người Việt Nam thích các bài hát Giáng sinh, đặc biệt là bài Feliz Navidad.

 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Noel mang tính thương mại chẳng khác gì ở phương Tây. Ông già Noel chụp ảnh cùng các em nhỏ tại trung tâm thành phố trước khung cảnh Giáng sinh do hãng băng vệ sinh Diana tài trợ tiền để dựng lên. 

 

Đối với những người kiếm được tiền từ dịp Giáng sinh, đây đúng là mùa hội. "Đây là cơ hội tốt để chúng tôi làm ăn", Trần Thị Thu, làm việc tại thương xá Tax cho hay. "Chúng tôi đã chi 20.000 USD để trang trí vào dịp này". Ông già Noel được đặt tại vị trí chiến lược ngay tại lối vào thương xá này. "Bọn trẻ con đi cùng bố mẹ thường đòi vào bên khi thấy ông già Noel", Thu cho hay.

 

Thêm một hình thức câu khách nữa là giải thưởng bằng hiện vật: một chiếc Ford Ranger trị giá 25.000 USD cho khách hàng may mắn. Và chiến lược Giáng sinh của Thu có vẻ hiệu quả. Doanh thu bán hàng trong dịp này tăng lên 30%.

 

"Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh. Trước đây, người ta thường nghĩ chuyện tích cóp tiền nhưng giờ thu nhập tăng lên, nhiều người tìm cách tiêu khiển", cô cho biết.

 

Lễ Giáng sinh ở Việt Nam không chỉ đơn thuần là giải trí. Vào đêm 24/12 và sáng sớm 25, rất nhiều người tập trung tại nhà thờ ở trung tâm thành phố để cầu nguyện mừng ngày Chúa ra đời. Đối với người theo đạo, đây là nghi lễ trang nghiêm. Đối với người không theo đạo, đây là cảnh tượng thú vị.

 

Các Santa của Bình cưỡi xe máy đi phát quà cho trẻ em, trong đó có cả các trại trẻ mồ côi. Người Việt Nam gọi Santa là "Ông Già Noel". Dà dù khoác quần áo đỏ và bộ râu trắng, trông họ vẫn rất Việt Nam. Bình muốn kiếm những người cao to và béo nhưng cuối cùng chỉ có những ứng viên thấp và mảnh dẻ.

 

Bình yêu cầu các ông già Noel phải giữ bộ râu sạch sẽ. Sau khi khoác bộ quần áo đỏ lên người, Bình dặm thêm chút phấn trắng lên mặt để trông Tây hơn.

 

"Đối với những người trẻ tuổi thì Noel là cơ hội đi chơi và hòa vào đám đông", chị Bùi Thị Bích Liên, một luật sư 35 tuổi, cho hay. "Đây cũng là dịp để mua mấy thứ đồ nhấp nhánh".

 

Cũng giống nhiều người Việt khác, Liên không theo đạo và chủ yếu chăm chút bàn thờ ở gia đình, nơi đồ cúng được dâng lên tổ tiên. Cô không hề phản đối những người mừng Giáng sinh nhưng cũng sẽ không tham gia. "Tại sao tôi lại phải mừng Giáng sinh? Nhà tôi cổ lắm", cô nói.

 

Khung cảnh Giáng sinh lại khiến Anne Borboen, một du khách Thụy Sĩ 72 tuổi, khó chịu. "Trông Mỹ quá, thương mại quá!", bà ca thán. "Trông mấy cái cây Giáng sinh và tuyết giả này buồn cười quá. Tại sao họ không làm cái gì trông Việt Nam hơn chút nhỉ?".

 

Theo Ngọc Sơn

Vnexpress/AP