Ông Biden muốn tổ chức một hội nghị toàn cầu về vắc xin Covid-19
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch kêu gọi tổ chức một cuộc họp về vấn đề cung cấp vắc xin Covid-19 toàn cầu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào cuối tháng này, hãng tin Bloomberg ngày 9/9 đưa tin.
Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết, kế hoạch của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra giữa lúc các nước giàu đối mặt với áp lực phải làm nhiều hơn nữa để giúp các nước đang phát triển tăng cường chiến dịch tiêm vắc xin khi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành.
Tuy nhiên, không rõ hội nghị này sẽ gồm những thành phần tham dự như thế nào. Theo nguồn tin trên, mặc dù Mỹ đã liên hệ với các nước khác về hội nghị nhưng vẫn chưa hoàn thiện kế hoạch này.
Một quan chức Mỹ giấu tên khác cho hay, một quan chức cấp cao Nhà Trắng vẫn đang lên kế hoạch cho hội nghị. Theo quan chức này, Mỹ luôn quan tâm đến các vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng và đại dịch, và mong có dịp để Tổng thống Biden trao đổi với những người đồng cấp trên toàn thế giới.
Hiện Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin trên.
Mỹ cam kết tài trợ hơn 600 triệu liều cho các nước trên toàn cầu đến cuối tháng 6/2022 và cho đến nay đã vận chuyển 140 triệu liều. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, như vậy là chưa đủ vì thế giới cần hàng tỷ liều mới có thể giúp làm chậm cả sự lây lan của Covid-19 cũng như ngăn virus biến thể nguy hiểm hơn.
Hiện nguồn cung vắc xin đang vô cùng khan hiếm. Nhóm G-7 đã tuyên bố thúc đẩy chiến dịch tài trợ 1 tỷ liều vắc xin mới vào tháng 6, nhưng cuối cùng chỉ cam kết 613 triệu, bao gồm 500 triệu từ chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu Covax của Mỹ. Covax hiện cũng đã cắt giảm dự báo nguồn cung trong tuần này, cho biết họ sẽ nhận được 1,4 tỷ liều vào cuối năm, thay vì 1,9 tỷ như dự kiến vào tháng 6.
Tiến sĩ Lawrence Gostin, giáo sư luật Đại học Georgetown và là giám đốc một trung tâm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã kêu gọi các quốc gia giàu có cam kết tài trợ 10 tỷ liều vắc xin trong 6 tháng tới.
Ông cũng kêu gọi Tổng thống Biden làm nhiều hơn nữa để chuyển giao công nghệ và vắc xin cho các quốc gia đang phát triển, mặc dù quá trình đó mất khá nhiều thời gian.
Hôm 8/9, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, đã kêu gọi các nước tạm hoãn việc tiêm liều tăng cường đến ít nhất là cuối năm.