1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các nước giàu có thể dư thừa 1,2 tỷ liều vắc xin Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Các nước giàu đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng phải chuyển hướng nguồn cung vắc xin Covid-19 cho các khu vực có thu nhập thấp khi lượng vắc xin có xu hướng dư thừa.

Các nước giàu có thể dư thừa 1,2 tỷ liều vắc xin Covid-19 - 1

Các nước giàu có đang dư thừa một lượng lớn vắc xin Covid-19 (Ảnh minh họa: AFP).

Bloomberg dẫn thông tin từ công ty phân tích dữ liệu Airfinity ngày 4/9 cho biết, Mỹ, Anh, các nước châu Âu và một số quốc gia khác có thể đáp ứng nhu cầu tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho khoảng 80% dân số từ 12 tuổi trở lên và tiếp tục triển khai chương trình tiêm chủng liều tăng cường mà vẫn có thể thừa một lượng lớn vắc xin.

Cụ thể, theo phân tích của Airfinity, các nước này có thể dư thừa đến 1,2 tỷ liều vắc xin vào cuối năm nay. Con số này được đưa ra dựa trên nguồn cung và tỷ lệ tiêm chủng của Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Canada và Nhật Bản, với giả định các nước sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm liều tăng cường cho công dân.

Chính phủ các nước này đến nay đã chuyển một phần nhỏ nguồn cung vắc xin mà họ đã cam kết hỗ trợ các nước thu nhập thấp hơn, trong khi một số nước đã triển khai hoặc sắp triển khai tiêm liều tăng cường nhằm chống lại biến chủng Delta.

Theo số liệu của Airfinity, đầu năm nay, các nước thu nhập cao đã cam kết cung cấp hơn 2 tỷ liều vắc xin cho các khu vực có thu nhập thấp đến giữa năm 2022. Tuy nhiên, trong số hơn 1 tỷ liều mà các nước G7 và EU cam kết cung cấp cho thế giới, đến nay mới chỉ 15% đã được bàn giao.

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, tốc độ chia sẻ nguồn cung chậm trễ có thể kéo dài đại dịch và làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chủng đáng lo ngại hơn. Một số người cũng kêu gọi cần minh bạch hơn về thỏa thuận vắc xin giữa chính phủ và các nhà sản xuất.

"Thế giới cần thức tỉnh khẩn cấp. Chúng ta cần chuyển hướng nguồn cung vắc xin cho những nơi đang cần", Fatima Hassan, nhà sáng lập kiêm giám đốc Sáng kiến Công bằng Y tế, một tổ chức phi lợi nhuận ở Cape Town, bình luận.