Ông Biden đề cao quan hệ Việt - Mỹ khi phát biểu tạm biệt ở Liên hợp quốc
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong bài phát biểu tạm biệt tại Liên hợp quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu tạm biệt tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 24/9 (theo giờ Mỹ). Đây là bài phát biểu cuối cùng của ông tại sự kiện này dưới danh nghĩa người đứng đầu Nhà Trắng vì ông sắp kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào đầu năm sau.
Trong bài phát biểu này, ông đã nhắc về quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, với những thăng trầm và cả những thành tựu 2 nước đạt được.
"Hôm nay là lần thứ 4 tôi có vinh dự lớn được phát biểu trước hội đồng này với tư cách là Tổng thống Mỹ. Đây sẽ là lần cuối cùng của tôi", ông cho biết.
"Tôi đã chứng kiến những sự thay đổi mạnh mẽ trong lịch sử. Lần đầu tiên tôi được bầu làm thượng nghị sĩ Mỹ vào năm 1972.
Khi đó, tôi 29 tuổi. Vào thời điểm đó, thế giới đang sống trong căng thẳng và bất ổn. Thế giới bị chia cắt bởi Chiến tranh Lạnh. Trung Đông đang trên đà hướng tới chiến tranh. Nước Mỹ đang tham chiến ở Việt Nam, và tại thời điểm đó, là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ", Tổng thống Biden cho biết.
Theo ông, khi đó, Mỹ bị chia rẽ, nhưng rồi đất nước này đã vượt qua khoảnh khắc đó. Cuộc chiến ở Việt Nam đã khép lại.
"Năm ngoái, tại Hà Nội, tôi đã gặp gỡ giới lãnh đạo Việt Nam và chúng tôi đã nâng quan hệ đối tác lên mức cao nhất. Đó là minh chứng cho sức bền bỉ của tinh thần con người và khả năng hòa giải. Ngày nay, Mỹ và Việt Nam là đối tác và bạn bè, và đó là bằng chứng cho thấy ngay cả từ nỗi kinh hoàng của chiến tranh vẫn có một con đường phía trước. Mọi thứ có thể trở nên tốt đẹp hơn", ông Biden nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu, ông Biden đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới chống lại nguy cơ bùng phát chiến tranh. "Chiến tranh toàn diện không có lợi cho bất kỳ ai. Mặc dù tình hình đã leo thang, giải pháp ngoại giao vẫn có thể thực hiện được", ông Biden phát biểu.
"Tôi nhận ra những thách thức từ Ukraine đến Gaza đến Sudan và xa hơn nữa: Chiến tranh, nạn đói, khủng bố, dân thường di tản, khủng hoảng khí hậu, nền dân chủ đang bị đe dọa, căng thẳng trong xã hội của chúng ta, rủi ro của trí tuệ nhân tạo. Danh sách vẫn còn dài.
Nhưng có lẽ vì tất cả những gì tôi đã thấy và tất cả những gì chúng ta đã cùng nhau làm trong nhiều thập niên, tôi có hy vọng. Tôi biết rằng sẽ có một con đường phía trước", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Cách đây hơn một năm, vào ngày 10/9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm Việt Nam và gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng tầm quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững. Năm 2025, hai nước sẽ kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ.
Sáng 23/9, tại New York, Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dự Lễ kỷ niệm một năm Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Mỹ.
Điểm lại lịch sử quan hệ Việt Nam - Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng đây là quá trình hiếm có và là hình mẫu trong quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh kết quả này là kết tinh của vô vàn nỗ lực hàn gắn, xây dựng lòng tin bền bỉ trong suốt ba thập niên của nhiều thế hệ lãnh đạo, chính quyền, Quốc hội và nhân dân hai nước. Ông tin tưởng, Mỹ và Việt Nam "sẽ cùng nhau xây dựng một tầm nhìn tươi sáng cho quan hệ giữa 2 nước trong tương lai, để hai dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta luôn là bạn và đối tác tốt của nhau".