Ông Biden ca ngợi "chiến thắng lớn" khi Mỹ thoát nguy cơ vỡ nợ
(Dân trí) - Sau Hạ viện, Thượng viện Mỹ hôm 1/6 đã bỏ phiếu thông qua dự luật nâng mức trần nợ 31.400 tỷ USD của chính phủ với tỷ lệ 63-36, giúp nước Mỹ tránh bị vỡ nợ.
Cuộc bỏ phiếu của Thượng viện diễn ra sau khi Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua dự luật vào tối 31/5 với tỷ lệ phiếu bầu 314-117.
Thông thường, Thượng viện thường mất nhiều ngày, chứ không phải nhiều giờ, để cân nhắc và sửa đổi các dự luật mà Hạ viện đưa lên. Do đó, lần bỏ phiếu này về dự luật trần nợ công là nhanh khác thường. Nguyên nhân là do chỉ còn vài ngày nữa là tới hạn chót 5/6 để nâng hoặc đình chỉ trần nợ, nếu không Mỹ sẽ vỡ nợ.
Với tên gọi chính thức là Đạo luật trách nhiệm tài khóa, dự luật này được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nhằm giúp Mỹ thoát cảnh vỡ nợ.
Sau khi vượt qua ải Hạ viện và Thượng viện, dự luật sẽ được chuyển cho Tổng thống Biden ký ban hành trước ngày 5/6 (còn gọi là "X-date"), thời điểm chính phủ liên bang không còn tiền để thanh toán các khoản chi phí.
Ông Biden đã kêu gọi các nghị sĩ nhanh chóng đưa dự luật đến bàn làm việc của mình để ông ký ban hành nhằm tránh tình trạng Mỹ phải lần đầu tiên trong lịch sử rơi vào vỡ nợ. Một khi được ký ban hành, dự luật trên sẽ đình chỉ trần nợ công của Mỹ cho tới tháng 1/2025.
Tuyên bố chỉ vài phút sau cuộc bỏ phiếu cuối cùng, Tổng thống Biden khẳng định sẽ ký dự luật "càng sớm càng tốt", đồng thời ca ngợi hành động kịp thời của lưỡng viện Quốc hội.
"Các thượng nghị sĩ của cả hai bên đã bỏ phiếu để bảo vệ tiến bộ kinh tế mà chúng ta đã vất vả đạt được và ngăn chặn tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên của Mỹ", ông Biden nhấn mạnh.
Tổng thống Biden cũng nhắc tới lãnh đạo đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo thiếu số tại Thượng viện Mitch Mcconnell rằng: "Tôi muốn cảm ơn lãnh đạo Schumer và lãnh đạo Mcconnell vì đã nhanh chóng thông qua dự luật trần nợ công".
Nhà lãnh đạo Mỹ ca ngợi đây là "chiến thắng lớn" của nước Mỹ.
"Không ai có được mọi thứ họ muốn trong một cuộc đàm phán, nhưng đừng nhầm lẫn: thỏa thuận lưỡng đảng này là một chiến thắng lớn cho nền kinh tế của chúng ta và người dân Mỹ", ông Biden nói.