1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ nối lại đàm phán ngăn chính phủ vỡ nợ

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy sẽ gặp nhau để thảo luận về trần nợ trong ngày 22/5 nhằm tránh nguy cơ chính phủ vỡ nợ vào đầu tháng sau.

Mỹ nối lại đàm phán ngăn chính phủ vỡ nợ - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản (Ảnh: Reuters).

Trả lời phóng viên tại trụ sở quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ngày 21/5 cho biết, đại diện của chính phủ và quốc hội đã có các cuộc thảo luận tích cực về việc nâng trần nợ công và vấn đề ngân sách.

Ông nhấn mạnh, mặc dù vẫn chưa có thỏa thuận cuối cùng, nhưng hai bên đã đồng thuận nối lại đàm phán cấp nhân viên trước khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau.

Các nhân viên của cả hai bên đã tập trung tại văn phòng của ông McCarthy ở Điện Capitol vào tối 21/5 để đàm phán trong khoảng hai tiếng rưỡi. Ông McCarthy nói: "Nhóm của chúng tôi đang bàn thảo và đang chuẩn bị tổ chức một cuộc họp vào ngày mai. Tình hình tốt hơn trước đó".

Một quan chức Nhà Trắng cũng xác nhận cuộc họp giữa hai lãnh đạo sẽ diễn ra vào ngày 22/5 song không nêu thời gian cụ thể.

Trở lại Nhà Trắng vào tối 21/5 sau chuyến công du Nhật Bản, Tổng thống Biden cho biết, cuộc điện đàm với ông McCarthy khá suôn sẻ. "Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Chúng tôi sẽ nói chuyện vào ngày mai", ông Biden nói.

Trước đó, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố ông sẵn sàng cắt giảm chi tiêu của chính phủ và điều chỉnh thuế để đạt được thỏa thuận về trần nợ, nhưng đề nghị mới nhất từ đảng Cộng hòa là "không thể chấp nhận được".

"Phần lớn những gì họ đề xuất về cơ bản là không thể chấp nhận được. Đã đến lúc đảng Cộng hòa chấp nhận rằng không có thỏa thuận lưỡng đảng nào chỉ được thực hiện và chỉ dựa trên các điều khoản đảng phái của họ. Họ cũng phải hành động", ông Biden nói trong một cuộc họp báo ở Hiroshima, Nhật Bản.

Người đứng đầu nước Mỹ thậm chí cho biết, ông có quyền kích hoạt Tu chính án 14 để tránh Mỹ vỡ nợ, song thừa nhận tồn tại những rủi ro tiềm ẩn về pháp lý của biện pháp này.

"Tôi nghĩ chúng tôi có thẩm quyền làm như vậy. Câu hỏi là liệu có thể thực hiện và viện dẫn nó kịp thời hay không. Đó là vấn đề chưa được giải quyết", ông Biden nói, đề cập về khả năng kích hoạt Tu chính án 14 vượt quyền quốc hội.

Tuy nhiên, ông lưu ý thêm, cả 4 lãnh đạo quốc hội trong cuộc họp gần đây đều thống nhất sẽ không để đất nước vỡ nợ. Vì vậy, ông kỳ vọng rằng, không cần thiết sử dụng tới Tu chính án 14.

Còn chưa đầy hai tuần nữa là đến ngày 1/6, thời điểm mà Bộ Tài chính Mỹ nhiều lần cảnh báo chính phủ liên bang có thể vỡ nợ. Giới chuyên gia nhận định, thất bại trong việc nâng trần nợ sẽ gây ra tình trạng vỡ nợ, kích hoạt sự hỗn loạn trên thị trường tài chính và đẩy lãi suất tăng vọt.

Theo Reuters