1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Obama công du châu Âu trong "mây đen" khủng hoảng Ukraine

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2/6 sẽ có chuyến công du tới châu Âu, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã làm đổi thay mạnh mẽ trật tự chính trị và an ninh, đồng thời tái định hình chính sách đối ngoại của Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Obama sẽ công du châu Âu từ ngày 2/6
Tổng thống Mỹ Obama sẽ công du châu Âu từ ngày 2/6

Cuộc đối đầu Đông – Tây bùng phát sau khi Nga sáp nhập Crimea, vốn làm thay đổi một giao ước thời hậu Chiến tranh lạnh tại châu Âu, chắc chắn sẽ là đề tài bao trùm mọi điểm dừng chân của ông Obama tới Ba Lan, hội nghị thượng đỉnh G7 tại Bỉ, cũng như chuyến thăm Pháp để kỷ niệm 70 năm ngày quân đội Mỹ đỏ bộ, tham gia Thế chiến II tại châu Âu.

Trên các chiến trường xưa của Thế chiến II tại Pháp, có khả năng báo giới sẽ được chứng kiến những cuộc tiếp xúc cá nhân không mấy nồng ấm, giữa ông Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Washington khẳng định sẽ không có cuộc tiếp xúc chính thức nào giữa hai nhà lãnh đạo.

Ông chủ Nhà Trắng cũng có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo EU, vốn vẫn đang cố gắng chấp nhận kết quả cuộc bầu cử của Liên minh châu Âu, sau khi kết quả cho thấy cử tri tại không ít quốc gia thành viên đã quay sang ủng hộ các đảng có tư tưởng hoài nghi vào tương lai của châu Âu, hoặc tư tưởng bài ngoại.

Cơn địa chấn chính trị này có thể đe dọa một trong những ưu tiên hàng đầu về chính sách đối ngoại của ông Obama, đó là việc đàm phán Hiệp ước thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Ông Obama cũng muốn một châu Âu đoàn kết, mạnh mẽ để duy trì sức “nặng” của những lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn nếu cần, chống lại Mátxcơva, sau cuộc khủng hoảng Ukraine, và giảm sự lệ thuộc của khối này vào nguồn năng lượng từ Nga.

Cuộc khủng hoảng Ukraine và tuyên bố của ông Putin về việc “làm lại từ đầu” quan hệ với Washington – một trong những thành quả của chính quyền ông Obama – đã khiến những chỉ trích nhắm vào vị Tổng thống đảng Dân chủ ngày một mạnh mẽ, và làm gián đoạn một chính sách đối ngoại dựa vào việc Mỹ chấm dứt các cuộc chiến và tái cân bằng sức mạnh sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Obama sẽ sử dụng chuyến đi này để tái khẳng định những cam kết bảo vệ an ninh cho các nước thành viên NATO ở phía Đông, đồng thời tìm cách tiếp thêm sinh khí cho NATO – một tổ chức đột nhiên lại trở nên có liên quan, sau nhiều năm tìm cách định vị vai trò của mình sau khi Liên Xô cũ tan dã.

Tại thủ đô Ba Lan, ông Obama sẽ tham gia vào lễ kỷ niệm lần thứ 25 cuộc bầu cử đầu tiên của nước này thời hậu chính quyền Cộng Sản. “Đó sẽ là một thời khắc mạnh mẽ để…nhìn lại lịch sử về việc nền dân chủ của Ba Lan đã chiến thắng ra sao”, Ben Rhodes, cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama tuyên bố.

Tại đây, ông Obama sẽ lần đầu gặp gỡ Tổng thống mới đắc cử của Ukraine Petro Poroshenko, chỉ ít ngày trước khi ông này nhậm chức. Động thái này cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ cho nỗ lực của ông Poroshenko, nhằm dẫn dắt đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế vốn khiến chính quyền của người tiền nhiệm Viktor Yanukovych bị lật đổ hồi đầu năm.

Thanh Tùng
Theo AFP