1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nước Đức sau 30 năm thống nhất: Món quà cho châu Âu

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas có nói rằng “sự thống nhất của nước Đức là món quà của châu Âu dành cho nước Đức”, nhưng các nhà phân tích cũng đánh giá rằng “nước Đức thống nhất là món quà cho châu Âu”.

Nước Đức sau 30 năm thống nhất: Món quà cho châu Âu - 1

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại một hội nghị chung trực tuyến ngày 2/7/2020. Ảnh: Reuters

30 năm trước, nước Đức thống nhất thành một quốc gia sau 4 thập kỷ bị chia cắt. Tuy nhiên, nếu nói đến tính biểu tượng thì thực sự ngày 3/10 không phải là ngày có tính biểu tượng cao nhất. Đây chỉ là một cột mốc có ý nghĩa pháp lý còn sự kiện thực sự đánh dấu chấm hết cho Chiến tranh Lạnh, cho việc xóa bỏ đối đầu Đông – Tây trên lục địa châu Âu đã diễn ra trước đó 1 năm, khi Bức tường Berlin sụp đổ.

Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohn ngày đó có nói rằng “sẽ mang đến những quang cảnh rực rỡ cho Đông Đức” nhưng cũng thừa nhận, phải mất ít nhất một thế hệ thì các khác biệt giữa hai miền Đông Đức-Tây Đức mới có thể được san lấp. Sau 30 năm, có thể nói là sự thống nhất của nước Đức đã thành công.

Hàng năm chính phủ Đức đều đưa ra một bản báo cáo mang tên “Báo cáo về thực trạng thống nhất của nước Đức” và báo cáo này phải xuất bản trước ngày 3/10 mỗi năm. Trong báo cáo năm nay, đưa ra hôm 16/9, Bộ trưởng Phụ trách các bang mới, tức các bang Đông Đức, ông Marco Wanderwitz nhận định, dù một số lĩnh vực mất nhiều thời gian hơn dự tính nhưng về tổng thể có thể nói là nước Đức đã thực hiện được một sự thống nhất thành công.

Cảm nhận rõ nhất về việc các khái niệm Đông Đức – Tây Đức đã biến mất là ở việc đường biên giới của Liên minh châu Âu đã bị đẩy lùi ra xa nước Đức. Trước kia, Bức tường Berlin là ranh giới phân chia hai khối thù địch về ý thức hệ, một bên là các nước phương Tây, bên kia là khối XHCN do Liên Xô dẫn đầu. Giờ đây, khi ranh giới cũ bị xóa bỏ, biên giới của phương Tây đã kéo dài đến tận Ba Lan, và phần nào đó là cả Ukraine, tức tiến sát đến nước Nga, tạo nên một sự căng thẳng chiến lược mới, dù không thể so với Chiến tranh Lạnh.

Vẫn chưa hoàn tất

Thủ tướng Angela Merkel trong một phát biểu nói rằng quá trình tái thống nhất nước Đức chính thức đã hoàn thành, nhưng sự thống nhất những người Đức chưa hoàn tất hoàn toàn, khi nhiều người ở Đông Đức cũ vẫn cho rằng họ là “những công dân hạng hai”

Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel xuất thân từ Đông Đức và bà chính là biểu tượng lớn nhất của sự hòa hợp thành công giữa Đông và Tây Đức trong 30 năm qua, khi từ một nhà khoa học trẻ, bà Merkel đã được cố Thủ tướng Đức Helmut Kohn dìu dắt và thăng tiến đến vị trí cao như hiện nay.

Tuy nhiên, trường hợp của bà Merkel cũng là một ngoại lệ, do sau 30 năm thống nhất, khoảng cách giữa các bang ở phía Đông Đức và các bang phía Tây Đức vẫn còn tương đối rõ. Về mặt kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của các bang phía Đông chỉ bằng 73% các bang phía Tây. Tất nhiên con số này cũng chỉ nên xem xét một cách tương đối vì vào năm 1990, thu nhập đầu người của Đông Đức chỉ bằng 37% của Tây Đức. Quan trọng hơn là sau 30 năm thống nhất, vẫn còn nhiều người ở phía Đông mang cảm giác là Đông Đức bị sáp nhập, chứ không phải là một sự thống nhất bình đẳng, do Tây Đức vẫn thống trị không chỉ về kinh tế mà còn cả chính trị, học thuật.

Lương bình quân của lao động Đông Đức thấp hơn 15% so với người cùng vị trí bên các bang phía Tây. Trong số 500 công ty lớn nhất nước Đức, chỉ có 37 công ty có trụ sở ở phía Đông. Một số thống kê khác cho thấy, dù các bang phía Đông chiếm 17% dân số Đức nhưng chỉ có 3% công dân gốc Đông Đức nằm trong Hội đồng quản trị của 30 công ty lớn nhất Đức, 2% trong các cơ quan pháp lý lớn và không có một ai trong số 80 Giám đốc hay Hiệu trưởng các trường Đại học.

Đây là một thực tế và chính thực tế này đang tạo nên các xu hướng chính trị cực đoan tại các bang phía Đông Đức, biến nơi đây thành nơi nuôi dưỡng các đảng như đảng cực hữu “Lựa chọn thay thế cho nước Đức” - AfD. Năm ngoái, khi kỷ niệm 30 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ, các cuộc khảo sát cũng cho thấy số người Đông Đức coi việc thống nhất nước Đức là thành công ít hơn 40%.

Đó là các con số cho thấy để sự thống nhất thành công trọn vẹn, nước Đức có lẽ vẫn cần thêm 1 thế hệ nữa.

Món quà cho châu Âu

Với riêng nước Đức, để giữ gìn sự thống nhất thành công, trong thời gian qua, xã hội Đức có những nỗ lực rất lớn để nhìn lại lịch sử. Người Đức cho rằng, 30 năm là quãng thời gian đủ dài để mở lại một số trang sử, dù là đau đớn và phức tạp, để qua đó xóa bỏ hết các nghi vấn, hoài nghi về quá trình thống nhất.

Một chủ đề được bàn nhiều ở Đức là về các Treuhand, tức là Ủy ban được phân công tư hữu hóa khoảng 13.000 nhà máy ở Đông Đức trong giai đoạn 1990-1994, dẫn đến tình trạng thất nghiệp của khoảng 2,5 triệu công nhân và gây ra các bất ổn xã hội ở Đông Đức trong nhiều năm của thập kỷ 90.

Nhiều người cho rằng phải nhìn thẳng vào các thất bại của Treuhand thì mới tìm ra được nguyên nhân của việc vẫn có sự phân biệt, có khoảng cách giữa Đông và Tây Đức như hiện nay.

Ngoài ra, càng về sau, khi các kho tư liệu cũ của Đông Đức, kể cả các kho tư liệu của mật vụ Đông Đức – Stasi, được giải mật thì càng có nhiều tiếng nói cho rằng cần phải minh bạch những gì đã diễn ra để nhìn thẳng vào tương lai.

Trong những năm qua, mỗi khi đến các dịp kỷ niệm ngày Bức tường Berlin sụp đổ hay ngày nước Đức thống nhất, các tiếng nói về nhu cầu nghiên cứu lịch sử càng nhiều hơn, đặc biệt ở Đông Đức.

Tuy nhiên, nhìn lại tất cả những gì đã qua, sự biến mất của các các khái niệm Tây Đức và Đông Đức mang ý nghĩa lớn lao với cả châu Âu, chứ không riêng nước Đức.

Năm 2019, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas có nói rằng “sự thống nhất của nước Đức là món quà của châu Âu dành cho nước Đức”, nhưng các nhà phân tích cũng đánh giá rằng “nước Đức thống nhất là món quà cho châu Âu”, vì sau năm 1990, một nước Đức thống nhất đã thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hội nhập châu Âu, trong đó Đức đóng vai trò quan trọng trong việc ký Hiệp ước Maastricht năm 1992 định hình Liên minh châu Âu như hiện nay.

Sau 30 năm thống nhất, một nước Đức thống nhất, không còn có các khái niệm Đông Đức-Tây Đức, đang là trụ cột vững chắc nhất về kinh tế và chính trị cho Liên minh châu Âu.

Giới phân tích đánh giá đây là “thời điểm châu Âu” của nước Đức, không chỉ vì Đức đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU mà còn vì thời gian qua đang chứng kiến những thay đổi chiến lược quan trọng trong tư duy của nước Đức đối với châu Âu.

Tháng 5/2020, chính phủ của bà Merkel lần đầu tiên từ bỏ nguyên tắc cứng rắn về nợ công, để chấp nhận trả chung nợ với các nước khác, từ đó cho phép châu Âu huy động được gói phục hồi kinh tế lớn nhất trong lịch sử, lên tới 750 tỷ euro.

Tầm vóc của sự kiện này được sánh ngang với “Kế hoạch Marshall” nhằm tái thiết châu Âu sau Thế chiến II còn sự thay đổi chiến lược của Đức được xem là bước đi quan trọng nhất của nước này với châu Âu thống nhất kể từ sau Hiệp ước Maastricht.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm