1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bền bỉ vượt khó, Joe Biden hiện thực hóa giấc mơ Nhà Trắng

Đức Hoàng An Bình

(Dân trí) - Sau gần 50 năm phụng sự nước Mỹ dưới nhiều cương vị khác nhau và trải qua những bi kịch gia đình, chính trị gia lão luyện Joe Biden đã tiến tới đỉnh cao nhất trong sự nghiệp.

Bền bỉ vượt khó, Joe Biden hiện thực hóa giấc mơ Nhà Trắng - 1

Ông Joe Biden và phu nhân Jill Biden (Ảnh: Reuters)

Cuộc đua tới Nhà Trắng đã diễn ra quyết liệt tới phút chót khi ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump rượt đuổi nhau từng lá phiếu bầu, từng điểm phần trăm tại các bang chiến địa.

Ngày 7/11, sau 4 ngày chờ đợi căng thẳng, ông Biden đã được xướng lên là Tổng thống đắc cử của Mỹ - một dấu mốc thành công sau 3 lần tranh cử, nỗ lực gần 50 năm bền bỉ theo đuổi sự nghiệp chính trị, trải qua nhiều vị trí quan trọng trong cơ quan lập pháp và hành pháp Mỹ.

Ông Biden, sinh tháng 11/1942, là con trai lớn trong một gia đình 4 anh chị em. Ông sinh ở Scranton, bang Pennsylvania. Cha ông Biden, Joseph Biden, làm nghề bán xe ô tô cũ và từng gặp khó khăn về tài chính khiến gia đình ông Biden phải chuyển tới Delaware sinh sống khi ông 9 tuổi.

Ông Biden học Đại học Delaware trước khi tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Syracuse và trở thành luật sư vào năm 1969.

Ba lần tranh cử tổng thống Mỹ

Bền bỉ vượt khó, Joe Biden hiện thực hóa giấc mơ Nhà Trắng - 2

Ông Biden từng 6 lần đắc cử Thượng viện Mỹ (Ảnh: Dailymail)

Ông Biden tham gia con đường chính trị từ rất sớm khi đắc cử vào Thượng viện Mỹ năm 1972 khi mới 30 tuổi, trở thành thượng nghị sĩ trẻ thứ 6 trong lịch sử Mỹ.

Trong gần 50 năm phụng sự nước Mỹ, ông Biden được xem là chính trị gia kỳ cựu, có tầm ảnh hưởng to lớn của đảng Dân chủ. Ông từng 6 lần đắc cử vào Thượng viện và trải qua nhiều vị trí khác nhau tại cơ quan lập pháp này, như chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện.

Sự nghiệp chính trị thăng trầm của ông Biden cũng được đánh dấu bởi 3 lần ông chạy đua trở thành tổng thống Mỹ.

Vào năm 1987, khi đang là “ngôi sao sáng” của đảng Dân chủ, ông Biden đã tuyên bố tham gia cuộc đua tổng thống năm 1988 với hi vọng trở thành tổng thống trẻ nhất nước Mỹ sau John F. Kennedy.

Khi chiến dịch tranh cử mới bắt đầu, ông được coi là một ứng viên mạnh bởi hình ảnh ôn hòa, có khả năng ăn nói, có sức hấp dẫn với thế hệ trẻ và vị trí tiếng tăm tại Thượng viện. Tuy nhiên, chỉ sau khi tuyên bố tranh của 4 tháng, ông đã phải rút lui do sự ủng hộ sụt giảm nhanh chóng.

Kể từ khi chiến dịch tranh cử 1988 thất bại, ông Biden được cho là đã nhiều lần cân nhắc tái tranh cử. Nhưng phải đến 20 năm sau đó, đến năm 2007, ông Biden mới tuyên bố chạy đua vào Nhà Trắng một lần nữa. Tuy nhiên, Joe Biden khi đó lại trở nên “lép vế” so với 2 gương mặt nổi bật khác trong đảng Dân chủ là Hillary Clinton và Barack Obama.

Bền bỉ vượt khó, Joe Biden hiện thực hóa giấc mơ Nhà Trắng - 3

Ông Joe Biden và ông Barack Obama (Ảnh: Reuters)

Cuối cùng, ông đã rút lui và trở thành phó tổng thống dưới thời ông Obama từ năm 2009-2017. Ông Biden được xem là “mảnh ghép” quan trọng trong nỗ lực chinh phục Nhà Trắng của ông Obama nhờ kinh nghiệm dạn dày về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.

Trên cương vị Phó tổng thống, ông Biden đã giám sát ngân sách cơ sở hạ tầng vào năm 2009 để đối phó với cuộc Đại suy thoái. Các cuộc đàm phán của ông với phe Cộng hòa tại quốc hội đã giúp chính quyền Obama thông qua các luật, trong đó có Luật kiểm soát ngân sách năm 2011, Luật giảm thuế cho người đóng thuế Mỹ năm 2012.

Về chính sách ngoại giao, ông Biden đã dẫn đầu các nỗ lực nhằm thông qua hiệp ước Start mới với Nga, ủng hộ sự can thiệp quân sự tại Libya, giúp hình thành chính sách của Mỹ đối với Iraq thông qua việc rút quân đội Mỹ vào năm 2011. Sau vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook, ông Biden đã đứng đầu Nhóm ứng phó khẩn cấp bạo lực súng đạn, được thành lập để giải quyết nạn bạo lực súng đạn tràn lan tại Mỹ.

Bền bỉ vượt khó, Joe Biden hiện thực hóa giấc mơ Nhà Trắng - 4

Ông Obama trao Huân chương Tự do cho ông Biden vào năm 2017 - danh hiệu cao quý nhất của một công dân Mỹ (Ảnh: Reuters)

Tháng 4/2019, ông Biden lần thứ 3 chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống ở tuổi 77 và trở thành ứng viên đảng Dân chủ vào tháng 8/2020.

Ông Biden sẽ 78 tuổi vào ngày 20/1/2021 - ngày chủ nhân mới của Nhà Trắng nhậm chức - và nếu như vậy, ông sẽ là tổng thống cao tuổi nhất nước Mỹ.

Bi kịch gia đình gắn liền với con đường chính trị

Có thể nói, trong 50 năm ghi dấu ấn trên con đường chính trị Mỹ, bi kịch gia đình đã ảnh hưởng không nhỏ tới ông Biden.

Ngay từ năm 1972, khi niềm vui đắc cử ghế thượng nghị sĩ chưa được bao lâu, ông Biden đón nhận tin dữ. Tháng 12 năm đó, người vợ đầu tiên của ông, Neilia Hunter Biden và con gái 1 tuổi Naomi qua đời trong một vụ tai nạn giao thông ở Delaware khi đi mua sắm cho mùa Giáng sinh. Hai con trai Hunter và Beau của ông Biden bị thương nặng. Ông Biden lúc đó đang ở Washington DC.

Bền bỉ vượt khó, Joe Biden hiện thực hóa giấc mơ Nhà Trắng - 5

Ông Biden cùng người vợ đầu Neilia trước khi bà mất vì tai nạn xe hơi (Ảnh: Dailymail)

Khi đó, ông đã định từ chức để chăm lo cho 2 con nhưng được thuyết phục ở lại và ông đã tuyên thệ nhậm chức khi ở bên cạnh giường bệnh của Hunter và Beau.

Ông Biden thừa nhận đây là một cú sốc lớn và ông từng đau buồn tới mức đã nghĩ đến việc tìm đến cái chết. Tuy nhiên, vì 2 con trai nhỏ tuổi, ông đã quyết định đứng dậy và bước tiếp.

Trong những năm làm thượng nghị sĩ, ông Biden đã nỗ lực trong việc cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình khi sống cảnh “gà trống nuôi con”. Ông được đặt biệt danh là “Joe Amtrak”, vì thường xuyên di chuyển trên tàu hỏa Amtrak từ nơi làm việc ở Washington DC về Delaware mỗi ngày để gần gũi và chăm sóc các con.

Bền bỉ vượt khó, Joe Biden hiện thực hóa giấc mơ Nhà Trắng - 6

Ông Biden tuyên thệ nhậm chức thượng nghị sĩ ngay cạnh giường bệnh của con trai năm 1972 (Ảnh: Dailymail)

Ông Biden tái hôn với người vợ thứ 2, Jill Biden, vào năm 1977. Họ có thêm một cô con gái và đã nỗ lực vun đắp, xây dựng một gia đình hạnh phúc trong hàng chục năm qua.

Khi nhiệm kỳ phó tổng thống thứ 2 của ông Biden sắp kết thúc hồi năm 2015, đã từng có nhiều đồn đoán rằng ông sẽ ra tranh cử tổng thống 2016. Tuy nhiên, ông Biden khi đó đã đối mặt với một bi kịch gia đình khác khi con trai Beau Biden - cựu Tổng chưởng lý bang Delaware - qua đời vì ung thư não.

Một lần nữa, bi kịch gia đình lại xảy ra khi ông Biden cân nhắc các quyết định chính trị. Ông Biden được xem đã tạm lại gác giấc mơ Nhà Trắng vì nỗi đau buồn mất con trai.

Bền bỉ vượt khó, Joe Biden hiện thực hóa giấc mơ Nhà Trắng - 7

Sự ra đi của con trai Beau được cho đã khiến ông Biden quyết định không ra tranh cử năm 2016 (Ảnh: AFP)

Trong suốt cuộc đời, ông Biden cũng gặp phải nhiều khó khăn. Để trở thành một chính trị gia có khả năng diễn thuyết trôi chảy, có sức thuyết phục như ngày hôm nay, ông đã phải vượt qua chứng nói lắp. Từng bị bắt nạt và trêu chọc từ khi trung học, nhưng ông đã tập luyện không ngừng nghỉ để có thể ra ứng cử chức lớp trưởng. Câu chuyện của ông Biden đã truyền cảm hứng những người bị nói lắp khác về nỗ lực của sự vươn lên.

Những bước ngoặt trong cuộc đời được xem đã vun đúc nên một chính trị gia Joe Biden giàu lòng cảm thông. Ông nhiều lần truyền tải thông điệp khi tranh cử tổng thống rằng ông hiểu được sự mất mát và đồng cảm với những người Mỹ mất đi người thân trong đại dịch Covid-19 - căn bệnh đã khiến hơn 240.000 người Mỹ thiệt mạng từ đầu năm tới nay. Giới quan sát đánh giá rằng, khi nước Mỹ đang đối mặt với những khó khăn và mất mát, ông Biden có đầy đủ những tố chất để có thể lãnh đạo quốc gia này vượt qua thách thức trước mắt khi đắc cử. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm