1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nữ phi công Mỹ từng thoát chết thần kỳ khi linh kiện máy bay "rơi lả tả"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nữ phi công không quân Mỹ Taylor "Petrie" Bye kể lại trải nghiệm căng thẳng hồi năm ngoái khi cô thoát chết trong lúc máy bay A-10 do cô điều khiển bị rơi loạt linh kiện trên không.

Nữ phi công Mỹ từng thoát chết thần kỳ khi linh kiện máy bay rơi lả tả - 1

Nữ phi công không quân Mỹ Taylor "Petrie" Bye chụp ảnh cùng chiếc A-10 (Ảnh: BI).

Theo Business Insider, cảnh tượng ác mộng trên không đã xảy ra với phi công điều khiển máy bay tấn công A-10 của không quân Mỹ Taylor "Petrie" Bye hồi năm ngoái.

Ngày 7/4/2020, một chuyến bay huấn luyện định kỳ đã bất ngờ xảy ra sự cố khi khẩu pháo 30 mm GAU-8/A Avenger trên chiếc A-10C Thunderbolt II của Bye bị trục trặc trên khu vực căn cứ Không quân Moody ở bang Georgia.

Vấn đề với khẩu pháo đã kéo theo một chuỗi các thảm họa khiến cho Bye cuối cùng buộc phải hạ cánh chiếc A-10 trong tình trạng mài bụng xuống đất vì không có vòm buồng lái, thiếu tấm che và cả thiết bị hạ cánh.

Nhờ màn tiếp đất kỹ thuật này, Bye không những cứu sống được mình mà còn nhận được 2 giải thưởng danh giá do quân đội Mỹ trao tặng.

Giây phút cân não

Khi tham gia huấn luyện và cố gắng bắn đạn từ khẩu pháo, Bye nghe thấy một tiếng động báo hiệu có điều gì không đúng xảy ra. Tiếp đó, tín hiệu bật lóe lên báo hiệu với cô rằng khẩu súng không an toàn. Lo ngại về tình hình, Bye nhanh chóng duy trì độ cao an toàn để đánh giá vấn đề.

Nhìn vào các đồng hồ thể hiện chỉ số máy bay, Bye thở phào vì thấy mọi thứ vẫn bình thường. "Lúc đó tôi nghĩ ngay là 'tốt rồi, mình sẽ không rơi từ trên trời xuống'", Bye nhớ lại.

Tuy nhiên, dù máy bay có thể bay được, nhưng nó lại không ở trong tình trạng lý tưởng. Sau khi tiếp tục đánh giá, Bye phát hiện ra khẩu pháo trục trặc đã kéo theo các bộ phận bên ngoài của máy bay bị hỏng. Các tấm bên ngoài máy bay đã rơi xuống vì trục trặc.  

Bye bắt đầu chuẩn bị hạ cánh khẩn cấp nhưng ngay khi đó phát hiện ra một vấn đề khác. Một phần của càng hạ cánh không thể hoạt động được, đồng nghĩa với việc hạ cánh an toàn lúc này là bất khả thi.

"Khi mọi thứ xảy ra, tôi không hoảng loạn. Tôi không sợ chết vì tôi biết mình đã được huấn luyện. Tim tôi đập thình thịch và tôi biết rằng đó là tình huống nghiêm trọng, nhưng tôi không sợ hãi", Bye nói.

"Tôi nghĩ cơ thể tôi đã chuyển sang chế độ sinh tồn", Bye kể lại, cho rằng chế độ huấn luyện nghiêm khắc của phi công không quân đã giúp cô bình tĩnh trong tình huống ngặt nghèo.

Sau khi xem xét mọi khả năng có thể, Bye đã quyết định hạ cánh chiếc A-10 bằng bụng, một quyết định khá rủi ro.

Ngay lúc đó, phần mái vòm buồng lái của chiếc A-10 tiếp tục văng ra sau một tiếng động lớn, theo Bye mô tả. Một luồng gió xộc thẳng vào nghe như tiếng "sấm rền". Bye hạ ghế xuống để che chắn bản thân trước luồng gió mạnh khi không có vòm buồng lái bảo vệ. Vào thời khắc đó, cô biết mình cần phải hành động.

"Giờ là lúc đưa máy bay xuống đất rồi. Linh kiện trên máy bay của tôi đang rơi xung quanh tôi", Bye nói thông qua thiết bị vô tuyến với đồng đội và rằng cô "không muốn bất cứ thứ gì rơi xuống nữa".

Nữ phi công Mỹ từng thoát chết thần kỳ khi linh kiện máy bay rơi lả tả - 2

Máy bay A-10 của Bye nằm trên đường băng sau cú hạ cánh bằng bụng năm ngoái (Ảnh: BI). 

Trên thực tế, Bye trước đó mới từng chỉ hạ cánh bằng bụng trong một thiết bị bay giả lập và điều kiện khi đó rất khác với thực tế, khi tính mạng của cô đang thực sự rơi vào nguy hiểm.

Những người quan sát cho biết, khi chiếc A-10 mài bụng xuống, tia lửa đã tóe lên. Do không rõ liệu đường ống nhiên liệu còn hoạt động hay không, cô vội vàng lao ra ngoài nhanh nhất có thể khi máy bay dừng lại.

Vượt qua cú sốc tâm lý

Khi đã sống sót, Bye cho biết, cô phải mất rất lâu để suy nghĩ về cú hạ cánh đầy may mắn.

Nữ phi công Mỹ từng thoát chết thần kỳ khi linh kiện máy bay rơi lả tả - 3

Bye được xem là sinh ra để trở thành phi công không quân Mỹ (Ảnh: BI).

Bye, nữ phi công 29 tuổi, ban đầu muốn theo hải quân vì được truyền cảm hứng từ ông nội cô, người từng chiến đấu trong Thế chiến II. Tuy nhiên, cô không trúng vào hải quân mà lại được không quân lựa chọn. Cô gia nhập lực lượng vào năm 2015 và được điều động tới Học viện Không quân Mỹ.

Vụ việc mà Bye trải qua năm 2020 không khiến cô nhụt chí. Bye đã quay lại cầm lái máy bay chỉ một tuần sau vụ tai nạn. Cô cảm thấy hồi hộp nhưng đã vượt qua cảm giác đó và tiếp tục tự tin điều khiển máy bay. Cô cũng cho rằng, vụ việc đã chứng minh được độ tin cậy của máy bay A-10.

Tháng 11 năm nay, Bye đã lần đầu tiên điều khiển trở lại chiếc A-10 bị hỏng năm ngoái sau khi nó được sửa chữa.