Nơi "xúc xích gặp bún mắm"
Có một “gã” người Anh nói tiếng Việt không sõi nhưng lại có thể kể vanh vách tên các món ăn, thức uống của Việt Nam không sai một chữ và dám tự tin tuyên bố: “Hiếm có món ăn VN nào mà tôi chưa từng thử qua!”
Gã đã sống tại VN gần mười năm qua, là chủ nhân của blog (nhật ký điện tử) www.noodlepie.com, nơi giới thiệu các kiểu ẩm thực VN. Tên của gã là Graham Holliday.
Những người lần đầu vào xem Noodlepie dễ bị “choáng” trước cơ sở dữ liệu khổng lồ của nó. Trang blog chẳng khác nào một từ điển bách khoa toàn thư thu nhỏ về ẩm thực VN với gần 100 món được giới thiệu hết sức công phu, tỉ mỉ trong mục category.
Từ chè, cháo, xôi đến bún bò Huế, cao lầu... Các món ăn dù dân dã hay sang trọng, qua cách miêu tả hấp dẫn và hình ảnh minh họa sống động của Graham đều không khỏi khiến người xem... nuốt nước bọt vì thèm. Tại sao lại là Noodlepie? “Noodle là các loại mì, bún, phở... nói chung, còn “pie” là một loại bánh nướng không xa lạ gì với người phương Tây. Noodlepie là nơi Đông gặp Tây, nơi xúc xích gặp bún mắm!” - anh giải thích.
Từ lúc trình làng vào tháng 4/2004 đến nay, Noodlepie đã thu hút gần 2 triệu lượt người truy cập và hai lần được đề cử vào vòng chung kết cuộc thi Bloggies (được ví như giải Oscar của giới chơi blog). Dù chỉ dừng lại ở... giải khuyến khích nhưng đối với Graham, điều quan trọng nhất là “càng có nhiều người biết đến Noodlepie thì ẩm thực VN càng trở nên phổ biến”.
Được những du khách nước ngoài “gửi trọn niềm tin” là điều khiến Graham cảm thấy vui nhất. Có người nói họ thích đến những nơi do anh giới thiệu hơn là nghe theo chỉ dẫn của các tạp chí du lịch, vì “Graham đã chỉ thì không sai vào đâu được”. Nhiều lúc anh còn trở thành “hướng dẫn viên bất đắc dĩ” để tư vấn những du khách chuẩn bị đến VN lần đầu tiên nên đi đâu, làm gì, ăn gì…
Viết nhiều, đi cũng nhiều (Graham là phóng viên tự do cộng tác với các báo The Guardian, Scotland Magazine, Sunday Herald, Time Magazine...) nhưng Graham lại chọn Sài Gòn làm nơi “đóng đô”, vì “vợ tôi làm việc ở đây, và quan trọng hơn Sài Gòn có các món ăn ngon nhất VN”. Phương châm của anh là “thấy món lạ thì thử, không từ bất cứ món gì”. Cũng may dạ dày của Graham khá “hiền” nên từ trước đến nay chưa có “tai nạn” nghiêm trọng nào xảy ra.
Bình thường Graham nói năng rất ngắn gọn và kiệm lời, nhưng nhắc đến ẩm thực VN là anh có thể nói hàng giờ không chán. Anh hí hửng khoe đã phát hiện ra một quán bún mắm ở quận 10 có từ 26 năm qua do một phụ nữ tên là “bà Sáu” làm chủ.
Tô bún xuất xứ từ miền Tây này đã được Graham “chọn mặt gửi vàng” để giới thiệu đến “Liên hoan ẩm thực Độc lập 2005” do TasteEverything.org (một weblog chuyên về ẩm thực thế giới) tổ chức, và đoạt giải “Món ngon của TasteEverything”. Ở nơi mà tất cả mọi thứ đều là “ảo” này, bỗng thấy rưng rưng niềm xúc động rất thật khi cái tên “bún mắm” dân dã xuất hiện bên cạnh 29 “anh hào ẩm thực” khác của thế giới.
Với quan điểm “đường ngắn nhất đến trái tim người khác đi qua…dạ dày ”, Graham rất ủng hộ việc sử dụng ẩm thực làm phương tiện quảng bá du lịch VN. “Các bạn chưa thể cạnh tranh với Thái Lan về những bãi biển tiện nghi, với Campuchia về những đền tháp cổ kính... nhưng hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực về ẩm thực”.
Theo Graham, ẩm thực đường phố là một trong những “tài sản” tinh thần quí nhất của VN, đặc biệt ở Sài Gòn. Anh nói các món ăn như gỏi cuốn, xôi, bánh mì... tuy bình dân nhưng thể hiện “cái hồn” của người Việt, và nếu biết tiếp thị đúng cách, nó sẽ tạo nét riêng hấp dẫn du khách đến VN.