Nơi nào được thấy "trăng xanh" rõ nhất vào đêm giao thừa 2010?
(Dân trí) - Đêm giao thừa năm 2010 người dân ở Mỹ, Canada, châu Âu, châu Phi...sẽ được chứng kiến hiện tượng “trăng xanh” hiếm có. Tuy nhiên “trăng xanh” ở đây không liên quan đến màu sắc, mà là hiện tượng trăng tròn lần thứ hai trong một tháng.
Mặt trăng và trái đất được chụp trong cùng một bức ảnh do tàu vũ trụ Galileo gửi về.
Trăng tròn đã xuất hiện vào ngày 2/12 vừa qua và sẽ trở lại vào ngày thứ năm này, đúng vào thời điểm đón chào năm mới 2010.
“Nếu bạn ở trên Quảng trường Thời đại (Mỹ), bạn sẽ được chứng kiến trăng tròn ngay trên đầu. Mặt trăng sẽ sáng vằng vặc”, Jack Horkheimer, giám đốc danh dự của trung tâm nghiên cứu vũ trụ Miami Space Transit Planetarium và là người dẫn một chương trình thiên văn học hàng tuần trên đài truyền hình, cho biết.
“Trăng xanh” đêm giao thừa sẽ được thấy rõ ở Mỹ, Canada, châu Âu, Nam Phi và châu Phi. Với những người dân ở Australia và châu Á, trăng tròn sẽ không xuất hiện cho tới Ngày năm mới, vì vậy tháng 1 sẽ là tháng “trăng xanh” đối với họ.
Đặc biệt, bán cầu đông có thể được chiêm ngưỡng hiện tượng nguyệt thực bán phần vào đêm giao thừa, khi một phần mặt trăng tiến vào bóng của trái đất. Nguyệt thực sẽ không được thấy ở châu Mỹ.
Trăng tròn diễn ra cứ 29,5 ngày một lần và hầu hết các năm có 12 lần trăng tròn. Trung bình, cứ 2,5 năm lại có một lần “trăng xanh”. Lần gần đây có hiện tượng “trăng xanh” là vào tháng 5/2007.
Tuy nhiên, “trăng xanh” vào đêm giao thừa cực hiếm, 19 năm mới có một lần. Lần gần đây nhất là vào năm 1990 và lần tiếp theo phải tới năm 2028.
Định nghĩa sai vẫn phổ biến
Theo Greg Laughlin, nhà thiên văn học tại Đại học California, “trăng xanh” không có ý nghĩa về thiên văn. “Trăng xanh” chỉ là tên gọi”, ông cho biết.
Định nghĩa phổ biến về “trăng xanh” được đưa ra sau khi một tác giả của tạp chí Sky & Telescope (Bầu trời & Kính thiên văn) năm 1946 dịch sai Niên gián của Nông dân Maine và gán “trăng xanh” là trăng tròn thứ hai trong tháng. Trên thực tế, niên gián định nghĩa “trăng xanh” là trăng tròn thứ ba trong một mùa có 4 trăng tròn. Thông thường một mùa có 3 lần trăng tròn.
Mặc dù Sky & Telescope đã sửa lỗi sai những thập kỷ sau đó nhưng định nghĩa sai vẫn được phổ biến.
Tuy nhiên, với những người theo chủ nghĩa thuần túy, trăng tròn vào đêm giao thừa năm nay không đủ “tư cách” là “trăng xanh”. Đây chỉ là trăng tròn đầu tiên của mùa đông.
Phan Anh
Theo AP