1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nỗi lo Trung Quốc dùng viện trợ can thiệp chính trị nội bộ New Zealand

(Dân trí) - Các nhà lập pháp lo ngại nguy cơ Trung Quốc dùng các khoản quyên góp rót cho các đảng phái trong hệ thống chính trị New Zealand để can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia này.

Nghị sĩ New Zealand Jami Lee Ross (Ảnh: Getty)
Nghị sĩ New Zealand Jami Lee Ross (Ảnh: Getty)

Tuần trước, nội dung một cuộc hội thoại giữa Jami Lee Ross, thành viên của đảng Quốc gia - đảng đối lập lớn nhất của New Zealand, và lãnh đạo của đảng này là Simon Bridges - một nghị sĩ được tín nhiệm tại New Zealand đã được công bố. Vụ việc nhanh chóng bị đẩy lên thành cuộc tranh cãi trên quy mô toàn quốc về việc liệu New Zealand có nên siết chặt các quy định về viện trợ tranh cử, đồng thời thiết lập một danh sách đăng ký dành cho những nhà vận động hành lang như cách Mỹ và Australia từng làm hay không.

Nghị sĩ Ross đã cáo buộc ông Bridges có hành vi gian lận khi tìm cách che đậy khoản quyên góp trị giá 100.000 NZD (khoảng 66.000 USD) từ Yikun Zhang, một doanh nhân giàu có người Trung Quốc, vào quỹ của đảng Quốc gia New Zealand bằng cách chia nhỏ số tiền này thành các khoản quyên góp có giá trị nhỏ hơn. Theo luật New Zealand, nếu số tiền quyên góp ít hơn 15.000 NZD, danh tính của người quyên góp không cần được công bố.

Ông Ross đã thông báo vụ việc cho cảnh sát New Zealand và tung lên mạng nội dung cuộc gọi mà ông đã bí mật ghi âm khi nói chuyện với ông Bridges hồi tháng 6, trong đó cả hai chính trị gia này đã thảo luận về khoản quyên góp của Yikun Zhang. Đoạn thu âm này không cho thấy bằng chứng rõ ràng rằng liệu ông Bridges có yêu cầu doanh nhân Trung Quốc chia nhỏ số tiền quyên góp hay không, trong khi bản thân ông Bridges đã phủ nhận việc này.

Cảnh sát New Zealand vẫn đang điều tra xem liệu đảng Quốc gia có thực sự che giấu khoản quyên góp từ doanh nhân Trung Quốc hay không. Trong khi đó, đảng Quốc gia khẳng định không xảy ra bất kỳ hành vi bất hợp pháp nào trong vấn đề này.

Lãnh đạo đảng Quốc gia New Zealand Simon Bridges. (Ảnh: NYT)
Lãnh đạo đảng Quốc gia New Zealand Simon Bridges. (Ảnh: NYT)

So với các quy chuẩn của New Zealand, khoản quyên góp 66.000 USD được cho là khoản tiền lớn. Cũng theo tiết lộ của nghị sĩ Lee Ross, khoản tiền này có điều kiện đi kèm, đó là lời hứa từ lãnh đạo đảng Quốc gia New Zealand về việc bổ sung thêm tên của hai doanh nhân vào danh sách các ứng cử viên cho Quốc hội New Zealand. Ông Bridges tuần trước khẳng định ông không nhận tiền để hứa hẹn về việc ủng hộ cho ứng cử viên nào.

Doanh nhân Yikun Zhang được cho là người có mối liên hệ gần gũi với đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông từng phục vụ trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và lãnh đạo một nhóm cố vấn cấp tỉnh cho đảng Cộng sản Trung Quốc trước khi chuyển đến New Zealand vào năm 2000.

Ông Zhang là chủ tịch của Hội đồng hương Chao Shan New Zeland - một tổ chức ra đời từ năm 2014 quy tụ những người mang quốc tịch New Zealand từng sinh ra ở vùng Chaosan, Trung Quốc. Hội này đã trở thành cầu nối quan trọng giữa Trung Quốc - New Zealand và ông Zhang dự định sẽ tổ chức một hội thảo kinh doanh với 1.000 khách Trung Quốc vào năm tới tại Auckland, thành phố lớn nhất của New Zealand.

Doanh nhân Zhang từng xuất hiện trong nhiều bức ảnh chụp chung với các nghị sĩ đảng đối lập và các quan chức làm việc trong chính phủ New Zealand, bao gồm Thủ tướng Jacinda Ardern. Ông Zhang cũng từng tham gia phiên đấu giá gây quỹ của Thị trưởng Auckland Phil Goff và đang có mặt ở Trung Quốc cùng Thị trưởng Southland Gary Tong. Đây là chuyến đi thứ hai của ông Zhang và Thị trưởng Tong tới Trung Quốc.

Nghi vấn từ các khoản quyên góp

Cuộc đối chất giữa hai chính trị gia Lee Ross và Simon Bridges là vụ việc mới nhất trong một chuỗi những vụ lùm xùm cho thấy New Zealand đang đứng trước nguy cơ bị can thiệp chính trị từ bên ngoài trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng trên toàn khu vực Thái Bình Dương. Những quan ngại này đã được đặt ra từ năm ngoái khi có thông tin Jian Yang, một nghị sĩ gốc Trung Quốc và là thành viên của đảng Quốc gia New Zealand, từng giảng dạy tại một học viện tình báo Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Yang phủ nhận thông tin ông là một tình báo và nghị sĩ này vẫn đang làm việc tại Quốc hội New Zealand.

Giới phân tích lo ngại rằng Trung Quốc có thể âm thầm tìm cách “mua ảnh hưởng” trong hệ thống chính trị New Zealand với mức chi phí thấp. Theo các nhà phân tích, New Zealand hiện vẫn duy trì những quy định lỏng lẻo về vận động hành lang và cách Trung Quốc thực hiện là rót tiền thông qua các khoản quyên góp giấu tên quy mô nhỏ.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (áo đỏ) và Thị trưởng Auckland Phil Goff (phải) đều có mối liên hệ với doanh nhân Yikun Zhang. (Ảnh: NZ Herald)
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (áo đỏ) và Thị trưởng Auckland Phil Goff (phải) đều có mối liên hệ với doanh nhân Yikun Zhang. (Ảnh: NZ Herald)

Nhà bình luận Miguel Martin cho rằng các khoản quyên góp chính trị là một cách hữu hiệu để Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu gây ảnh hưởng của nước này tại nước ngoài. Những nhà phân tích khác nhận định các chính trị gia ở cả cấp trung ương, địa phương và nghị sĩ ở các đảng của New Zealand đều đang “khát” tiền viện trợ, và họ dễ dàng trở thành những mục tiêu của Bắc Kinh.

Theo nhà kinh tế học New Zealand Rodney Jones, trong khi những khoản đóng góp trực tiếp từ người nước ngoài có thể dễ dàng gây chú ý và nằm trong diện “báo động đỏ” tại New Zealand, những khoản quyên góp do người New Zealand gốc Trung Quốc và có quan hệ với chính quyền Bắc Kinh rót cho các chính trị gia được thông qua dễ dàng hơn. Ông Jones cho rằng bản thân các chính trị gia New Zealand cũng không đặt ra quá nhiều nghi vấn về việc nguồn tiền mà họ nhận được đến từ đâu.

Thủ tướng Ardern tuần này đã lên tiếng bênh vực hệ thống nhận viện trợ bầu cử của New Zealand, khẳng định nền chính trị của New Zealand hoàn toàn minh bạch và không có sự can thiệp từ nước ngoài. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand và New Zealand cũng hy vọng sẽ gia hạn thỏa thuận thương mại tự do từng ký với Trung Quốc vào năm 2008.

New Zealand không phải quốc gia duy nhất đang đối mặt với nguy cơ can thiệp từ Trung Quốc. Australia hồi tháng 6 đã thông qua luật an ninh quốc gia, yêu cầu những nhà vận động hành lang nước ngoài phải đăng ký vào một danh sách công khai sau khi xuất hiện thông tin hai doanh nhân gốc Trung Quốc đã quyên góp hàng triệu USD thông qua các hệ thống chính trị tại Australia. New Zealand hiện chưa yêu cầu các nhà vận động hành lang nước ngoài cũng như trong nước đăng ký danh sách công khai.

Thành Đạt

Theo New York Times