1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nỗi lo sợ của y bác sĩ Pháp khi số người chết tăng kỷ lục

(Dân trí) - Các y bác sĩ tại Pháp không chỉ lo sợ khi phải đương đầu với số lượng bệnh nhân quá tải tại các bệnh viện, mà còn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cho chính gia đình họ.

Nỗi lo sợ của y bác sĩ Pháp khi số người chết tăng kỷ lục - 1

Xe cứu thương đi ngang qua Tháp Eiffel, nơi xuất hiện chữ Merci (Cảm ơn) để tri ân các nhân viên y tế, nhân viên an ninh và những người làm việc chống dịch Covid-19 tại Pháp. (Ảnh: AFP)

Vào mỗi buổi tối khi đồng hồ điểm 8 giờ, hàng triệu người trên khắp nước Pháp sẽ đổ ra ban công để gõ nồi, đánh trống, thổi kèn với âm lượng lớn nhất có thể.

“Nghi thức” hàng đêm này thực hiện để cổ vũ tinh thần cho các nhân viên y tế trong bối cảnh người dân Pháp phải tuân thủ lệnh phong tỏa và ở trong nhà gần 3 tuần.

Tuy nhiên, khi phải chứng kiến hàng trăm người chết mỗi ngày, sức chịu đựng của đội ngũ y bác sĩ, những người hùng được ca ngợi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, bị thử thách đáng kể.

Pháp ngày 30/3 ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát tại nước này. 418 người chết trong 24 giờ tại các bệnh viện đã nâng số ca tử vong tại Pháp lên 3.024 người. Tính đến nay, 44.450 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 tại Pháp.

“Sáng nay khi thức dậy, tôi đã khóc. Tôi khóc khi ăn sáng. Tôi khóc khi chuẩn bị làm việc”, y tá Elise Cordier thừa nhận trên Facebook trong một bài viết hé lộ nỗi sợ hãi và đau khổ của các nhân viên y tế làm việc tại tuyến đầu chống dịch ở Pháp.

Tuy nhiên, Elise nói rằng, ngay sau khi bước vào phòng thay đồ của bệnh viện, cô đã lau nước mắt.

“Những người đang nằm trên giường bệnh cũng đang khóc. Và tôi ở đây để lau nước mắt của họ”, Elise cho biết.

“Đội ngũ của chúng tôi lo sợ về sự bất ổn đang chờ đón chúng tôi trong tuần này và trong cả tháng 4 tới”, Giáo sư Elie Azoulay, người đứng đầu khoa chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Paris, nơi hoạt động gấp 3 lần công suất với 50 giường bệnh mới, chia sẻ.

“Họ lo sợ cho chính bản thân họ và người thân của họ, sợ không vượt qua được, sợ bị quá tải”, Giáo sư Azoulay nói, đồng thời hiểu rằng các y tá và bác sĩ tại một số nơi khác thậm chí đã thiệt mạng.

Nỗi lo sợ của y bác sĩ Pháp khi số người chết tăng kỷ lục - 2

Y tá cầm mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Paris. (Ảnh: AFP)

Các nhân viên y tế không chỉ đối mặt với cái chết và nỗi đau của các bệnh nhân, những người đang thoi thóp thở khi bị virus corona tàn phá phổi, mà còn phải đối mặt với nỗi sợ hãi rằng, chính họ có thể sẽ bị nhiễm virus và lây cho cả gia đình.

“Họ nói về một đợt sóng, một cơn sóng thần, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ bị nhấn chìm. Nỗi lo sợ ở đây đó là, chúng tôi sẽ phải nói với các bệnh nhân nằm trên cáng rằng: Xin lỗi, chúng tôi không còn giường”, Benjamin Davido, giám đốc khủng hoảng y tế tại bệnh viện Raymond-Poincare ở phía tây Paris, nói.

Nỗi sợ hãi của các nhân viên y tế Pháp càng tăng thêm trước tình trạng thiếu hụt khẩu trang và đồ bảo hộ tại các bệnh viện. Cơn giận dữ đã lên đến đỉnh điểm sau cái chết của một bác sĩ Pháp cách đây 10 ngày. Ông là bác sĩ Pháp đầu tiên tử vong vì Covid-19 sau khi tham gia chiến dịch đối phó với dịch bệnh.

Nếu trước đây, các bác sĩ tâm lý tại các bệnh viện có nhiệm vụ chăm sóc cho các bệnh nhân, thì nay họ phải chuyển mối quan tâm sang các đồng nghiệp.

Tại Clermont-Ferrand, bác sĩ tâm lý Julie Geneste cho biết ngoài nỗi sợ “không đủ sức ứng phó” với dịch bệnh, hầu hết các cuộc gọi của các nhân viên y tế tới trung tâm đều liên quan tới việc xoa dịu nỗi lo từ người thân và bạn bè, cũng như nỗi sợ lây nhiễm cho họ.

“Đây là những điều mới mẻ mà thế hệ chúng tôi chưa bao giờ được biết đến ở cấp độ này”, Geneste nói.

“Chúng tôi vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho điều này. Chúng tôi đều đau khổ… Một số đồng nghiệp của tôi bị sốc”, Geneste cho biết.

Bác sĩ tâm lý Nicolas Dupuis nói rằng anh đã chứng kiến tới 200 cuộc gọi một ngày tới trung tâm tư vấn nơi anh làm việc để hỗ trợ cho các nhân viên y tế. Dupuis cho biết các nhân viên y tế đang bị mắc kẹt giữa một bên là gia đình và một bên là các bệnh nhân của họ.

Điều khiến các nhân viên y tế lo ngại nhất là nỗi sợ hãi từ chính các con của họ. Một nhân viên y tế đã nói với Dupuis rằng: “Con gái 7 tuổi của tôi nói với tôi rằng: “Mẹ, nếu mẹ bị bệnh, mẹ đừng về nhà nữa””.

 

Thành Đạt

Theo SCMP