1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nỗi lo bị gạt ra ngoài lề của Nhật Bản trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều

(Dân trí) - Nhật Bản lo ngại rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên tại cuộc gặp thượng đỉnh lần hai sắp tới sẽ không xử lý các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Bình Nhưỡng trong khi đây là mối đe dọa lớn với Tokyo.

Nỗi lo bị gạt ra ngoài lề của Nhật Bản trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều  - 1

Từ trái qua phải: Tổng thống Donald Trump, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Thủ tướng Shinzo Abe. (Ảnh: Getty)

Một tháng trước khi Tổng thống Donald Trump dự định tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ không gạt ông ra ngoài lề trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng muốn tìm kiếm một thỏa thuận giải giáp vũ khí hạt nhân với Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm qua 23/1, Thủ tướng Abe tự tin nói rằng ông “đồng lòng” với Tổng thống Trump về vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, ở phía sau hậu trường, các quan chức và giới phân tích Nhật Bản lo ngại rằng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận với ông Kim Jong-un và thỏa thuận này đặt Nhật Bản vào nguy cơ dễ bị tấn công bởi tên lửa Triều Tiên.

“Tôi muốn đảm bảo rằng hội đồng an ninh quốc gia, cũng như các cố vấn an ninh quốc gia và các nhóm liên quan của cả hai nước chúng ta (Mỹ - Nhật), sẽ cùng phối hợp khi triển khai hành động, để chúng ta cùng đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên”, Thủ tướng Abe nói.

Lần đầu tiên gặp nhau tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra một cam kết mơ hồ về việc tiến tới “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên”. Tuy nhiên, đó mới chỉ thỏa thuận về vũ khí hạt nhân và hai bên dường như không đề cập tới các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên. Trong khi đó, điều khiến Tokyo bất an là các tên lửa này đủ khả năng tấn công lãnh thổ Nhật Bản.

Giới phân tích Nhật Bản lo ngại rằng Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo đang háo hức giành được chiến thắng ngoại giao để khỏa lấp tình trạng rối ren trong nước, sẽ đồng ý một thỏa thuận với Triều Tiên mà không tham vấn ý kiến của Nhật Bản. Theo thỏa thuận này, Triều Tiên sẽ đóng băng các hoạt động hạt nhân và phá dỡ các tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công Mỹ trong khi vẫn giữ nguyên các tên lửa tầm ngắn hơn của nước này, đồng nghĩa với việc Nhật Bản vẫn bị đặt vào tầm ngắm của Bình Nhưỡng bất kỳ lúc nào.

“Triều Tiên biết đây là vấn đề gây chia rẽ giữa Tokyo và Washington. Điều này khiến nhiều người ở Tokyo rất lo lắng”, Yoichi Funabashi, chủ tịch Sáng kiến Châu Á Thái Bình Dương, một cơ sở nghiên cứu tại Tokyo, cho biết.

Nỗi lo của Nhật Bản

Nỗi lo bị gạt ra ngoài lề của Nhật Bản trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều  - 2

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Thủ tướng Shinzo Abe tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng năm 2018 (Ảnh: AP)

Tokyo lâu nay không chỉ lo ngại chương trình hạt nhân, mà còn các tên lửa tầm ngắn và trung có thể tấn công Nhật Bản của Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh hiến pháp Nhật Bản không cho phép sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như hạn chế hoạt động của quân đội.

“Nước bị gạt ra ngoài lề xa nhất là Nhật Bản. Điều đó đặt ông Abe vào môt vị trí đầy rủi ro, buộc ông phải chạy theo tất cả mọi người để góp tiếng nói”, Evan Medeiros, nhà phân tích cho tổ chức Eurasia Group và từng là Giám đốc phụ trách châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định.

Nỗi lo sợ tại Nhật Bản càng tăng cao sau khi Tổng thống Trump tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc sau hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên tại Singapore. Một số ý kiến cho rằng động thái này là tiền đề để Mỹ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên, thậm chí khỏi toàn bộ khu vực Đông Á.

Theo ông Funabashi, Tổng thống Trump đang theo đuổi chính sách tận dụng cơ hội và có đi có lại với Triều Tiên. Chuyên gia Nhật Bản cho rằng sự khó đoán của ông chủ Nhà Trắng khiến ông trở thành “nguy cơ số một” với Tokyo trong năm tới.

Thủ tướng Abe, người tích cực xây dựng mối quan hệ với Tổng thống Trump nhiều hơn tất cả các nhà lãnh đạo khác, đã rất nỗ lực để không hé lộ bất kỳ khoảng cách nào với người bạn của ông tại Washington. Ông Abe nói rằng ông từng gặp Tổng thống Trump để “tham vấn chính sách kỹ lưỡng” trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore năm ngoái.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ như vậy trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Do vậy tôi tự tin rằng chúng tôi hoàn toàn đồng lòng trong nhận thức về Triều Tiên”, ông Abe tuyên bố.

Tuy vậy, thủ tướng Nhật Bản cũng phải thừa nhận rằng ông không thể gặp lại tổng thống Mỹ trước thềm hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim sắp tới. Nhà Trắng cho biết cuộc gặp sẽ diễn ra vào cuối tháng 2 và Việt Nam đang được dự đoán là nơi diễn ra sự kiện này.

Quốc hội Nhật Bản sắp họp vào tuần tới, và “tôi hiểu rằng Tổng thống Trump rất bận”, ông Abe nói, hàm ý tới tình trạng bế tắc hiện nay tại Washington khi chính phủ đóng cửa. Thủ tướng Abe cho biết ông hy vọng có thể trao đổi với Tổng thống Trump qua điện thoại.

Mặc dù là đồng minh thân cận với Mỹ, song tại diễn đàn kinh tế ở Davos tuần này, Thủ tướng Abe đã lên tiếng phản đối các chính sách bảo hộ của chính quyền Trump. Ông Abe kêu gọi Tổng thống Trump giải quyết cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thành Đạt

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm