1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhà Lãnh đạo Triều Tiên trông đợi gì ở Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2?

Trong nhiều phát biểu của mình, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã nêu rõ các yêu cầu nhằm phá vỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân.

Phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol đang có chuyến thăm tới Mỹ và gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Dư luận cho rằng, chuyến thăm của một quan chức hàng đầu Triều Tiên thăm Washington là dấu hiệu mạnh mẽ nhất về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang sẵn sàng công bố về một cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2. Trong lần gặp này, ông Kim Jong Un dường như đã nâng được “giá” của mình. 

 

Nhà Lãnh đạo Triều Tiên trông đợi gì ở Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2? - 1

Phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol (Ảnh: Bloomberg).

 

Trong các bài phát biểu trên các phương tiện truyền thông nhà nước và các cuộc gặp gỡ với các đối tác Trung Quốc và Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã dõng dạc đưa ra một danh sách các yêu cầu nhằm phá vỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân. Theo đó ông đưa ra nội dung nghị sự bao gồm từ việc khởi động lại các dự án kinh tế bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 đến việc suy giảm liên minh quân sự Mỹ-Hàn.

Câu hỏi đặt ra cho Tổng thống Mỹ Trump khi chuẩn bị tiếp ông Kim Yong Chol, trợ lý hàng đầu của Nhà lãnh đạo Triều Tiên, vào thứ Sáu (18/1 theo giờ Mỹ), là ông sẽ sẵn sàng từ bỏ điều gì, có xứng đáng hay không? Đã 7 tháng trôi qua, kể từ khi Tổng thống Mỹ Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên (vào tháng 6/2018, tại Singapore-ND). Tại cuộc gặp đó, hai bên đã đồng ý với nhau về “cùng làm việc để hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”. Nhưng cho đến này, phía Mỹ vẫn không đạt được cam kết nào để có thể kiểm tra được kho vũ khí của Triều Tiên.

 

Nhà Lãnh đạo Triều Tiên trông đợi gì ở Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2? - 2

Nhà Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu nhân dịp Năm Mới (Ảnh: KCNA).

 

Sau đây là những điều ông Kim Jong Un mong muốn:

Dỡ bỏ trừng phạt

Kể từ khi Tổng thống Trump rút lại các lời đe dọa chiến tranh và tiến hành cuộc gặp Thượng đỉnh với Nhà Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 6/2018, các lệnh trừng phạt do Mỹ hậu thuẫn đối với nền kinh tế Triều Tiên vẫn là “quân bài mặc cả” mạnh mẽ nhất. Ông Kim Jong Un đã nêu rõ rằng ông mong muốn sẽ được gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt, chỉ trích các lệnh trừng phạt là “xấu xa” và đe dọa trong lời phát biểu Năm Mới rằng sẽ “có một con đường mới”, nếu Mỹ không dỡ bỏ trừng phạt.

Cho đến nay, các quan chức chính quyền Tổng thống Trump vẫn khẳng định giữ nguyên các lệnh trừng phạt cho đến khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đồng ý Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên hoàn toàn và được xác minh đầy đủ. Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol, người vừa tới Washington hôm 17/1 (theo giờ Mỹ) sẽ xem xét các manh mối cho thấy rằng vị thế của Mỹ đang “nhún nhường” dần..

NBC News dẫn lời Phó Tổng thống Mike Pence nói rằng Mỹ sẽ tìm kiếm một kế hoạch có thể kiểm chứng để tuyên bố về các cơ sở hạt nhân và kho chứa vũ khí của Triều Tiên là kết quả của hội nghị thượng đỉnh thứ hai, như các quan chức đã nhấn mạnh trước đó. Và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết hôm thứ Tư (16/1) rằng nước này đang thảo luận về các biện pháp tương ứng với phía Mỹ để đáp lại các bước tiến tới phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Trong bài phát biểu nhân dịp Năm Mới, Nhà Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nêu ý kiến về các dự án hợp tác về đường sắt, du lịch và sản xuất với Hàn Quốc. Để các dự án có thể vận hành, Triều Tiên sẽ yêu cầu bãi miễn hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ, Hàn Quốc và Liên Hợp Quốc. Ông cũng thừa nhận thẳng thắn về tình trạng thiếu hụt năng lượng của đất nước mình, vấn đề có thể được hỗ trợ bằng việc cắt giảm các lệnh cấm vận nhiên liệu của Liên Hợp Quốc.

Đặc phái viên Mỹ phụ trách các cuộc đàm phán với Triều Tiên, ông Stephen Biegun, cho biết vào tháng 12 rằng, Mỹ đang xem xét nới lỏng các hạn chế tiếp nhận viện trợ nhân đạo và nguồn nhân lực lao động vào Triều Tiên.

Tình trạng hạt nhân

Đã 7 tháng trôi qua kể từ cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ- Triều diễn ra ở Singapore, Nhà Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nhiều lần thể hiện sự sẵn sàng tháo dỡ các cơ sở được sử dụng cho các cuộc thử nghiệm vũ khí. Tương tự như vậy, Triều Tiên có thể sẵn sàng đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon theo thỏa thuận trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 9.

Tuy nhiên, những động thái này của Triều Tiên, theo các nghị sĩ Mỹ là “các bước đi chưa đủ” để đáp ứng các yêu cầu của phía Mỹ về việc phá hủy các kho vũ khí, bao gồm cả việc công khai toàn bộ vũ khí và cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.

 

Nhà Lãnh đạo Triều Tiên trông đợi gì ở Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2? - 3

Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ- Triều tại Singapore tháng 6/2018 (Ảnh: Getty).

 

Quan hệ Liên minh Mỹ-Hàn

Khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đặt vấn đề về tham gia Thế vận hội mùa đông của Hàn Quốc năm 2018, ông đã gây áp lực ngày càng tăng lên mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ. Tổng thống Mỹ Trump cũng đã quyết định đình chỉ các cuộc tập trận quân sự lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6.

Các tuyên bố gần đây của Triều Tiên khẳng định rằng, thỏa thuận của Nhà Lãnh đạo Kim Jong Un về Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên bao gồm cả việc các máy bay và tàu chiến có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Mỹ cũng phải rời khỏi khu vực. Trong bài phát biểu Năm mới, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un kêu gọi Hàn Quốc dừng tất cả  các cuộc tập trận quân sự với lực lượng nước ngoài, “và rằng Triều Tiên và Hàn Quốc đã cam kết tiến lên trên con đường hòa bình và thịnh vượng”.

Ngay cả mong muốn của Triều Tiên về một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên - mà Mỹ vẫn từ chối - có thể hỗ trợ cho mục tiêu đó. Việc thay thế Hiệp định đình chiến năm 1953 bằng một hiệp ước hòa bình sẽ xóa bỏ lý do hiện diện của khoảng 28.500 binh sĩ đang đồn trú trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo Bích Đào

VOV