Nỗi khổ của những người sống sót sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ
(Dân trí) - Sau thảm họa động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người còn may mắn sống sót không chỉ đối mặt nỗi đau mất người thân, mất nhà cửa mà cùng với đó là một tương lai bất định.
Đôi mắt đỏ hoe, nét mặt nhăn nhó, bà Fidan Turan trông có vẻ lạc lõng khi đứng giữa đường, tự hỏi liệu có nên rời khỏi Antakya, thành phố bị tàn phá nặng nề sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, hay ở lại.
Tòa nhà nơi bà sinh sống dường như chịu lực tốt hơn so với những ngôi nhà khác gần đó ở Antakya, một trung tâm lịch sử sát gần biên giới Syria, được bao quanh bởi những ngọn núi và điểm xuyết những nhà thờ Hồi giáo cổ kính.
Cánh cửa kim loại trong tòa nhà vẫn trụ vững và các cửa sổ vẫn còn nguyên. Ngay cả máy điều hòa cũng không bị ảnh hưởng gì. Tòa nhà chỉ xuất hiện một vài vết nứt sau trận động đất 7,8 độ xảy ra hôm 6/2.
Nhưng nhiều người sống sót sau thảm họa như bà Turan đang lo sợ về một tương lai bất định đáng sợ hơn: xảy ra thảm họa động đất tương tự.
Kể từ sau khi trận động đất đầu tiên 7,8 độ xảy ra vào sáng sớm 6/2, Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) ước tính có gần 1.900 dư chấn làm rung chuyển cả khu vực.
Các quan chức và nhân viên y tế cho biết 24.617 người đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 3.553 người thiệt mạng ở Syria. Gần 93.000 người được sơ tán. Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay vào tối 10/2 đã cho biết, khoảng 80.000 người đang được điều trị tại các bệnh viện, hơn 1 triệu người mất nhà đang phải ở nơi sơ tán.
Đứng trên đường và nhìn chằm chằm vào căn hộ ở tầng 4 của mình, bà Turan không biết phải rẽ theo hướng nào.
"Khi nhìn các tòa nhà bị phá hủy, thi thể người thiệt mạng, tôi không biết mình sẽ ở đâu trong 2-3 năm tới. Tôi không thể tưởng tượng ngày mai mình sẽ ở đâu", bà Turan rơm rớm nước mắt nói. "Gia đình lớn của tôi đã mất 60 thành viên. 60 người! Tôi biết nói gì đây?".
Bà cũng không thể đến ở ngôi nhà của gia đình người thân gần đó bởi nó cũng đã bị phá hủy. "Chúng ta có thể đi đâu?", bà hỏi, giọng vỡ òa.
Anh Inayet, con trai bà, nhìn mọi thứ chằm chằm xung quanh và vẫn cố tìm lối thoát. "Ở đây vẫn có thể tái thiết", nhà tâm lý học 35 tuổi nói. "Chính phủ có đủ khả năng để làm điều đó".
"Nhưng hiện tại, hàng trăm người vẫn phải ở ngoài đường, ngủ trên băng ghế công viên. Chúng ta phải tìm ra một giải pháp", anh nói, thể hiện sự tức giận và tuyệt vọng.
Băng qua một con phố ở phía nam căn hộ của gia đình bà Turan, tay cầm máy lọc nước, Mustafa Kaya đi cùng con gái và vợ, người đang một tay kéo vali và tay kia kéo con gái của họ.
Cả gia đình anh sống trong một căn lều từ sau thảm họa và giờ anh mới dám trở về căn nhà đổ nát của mình để lấy một số đồ đạc. Anh không dám vào trong do sợ dư chấn động đất.
"Chúng tôi không biết mình sẽ ở đâu trong tháng tới hay năm tới", anh nói với vẻ cam chịu. "Chúng tôi sẽ làm theo những gì chính phủ thông báo và Chúa cho phép".
Kế hoạch trước mắt của anh ấy là đến thăm em trai ở Istanbul để xin người em cho ở nhờ một thời gian. "Nhưng chúng tôi không biết mình sẽ đến đó bằng cách nào", anh Kaya nói.
"Đây là nhà của chúng tôi"
Hatice Suslu, 55 tuổi, thậm chí còn có ít lựa chọn hơn. Bây giờ cô không có gì ngoài một căn lều ở một khu vực công cộng, nơi nhiều người sống sót đang cắm trại cả ngày lẫn đêm trên mặt đất đóng băng.
Một số tìm được các tấm nệm đã lỏng lẻo từ những đống đổ nát xung quanh. Nhiều người quấn kín chăn, ngồi sưởi ấm trước các bếp lửa để tránh cái lạnh buổi sáng.
"Tôi không biết chúng tôi sẽ làm gì. Chúng tôi sẽ đợi thêm vài ngày nữa trước khi quyết định", Suslu nói.
"Những người chết đã được giải thoát. Nhưng những người còn lại, họ sẽ ra sao?", cô dừng lại và suy nghĩ nhưng không tìm ra câu trả lời. "Không có gì để nói. Cuộc đời xem như đã kết thúc".
Nhưng anh Mehmet Ali Tuver, 35 tuổi, lại có cái nhìn lạc quan hơn. Anh đã xoay xở để tìm được một nhà kho và phủ bạt nhựa lên để tránh lạnh. "Mọi người đang cố tìm cách rời đi đâu đó. Nhưng đây là nhà của chúng tôi, chúng tôi không thể bỏ rơi nó", anh Tuver nói.