Người dân Thổ Nhĩ Kỳ gấp rút chôn cất nạn nhân động đất
(Dân trí) - Trước thực tế có quá nhiều người thiệt mạng sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, các gia đình ở đây buộc phải gấp rút thực hiện các nghi thức tang lễ và chôn cất nạn nhân.
Trận động đất xảy ra ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ đã cướp đi sinh mạng của hơn 18.000 người ở nước này, khiến nhiều người dân phải sống trong điều kiện khủng khiếp và ngày càng tồi tệ với mối lo đối mặt thảm họa thứ phát như dịch bệnh từ những thi thể chưa kịp chôn cất.
Vì vậy, hơn 72 giờ sau thảm họa, các gia đình đã phải bỏ qua các thủ tục tổ chức tang lễ theo truyền thống để đẩy nhanh quá trình chôn cất nạn nhân xấu số.
Nhiều hình thức theo truyền thống, và cả việc tổ chức tang lễ để bạn bè và người thân đến chia buồn đã không còn nữa. Quy trình mới được áp dụng, dựa trên tình trạng khủng hoảng thảm họa hiện nay, những người đã khuất được chôn cất nhanh chóng vì an toàn sức khỏe cộng đồng.
Một phụ nữ ngồi khóc bên cạnh thanh gỗ đơn sơ đánh dấu nơi con trai bà được chôn cất trong một gò đất dài và mỏng. Đây cũng là nơi chôn cất hàng chục nạn nhân khác.
Nghi thức tang lễ cho người con trai bà được rút gọn hết mức có thể, như chỉ tắm rửa theo truyền thống Hồi giáo, bọc trong một tấm vải liệm trắng và chôn cất. "Con trai tôi, con trai tôi", bà Gullu Kolac khóc và gọi tên con.
Khắp nơi trong nghĩa trang, nhiều gò đất mới đã biến mất hàng trăm ngôi mộ khác mọc lên. Gần đó, những chiếc máy xúc đang đào bới liên tục.
Thảm kịch đã làm biến đổi khu nghĩa trang bên ngoài làng Kapicam, gần tâm chấn động đất.
Bình thường, đó là một nơi thanh bình, được bao quanh bởi rừng cây hoa lá và rợp bóng cây thông cao chót vót, với tầm nhìn toàn cảnh những ngọn núi phủ tuyết ở phía xa. Nhưng trong ngày 9/2, nơi đây đầy tiếng than khóc của những gia đình và quá nhiều xác chết được bọc trong chăn hoặc túi đựng xác.
Hầu hết các thi thể được đưa đến bằng xe tải, xe cứu thương và xe tang lễ sau khi được kéo ra khỏi đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy bởi động đất.
Thi thể được chất đầy trên mặt đất xung quanh đó, thường thành từng nhóm từ hơn chục người trở lên, chờ người thân đến nhận hoặc nhận dạng và làm những công tác chuẩn bị cuối cùng để chôn cất.
Băng qua nghĩa trang là dòng người dường như vô tận mang theo những chiếc túi đựng xác từ mọi ngã đường đến những khu đất đã được đào sẵn, nơi các nạn nhân sẽ được chôn cất.
Adnan Beyhan, một quan chức tôn giáo đến từ một thành phố xa xôi để giúp ứng phó với thảm họa động đất, nói rằng thực tế khủng hoảng hiện nay đồng nghĩa với việc, các nghi thức tang lễ thông thường của người Hồi giáo phải thay đổi.
Ông cho biết, nhiều thi thể tìm thấy dưới các đống đổ nát đã bắt đầu phân hủy, nghĩa là họ không thể thực hiện nghi thức tắm rửa thông thường. Vì vậy, một số người thực hiện nghi thức này thông qua cách khác.
Chờ đợi là thử thách quá lớn
Vị quan chức tôn giáo này cho biết thêm, không phải tất cả các gia đình đều cảm thấy thoải mái ngay lập tức với sự thay đổi này. "Nhiều người dân đã hỏi tôi liệu việc chôn cất người thân theo cách này có được chấp nhận trong đạo Hồi hay không", ông nói.
"Tôi nói: Tất nhiên là được rồi. Và họ được chôn cất với tư cách của một người tử vì đạo", ông Beyhan nói thêm và cho biết, điều này được coi là một may mắn trong đạo Hồi.
Đối với nhiều người, chờ đợi là thử thách quá lớn. Trong đạo Hồi, việc chôn cất được cho là diễn ra càng sớm càng tốt.
Anh Cengizhan Ceyhan đã đến nghĩa trang để dự đám tang của em gái Saziye Ozer, và con gái Belis, 10 tuổi, đã thiệt mạng vì mắc kẹt trong đống đổ nát của một tòa nhà bị sập.
"Nếu đó là một vụ tai nạn ô tô, bạn có thể đến ngay bên họ, tắm rửa sạch sẽ cho họ", anh nói. "Nhưng kiểu này thì biết là chết mà phải đợi. Bạn vẫn còn hy vọng, điều đó thật đau đớn. Bạn không muốn chấp nhận rằng họ đã chết".
Đối với bà Kolac, việc chôn cất xong cho con trai Yakup Bulduk chỉ là một trạm dừng trên con đường đầy bi kịch của mình.Ba người thân của bà đã bị chôn vùi trong đống đổ nát: con trai Yakup Bulduk, 22 tuổi, cùng với vợ của người con trai khác và đứa con trai 2 tuổi của họ.
Chồng bà đã tìm may mắn tìm được người con trai Yakup nhưng những người thân còn lại vẫn chưa có tín hiệu gì. "Chúng tôi sẽ quay trở lại đống đổ nát để chờ đợi tin tức", bà nói.
Quá trình tang lễ hiện nay đều được hệ thống hóa. Các thi thể đưa đến nghĩa trang được kiểm tra để đảm bảo đã được cấp giấy chứng tử.
Trong khi hầu hết các thi thể được nhận dạng, nhiều thi thể chưa được cảnh sát lấy dấu vân tay, nên các đội tình nguyện làm việc ở đây phải lấy mẫu máu. Thông tin được ghi lại trong một hệ thống của chính phủ với số của ngôi mộ của người đó, để người thân có thể tìm thấy nếu đến sau.
Khi mặt trời lặn qua những rặng thông, những người đàn ông khiêng những chiếc túi đựng thi thể về phía các ngôi mộ, những chiếc máy xúc vẫn tiếp tục đào thêm, và những gia đình đang ngồi lặng lẽ bên cạnh những người thân yêu của họ, cầu nguyện hoặc khóc.
Một cụ bà 75 tuổi cho biết, bà đã mất 11 người thân trong trận động đất. bà lặng lẽ đi về phía bãi đậu xe sau khi chôn cất những người thân. "Tất cả những đứa trẻ đã biến mất".