1. Orlov
Orlov là viên kim cương lớn nhất và nổi tiếng nhất trong bộ sưu tập của Quỹ kim cương quốc gia tại điện Kremlin ở thủ đô Mátxcơva. Orlov được tìm thấy tại Ấn Độ vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Ban đầu, viên kim cương trắng pha xanh nhạt này có trọng lượng 400 carat nhưng giảm xuống còn 189,62 carat sau khi được cắt bớt.
Một số nguồn tin nói rằng Bá tước Grigory Orlov đã mua viên đá quý tại Amsterdam từ một thương gia Armenia (hoặc Ba Tư) để tặng cho Hoàng hậu Nga Catherine II vào ngày sinh nhật. Nhưng những người khác lại nói chính Catherine đã mua viên kim cương bằng ngân sách quốc gia. Để tránh bị chỉ trích, bà đã dựng lên câu chuyện về bá bước Grigory Orlov và đặt tên cho viên đá quý là Orlov.
2. Shah
Shah cũng là một viên kim cương khác nổi tiếng nhất trong bộ sưu tập của Quỹ kim cương của điện Kremlin. Nó nặng 88,7 carat, màu vàng nhạt. Shah có nguồn gốc từ Ấn Độ. Người ta kể rằng viên đá quý được tìm thấy tại các mỏ Golconda ở Ấn Độ vào thế kỷ 16, trước khi những mỏ này bị bỏ không.
Tương truyền, vào năm 1829, nhà ngoại giao và cũng là nhà thơ Nga Alexander Griboyedov bị sát hại tại Ba Tư. Vua Ba Tư đã phái cháu trai tới St Petersburg để tặng quà cho Nga hoàng Nicholas I để tránh một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Viên kim cương Shah - vật quý giá trị nhất của các vị vua Ba Tư - đã được đem tặng.
3. Black Orlov
Nguồn gốc của viên kim cương Black Orlov, cũng như màu xám khác thường của nó, cho tới nay vẫn là điều bí ẩn. Tương truyền, viên kim cương - còn có tên gọi khác là “Con mắt của Brahma” - được đặt trên bức tượng tại một điện thờ gần Pondicherry ở miền nam Ấn Độ và nặng 195 carat khi chưa cắt.
Người ta kể rằng Black Orlov đã gây ra vụ tử tự của 2 công chúa Nga. Cũng theo truyền thuyết, viên kim cương từng thuộc sở hữu của Công chúa Nadia Orlova mặc dù lịch sử đã bác bỏ điều này vì không có công chúa Nga nào tên như vậy. Black Orlov hiện nay nặng 67,50 carat và được trưng bày tại các bảo tàng trên khắp thế giới.
4. Cullinan
Viên kim cương Cullinan (hay còn có tên gọi là “Ngôi sao của châu Phi”) là viên kim cương thô lớn nhất từng được phát hiện. Nó nặng 3.026 carat (một số nguồn tin cho biết Cullinan nặng 3.106 carat) và được phát hiện năm 1905 tại Transvaal, Nam Phi.
Chính phủ Transvaal đã tặng viên kim cương cho nhà vua Edward VII của Anh nhân dịp sinh nhật ông. Edward VII đã giao cho thợ kim hoàn nổi tiếng nhất London Joseph Asscher cắt Cullinan. Viên đã quý sau đó được cắt thành 2 viên lớn Cullinan I và Cullinan II, 7 viên kích cỡ tương đối và 96 viên nhỏ. Cullinan I và Cullinan II hiện nằm trong bộ sưu tập đá quý của hoàng gia Anh.
5. Koh-i-Noor
Koh-i-Noor (Núi ánh sáng), nặng 105 carat, hiện được gắn trên vương niện Nữ hoàng Anh. Viên kim cương có xuất xứ từ mỏ Kollur, quận Guntur ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Ban đầu nó có màu vàng nhạt nhưng sau đó trở thành màu trắng trong sau khi được cắt lại năm 1852.
6. Annenberg
Annenberg là một trong những viên kim cương nổi tiếng nhất thế giới. Viên đá quý hoàn mỹ nặng 32 carat. Hồi tháng 10/2009, viên kim cương đã được bán với giá 7,7 triệu USD trong một cuộc đấu giá ở New York, Mỹ.
7. Wittelsbach
Wittelsbach, ban dầu nặng 35,56 carat, được tìm thấy tại mỏ Kollur của Ấn Độ. Tương truyền rằng Vua Philip IV của Tây Ban Nha đã mua viên kim cương xanh này vào năm 1664 và dùng nó làm của hồi môn khi con gái khi công chúa Margarita Teresa kết hôn với Vua Leopold I của Áo.
Mặc dù Teresa mất tương đối sớm nhưng chồng bà vẫn giữ viên kim cương và chuyển giao nó cho nhiều người thừa kế liên tiếp. Viên kim cương mang tên Wittelsbach kể từ năm 1722 khi cháu gái của vua Leopold kết hôn với một thành viên của gia đình Wittelsbach, triều đại hoàng gia ở Đức và được hoàng gia Đức lưu giữ từ đời này sang đời khác.
Năm 2008, thợ kim hoàn nổi tiếng người Anh Laurence Graff đã mua Wittelsbach với giá kỷ lục 24,3 triệu USD trong phiên đấu giá ở London. Ông Graff sau đó đã cắt lại viên đá quý và hiện nay Wittelsbach nặng 31,06 carat.
8. Hy vọng
Viên kim cương mang tên Hy vọng nặng 45,52 carat được cho là viên kim cương không may mắn nhất thế giới. Viên đá quý từng thuộc gia đình hoàng gia Ấn Độ và bị đánh cắp khỏi đầu một tượng thần Ấn Độ. Tương truyền rằng viên kim cương này hường gây tai hoạ cho những ai sở hữu.
Vào khoảng năm 1830, Huân tước Henry Philipp Hope ở Anh đã mua nó với giá rất cao và nó mang tên Hope kể từ đó. Nhưng bí ẩn là cả dòng họ Hope đều chết bi thảm. Những người sở hữu sau đó cũng chịu số phận tương tự. Gia đình sở hữu cuối cùng đã tặng viên kim cương cho Viện Smithsonia ở Washington, Mỹ, nơi nó được trưng bày ngày nay.
9. “Lời hứa Lesotho”
“Lời hứa Lesotho”, được phát hiện tại mỏ ở Nam Phi năm 1967, là viên kim cương lớn thứ 10 trên thế giới. Năm 2006, viên kim cương được bán với giá 12 triệu USD tại Antwerp, Bỉ. Sau khi được cắt, giá của viên kim cương đã tăng gấp đôi. Tập đoàn kim cương Nam Phi hiện sở hữu viên đá quý này. Công ty cho biết sẽ đem bán viên kim cương đã được cắt gọt trong tương lai.
10. Bộ đôi kim cương vàng
Hai viên kim cương lớn màu vàng - một viên hình tròn nặng 102,54 carat và một viên hình trái lê nặng 82,48 carat - thuộc bộ sưu tập trang sức của Marquise de Paiva, một gái điếm hạng sang thế kỷ 19 vốn đam mê kim cương. Paiva sinh ra trong một gia đình Do thái nghèo ở Mátxcơva nhưng tự nhận là con hoang của đại công tước Constantine Pavlovich Romanov. Năm 2007, những người thừa kế của Paiva đã mang bán đấu giá 2 viên kim cương.
An Bình
Theo Ria