1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những tín hiệu từ thượng đỉnh 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn

Thanh Thành

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, việc Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh gần đây với Hàn Quốc và Nhật Bản tại Trại David có thể tác động tới bức tranh chính trị ở khu vực Đông Á cũng như căng thẳng Mỹ - Trung.

Những tín hiệu từ thượng đỉnh 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn - 1

(Từ trái sang phải) Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh 3 bên ở Trại David, bang Maryland, Mỹ hôm 18/8 (Ảnh: Reuters).

Khi Washington tăng cường quan hệ với cả Tokyo và Seoul, các chuyên gia đã cảnh báo về tác động mà điều đó có thể gây ra đối với cán cân quyền lực khu vực, đặc biệt là căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tổng thống Joe Biden đã ca ngợi "kỷ nguyên mới" của mối quan hệ đối tác an ninh chặt chẽ giữa ba cường quốc tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc mang tính bước ngoặt được tổ chức tại Trại David, ngoại ô thủ đô Washington (Mỹ), hồi cuối tuần trước.

Trong khi ông Biden cũng khẳng định hội nghị thượng đỉnh không nhằm vào Bắc Kinh, tuyên bố chung của 3 nước bày tỏ lo ngại về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như chính sách của nước này đối với Đài Loan.

Hôm 21/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã chỉ trích hội nghị thượng đỉnh này, cho rằng nó đã "bôi nhọ và tấn công Trung Quốc" và là "một nỗ lực có chủ ý nhằm gieo rắc sự bất hòa giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của chúng ta".

Ông Uông so sánh mối quan hệ đối tác này với các liên minh do Mỹ dẫn đầu khác như Aukus (với Anh và Australia) và Quad (với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia).

"Chúng tôi thấy hai quỹ đạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày nay", ông Uông nói. "Một trong đó là những nỗ lực nhằm thúc đẩy tình đoàn kết, hợp tác và hội nhập kinh tế. Thứ hai là nỗ lực khơi dậy sự chia rẽ và đối đầu cũng như làm sống lại tâm lý Chiến tranh Lạnh".

Chuyên gia Seong-Hyon Lee, nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ George H.W. Bush về Quan hệ Mỹ - Trung có trụ sở tại Houston, Texas cho rằng, bằng cách chính thức hóa hợp tác giữa các nước, hội nghị thượng đỉnh Trại David đã đánh dấu "một liên minh quân sự trên thực tế mà không tuyên bố rõ ràng như vậy".

"Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi lớn của bối cảnh an ninh Đông Á mà chúng ta chưa từng thấy trong 100 năm qua", chuyên gia này nói, đồng thời lưu ý rằng Tổng thống Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh và các cuộc tập trận quân sự chung hàng năm.

Bộ ba cũng nhất trí thiết lập một đường dây nóng mới để chia sẻ thông tin tình báo quân sự, cam kết chia sẻ dữ liệu thời gian thực về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và thảo luận các biện pháp nhằm giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu khi tiếp xúc với Trung Quốc.

Giáo sư Shi Yinhong về các vấn đề quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho rằng, mặc dù hội nghị thượng đỉnh không công bố "một liên minh quân sự" nhưng nó đánh dấu một giai đoạn mới trong việc tăng cường phối hợp chiến lược giữa Washington và các nước ở Đông Á.

Ông cho biết, trong những năm gần đây, cả Mỹ và Nhật Bản đều tăng cường nỗ lực chuẩn bị "sâu rộng và cụ thể" cho một kịch bản xung đột có thể xảy ra với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

Ông nói thêm rằng, cả hai nước cũng đã thực hiện tái cơ cấu chuỗi cung ứng để siết chặt hơn nữa không gian hoạt động kinh tế và chiến lược của Trung Quốc.

Trong hoàn cảnh này, việc Mỹ, Nhật, Hàn thiết lập một khuôn khổ an ninh kinh tế và quân sự đã chính thức được đưa vào chương trình nghị sự chung của họ thông qua sự phối hợp hiệu quả, và do đó đã diễn ra cuộc họp ở Trại David, ông Shi nói.

Tín hiệu chuyển dịch từ Hàn Quốc

Trong số ba quốc gia, việc Hàn Quốc xích lại gần Nhật Bản và sự thay đổi quan điểm của nước này trong các vấn đề như Biển Đông và Đài Loan được xem là gây bất ngờ.

"Trong khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thiết lập liên kết ba bên chặt chẽ hơn về các vấn đề an ninh khu vực, hội nghị thượng đỉnh cũng có nghĩa là Seoul về cơ bản đã chấm dứt chính sách kéo dài nhiều năm nhằm duy trì sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc", chuyên gia Zhu nhận định.

"Việc Hàn Quốc chọn một bên hiệu quả trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ có tác động rất quan trọng đến an ninh ngoại vi của Trung Quốc và sự cạnh tranh chiến lược của nước này với Mỹ ở Đông Á", ông cho biết thêm.

Khác với Nhật Bản, Hàn Quốc từng ngần ngại đứng về phía Mỹ trong các tranh chấp trên biển và căng thẳng xuyên eo biển.

Nhưng kể từ khi Tổng thống Yoon nhậm chức hơn một năm trước, Seoul đã tìm kiếm mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Washington, cải thiện mối quan hệ căng thẳng với Tokyo và ngày càng liên kết với hai nước trong các vấn đề Trung Quốc.

Bắc Kinh gần đây đã tăng áp lực lên Seoul, công khai chỉ trích lập trường thân Mỹ của chính quyền Tổng thống Yoon, đặc biệt là việc ông theo đuổi liên kết an ninh chặt chẽ với Mỹ và Nhật Bản.

Hồi tháng 6, Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Xing Haiming đã vướng vào rắc rối ngoại giao khi cảnh báo rằng Seoul "chắc chắn sẽ hối hận" nếu đặt cược chống lại Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung.

Ngoài việc Tổng thống Yoon xoay trục sang Mỹ, chuyên gia Zhu cho rằng, chính sách "ngoại giao chiến lang" của Trung Quốc trong việc đối phó với Hàn Quốc, đặc biệt là sau khi Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ vào năm 2016, cũng có tác động tiêu cực đến quan hệ song phương.

Ông đánh giá: "Hàn Quốc đã chấp nhận rằng các mối quan tâm về an ninh và chiến lược của họ quan trọng hơn các vấn đề khác, bao gồm cả lợi ích kinh tế và kinh doanh".

Theo chuyên gia Benoit Hardy-Chartrand về các vấn đề quốc tế tại Đại học Temple Nhật Bản ở Tokyo, việc ông Yoon trúng cử tổng thống tại Hàn Quốc là yếu tố then chốt đưa ba nước xích lại gần nhau. 

Theo chuyên gia này, hội nghị thượng đỉnh riêng Nhật - Hàn - Mỹ đầu tiên không chỉ là một thành công về mặt ngoại giao của Tổng thống Biden, nhưng cũng là một dấu hiệu của sự rạn nứt ngày càng lớn trong địa chính trị khu vực Đông Á.

Trung Quốc cũng củng cố các cơ chế đa phương

Theo các chuyên gia, Trung Quốc cũng cho thấy sự sẵn sàng trong chiến lược bảo vệ những gì họ coi là lợi ích quốc gia "cốt lõi'".

Để đáp trả Mỹ, có thể thấy Trung Quốc củng cố mối quan hệ với Nga và các quốc gia khác trong các cơ chế như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và BRICS.

Giáo sư Kim Hyun-wook tại Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc cho rằng, nền chính trị trong nước, đặc biệt là cải tổ cơ chế lãnh đạo, vẫn là thách thức lớn nhất đối với quan hệ đối tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn.

Nếu ông Trump thắng trong cuộc bầu cử năm tới, tương lai hợp tác ba bên sẽ không rõ ràng, vì quan điểm của ông Trump là nước Mỹ trên hết, giáo sư Kim nhận định.

Theo ông, vấn đề lịch sử căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sẽ nổi lên nếu Seoul thay đổi chính quyền.

Ông Kim cũng cho rằng, Trung Quốc khó có khả năng trả đũa Nhật Bản và Hàn Quốc do khó khăn kinh tế và lo ngại về phản ứng dữ dội của dư luận ở cả hai nước.  Ông nói thêm, bên cạnh yếu tố Triều Tiên, chính sách ngoại giao cứng rắn của Trung Quốc với Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đóng vai trò lớn trong việc đẩy họ xích lại gần Mỹ.

Chuyên gia Hardy-Chartrand cũng nhất trí rằng, cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc đối với quan hệ Hàn Quốc một phần là nguyên nhân dẫn đến tình hình này.

Cho đến gần đây, Bắc Kinh có thể an tâm bởi thực tế là Seoul mong muốn duy trì mối quan hệ bền chặt, phần lớn là do nước này phụ thuộc kinh tế vào nước láng giềng. Nhưng giờ đây, Seoul dường như đã sẵn sàng rời xa quan điểm cân bằng truyền thống với Bắc Kinh và Washington, ông nói.

Theo SCMP, NYT