1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc bác tin lập liên minh quân sự với Nga giữa căng thẳng với Mỹ

Minh Phương

(Dân trí) - Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt nếu lập liên minh quân sự với Nga bởi một liên minh như vậy sẽ khiến căng thẳng với phương Tây leo thang hơn nữa

Trung Quốc bác tin lập liên minh quân sự với Nga giữa căng thẳng với Mỹ - 1
Tàu khu trục và tàu hộ vệ Trung Quốc neo tại cảng Saint Petersburg, Nga năm 2017. (Ảnh: AFP)

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 2/3 khẳng định nước này không có ý định lập liên minh quân sự với Nga, giữa lúc có những đồn đoán rằng Bắc Kinh và Moscow có thể "liên thủ" để đối phó Mỹ nói riêng và liên minh quân sự NATO nói chung.

"Mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Nga là một động lực hỗ trợ quan trọng trong hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia. Tuy vậy, hai bên tuân thủ nguyên tắc không liên minh, không đối đầu, không nhằm vào một nước thứ ba", thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 10 năm ngoái bất ngờ nói rằng ông "không loại trừ khả năng" về một liên minh quân sự Nga - Trung. Điều này làm dấy lên đồn đoán Nga và Trung Quốc có thể lập liên minh quân sự thách thức NATO.

Các chuyên gia quốc phòng Trung Quốc nhận định, thông điệp của Bộ Quốc phòng Trung Quốc rõ ràng nhấn mạnh Bắc Kinh muốn tránh căng thẳng với Washington leo thang thành "chiến tranh nóng", và muốn tránh làm gia tăng sự hoài nghi của châu Âu. Cheng Yijun, một chuyên gia về quan hệ Nga - Trung tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định một liên minh quân sự Nga - Trung sẽ kéo Bắc Kinh vào căng thẳng giữa Nga và châu Âu.

Ni Lexiong, chuyên gia quân sự tại Thượng Hải, cũng nhận định Nga và Trung Quốc có nhiều lợi ích chung, nhưng lịch sử cho thấy Bắc Kinh sẽ phải trả một cái giá rất lớn nếu lập liên minh quân sự.

"Mối quan hệ hiện nay giữa Trung Quốc là mối quan hệ bán quân sự, nghĩa là họ là đồng minh nhưng không ràng buộc về bất cứ nghĩa vụ quân sự nào. Quan hệ này tương tự quan hệ của Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ", chuyên gia Ni nói.