1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Những tiêu chí tạo nên chiến đấu cơ thế hệ thứ 6

Chỉ một thiết kế mới chưa đủ để thiết lập một thế hệ máy bay chiến đấu hoàn toàn mới. Chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 và cao hơn được đặc trưng bởi mức độ linh hoạt cao, hệ thống điện tử tiên tiến, radar xung doppler, khả năng tàng hình…

Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5
 
Trong những tháng gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đề cập nhiều đến nền tảng máy bay chiến đấu mới, được đi kèm với cụm từ "thế hệ thứ 6". Trong thực tế, thế hệ máy bay chiến đấu không phải là quy chuẩn chính thức, mà là thuật ngữ công nghiệp thường liên quan đến những bước nhảy vọt đáng kể về khả năng của máy bay. Khái niệm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm là một ví dụ điển hình, đã thay đổi theo thời gian. Để hiểu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, hãy tìm hiểu những tiêu chí tạo nên nền tảng thế hệ thứ 5.
 
Năm 2005, Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên trang bị chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 Lockheed Martin F-22 Raptor. So với thế hệ tiền nhiệm thứ 4, F-22 rõ ràng khác hẳn… nhưng chính xác điều gì đã khiến nó trở thành chiếc máy bay đầu tiên của thế hệ mới, thay vì một phiên bản tiên tiến hơn so với thế hệ máy bay chiến đấu hiện có? Các tiêu chí thế hệ xuất phát từ chính cộng đồng hàng không, mỗi thế hệ đi kèm với một loạt các khả năng có thể đã tồn tại ở một số máy bay cụ thể trước đây, nhưng trở thành yêu cầu chung cho các máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.
Những tiêu chí tạo nên chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 - 1

Tiêm kích thế hệ thứ năm F-22 (Mỹ); Nguồn: sandboxx.us

Các thế hệ máy bay chiến đấu được phân loại mang tính chủ quan và cách Không quân coi những khả năng mới nào đã được coi là tạo ra một thế hệ mới là: Thế hệ 1 - sử dụng động cơ phản lực; Thế hệ thứ 2 - có cánh lướt, được tích hợp radar xác định khoảng cách và tên lửa dẫn đường bằng tia hồng ngoại; Thế hệ thứ 3 - có tốc độ siêu thanh, radar xung và tên lửa có thể tấn công đối thủ từ ngoài tầm nhìn; Thế hệ thứ 4 và cao hơn - mức độ linh hoạt cao, mức độ khác nhau về kết hợp cảm biến, radar xung doppler, giảm tín hiệu radar, v.v.

Đối với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên - F-22 Raptor - tiêu chí quan trọng nhất để phân biệt nó với các máy bay thế hệ thứ 4 là khả năng tàng hình và một phần trong thiết kế của máy bay. Thay vì đầu tiên thiết kế một máy bay chiến đấu theo khí động học và hiệu suất, sau đó tìm cách giảm thiểu tín hiệu radar, quá trình phát triển F-22 ưu tiên khả năng tàng hình ngay từ đầu.

Tất nhiên, đó không phải là tất cả những gì làm cho F-22 trở nên đặc biệt và mặc dù trên thực tế, nó là máy bay chiến đấu tàng hình thực tế đầu tiên trên hành tinh, cũng sở hữu một số thuộc tính thiết yếu khác của thế hệ thứ 5 - đi kèm với hệ thống máy tính tích hợp cao có khả năng giao tiếp với các thiết bị kết nối mạng khác. Đây là một khung máy bay hiệu quả cao có khả năng phục vụ với nhiều vai trò, duy trì mức độ nhận thức tình huống cao hơn so với những nền tảng cũ hơn.

F-22 cũng sở hữu khả năng bay siêu vượt âm - có nghĩa là có thể duy trì tốc độ siêu thanh mà không cần sử dụng thiết bị đốt sau. Đối với một tiêm kích đánh chặn như F-22, khả năng siêu hành trình giúp nó áp sát máy bay đối phương ở tốc độ cực cao trong khi vẫn tiết kiệm đủ nhiên liệu cho cuộc chiến khi đuổi kịp. Ngược lại, máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ 4 như F-16 Falcon với thiết bị đốt sau sẽ đốt toàn bộ nhiên liệu mà nó có trong vòng vài phút. Do đó, trong một thời gian, khả năng siêu hành trình được coi là một trong các tiêu chí máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

Những tiêu chí tạo nên chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 - 2

Tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57 (Nga); Nguồn: sandboxx.us

Hiện nay, có 4 nền tảng máy bay chiến đấu thế hệ 5 đang hoạt động trên thế giới là F-22 và F-35 của Mỹ, J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Nga, bay cùng với hơn 25 nền tảng khác nhau thế hệ 4. Những gì làm cho 4 máy bay chiến đấu có khả năng cao này khác biệt với ngay cả những nền tảng thế hệ thứ 4 hiện đại và tiên tiến nhất như F-15EX là khả năng tàng hình; mức độ cơ động cao; hệ thống điện tử hàng không tiên tiến; khả năng đa vai trò; khả năng kết hợp mạng hoặc dữ liệu. Một số khả năng này đã có trên máy bay thế hệ 4, nhưng mỗi khả năng phải có trên nền tảng thế hệ thứ 5. Điều này đặt ra câu hỏi: tiêu chí đối với một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 là gì, khi các nền tảng thế hệ thứ 5 vẫn còn rất ít?

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 có thể là bất cứ thứ gì người ta muốn…

Rõ ràng, chỉ đơn giản là một thiết kế mới không đủ để thiết lập một thế hệ máy bay chiến đấu hoàn toàn mới. Để trở thành chiếc máy bay đầu tiên của thế hệ mới, bản thân chiến đấu cơ cần phải ngang ngửa với những người tiền nhiệm về khả năng tích hợp công nghệ và tác chiến. Vì máy bay chiến đấu thế hệ 4 hiện nay thường được chia thành ít nhất ba thế hệ phụ (4, 4+ và 4 ++), nên có lý do nào đó máy bay chiến đấu thế hệ 5 cũng sẽ như vậy. Máy bay chiến đấu thế hệ 4 được thiết kế và chế tạo từ khoảng năm 1975 đến 2005 - trong khi các nền tảng thế hệ thứ 5 mới chỉ hoạt động được khoảng một phần ba thời gian đó.

Có thể có lập luận cho rằng, trừ khi một máy bay chiến đấu mới đánh dấu một sự thay đổi đột phá so với khả năng thế hệ thứ 5, nó sẽ thực sự thuộc loại thế hệ thứ 6, hoặc có thể được coi là chiếc đầu tiên của thế hệ 5+. Cũng giống như sự khác biệt giữa máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và thứ 5, một số khả năng này có thể được quan sát thấy trên các nền tảng hiện có. Tuy nhiên, để thực sự trở thành một chiến đấu cơ thế hệ thứ 6, hầu hết, nếu không phải tất cả, các thuộc tính này có thể sẽ phải hiện hữu.

Những tiêu chí tạo nên chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 - 3

Chiến đấu cơ thế hệ thứ năm trở đi có thể hoạt động với các máy bay không người lái; Nguồn: sandboxx.us

Hiện nay, việc nâng cấp đang được tiến hành trên F/A-18 Block III Super Hornet sẽ tạo một bước đột phá về khả năng, nhưng với chi phí khá cao do khó khăn trong việc bổ sung công nghệ mới vào một nền tảng cũ. Chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 được cho là sẽ sử dụng thiết kế mô-đun ở một mức độ nào đó cho phép tháo rời các bộ phận và dễ dàng thay thế bằng những bộ phận tốt hơn. Điều này không chỉ giúp tăng tuổi thọ của mỗi máy bay mà còn cho phép triển khai các hệ thống cảm biến, điện tử hàng không và vũ khí tiên tiến nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Ngày nay, máy bay không người lái đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ, tuy phần lớn chúng tiến hành các hoạt động khá đơn giản như không kích trong vùng trời không bị kiểm soát. Khi kết hợp phi công trí tuệ nhân tạo với phi công thực, chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu sẽ có khả năng tự bay và có thể thực hiện một số nhiệm vụ mà không cần phi công. Phi công sẽ luôn là một phần thiết yếu của chiến tranh trên không (ít nhất là trong nhiều thập kỷ tới), nhưng việc sử dụng máy bay không người lái không chỉ có thể giải phóng nhân lực mà còn có thể giúp cứu mạng sống phi công.

F-35 Joint Strike Fighter được coi là cung cấp nhận thức về tình huống chiến trường tốt nhất so với bất kỳ nền tảng máy bay chiến đấu nào trong lịch sử. Điều đó phần lớn là nhờ sự kết hợp khả năng tổng hợp dữ liệu và màn hình hiển thị thông báo tích hợp. F-35 có thể thu thập thông tin từ một loạt các cảm biến trên không và mặt đất, kết hợp các nguồn cấp dữ liệu khác nhau, và hiển thị thực tế trên thiết bị trong buồng lái và mũ bảo hiểm của phi công khiến cho việc chiến đấu trong đời thực giống như chơi một trò chơi điện tử. Thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo có thể sẽ không chỉ làm cho khả năng này trở nên phổ biến mà chúng sẽ phát triển dựa trên những tính năng này.

Những tiêu chí tạo nên chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 - 4

Đồ họa chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 (Mỹ); Nguồn: sandboxx.us

Cùng với các đối thủ của mình, quân đội Mỹ đã bắt đầu trang bị vũ khí năng lượng định hướng và tàu sân bay mới nhất của Mỹ, U.S.S. Gerald R. Ford, thậm chí còn được thiết kế để tạo ra nhiều năng lượng hơn mức nó cần chỉ để tích hợp vũ khí năng lượng định hướng được phát triển trong tương lai. Để hỗ trợ các loại vũ khí thậm chí còn chưa được phát minh, chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 sẽ phải tạo ra nhiều năng lượng hơn mức chúng cần. Nhờ đó, khi cần tích hợp hoặc hoán đổi vũ khí, thiết kế mô-đun sẽ giúp việc hoán đổi dễ dàng và năng lượng dôi dư sẽ đảm bảo cho chúng hoạt động.

Các khả năng được dự đoán này kết hợp với nhau để tạo ra một bước nhảy vọt về hiệu suất, và tầm mà chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 có thể giao chiến với kẻ thù. Từ các máy bay không người lái làm nhiệm vụ quan sát phía trước, dữ liệu mục tiêu sẽ được chuyển trở lại chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 để chủ thể này phát động các cuộc tấn công chống lại mục tiêu từ xa.

Thủy quân lục chiến đã chứng minh khả năng chuyển tiếp dữ liệu mục tiêu từ F-35 tới hệ thống tên lửa pháo M142 HIMARS gần đó, hệ thống này sau đó có thể thay F-35 tiêu diệt đối thủ. Khả năng này sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong những năm tới, khi các khí tài trên mặt đất và các phương tiện hàng không khác bắt đầu trở thành nguồn cung cấp thông tin cho các hệ thống dung hợp dữ liệu.

Chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 dự kiến sẽ hoạt động ở những khu vực có nhiều tranh chấp phức tạp, nguy hiểm, và do đó, chúng sẽ phải có khả năng sống sót cao. Điều đó có nghĩa là tận dụng khả năng tàng hình và tác chiến điện để hạn chế giao tranh và có khả năng, tận dụng công nghệ như hình ảnh ba chiều sợi plasma cảm ứng bằng laser của Hải quân để đánh lừa hệ thống phòng không và tên lửa hoạt động theo nguyên lý hồng ngoại được tích hợp. Đây chỉ là một hình thức "tích hợp tự bảo vệ" mà các chiến cơ thế hệ thứ 6 có thể sẽ thực hiện trong cuộc chiến khi hệ thống phòng không phát triển mạnh hơn và máy bay thích nghi với chiến trường mới.

Theo Lê Ngọc
VOV