Những thợ lặn sẵn sàng đánh đổi tính mạng cứu đội bóng “nhí” Thái Lan
(Dân trí) - Họ là những thợ lặn từ khắp nơi trên thế giới, cùng đổ về Thái Lan và sẵn sàng đánh đổi tính mạng để giải cứu 13 người bị mắc kẹt trong hang.
Nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải cứu 12 thành viên trong đội bóng thiếu niên Thái Lan và huấn luyện viên bị mắc kẹt trong hang Tham Luang từ ngày 23/6 đã quy tụ hàng chục thợ lặn hàng đầu thế giới, trong đó có 50 thợ lặn nước ngoài và 40 thợ lặn Thái Lan. Tới hang Tham Luang tham gia chiến dịch giải cứu, tất cả họ đều nhận thức được những nguy hiểm mà họ có thể sẽ phải đối mặt.
Đội thợ lặn giải cứu đội bóng nhí bao gồm một nhóm các đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan. SEAL là viết tắt của “biển, trời và đất”, nghĩa là 3 môi trường nơi các đặc nhiệm được huấn luyện để tác chiến. Họ là những đặc nhiệm được huấn luyện gắt gao, sẵn sàng đánh đổi tính mạng để đưa những người bị mắc kẹt trong hang ra ngoài an toàn.
“Đặc nhiệm SEAL đã quen với việc đương đầu và hy sinh tính mạng cho sự sống của người khác. Họ luôn sẵn sàng như vậy. Đó là lý do họ gia nhập lực lượng. Ngay cả khi huấn luyện, họ cũng đối mặt với nguy cơ đe dọa tới mạng sống. Điều đó cho thấy họ được huấn luyện khắc nghiệt như thế nào”, Don Mann, cựu đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ, nói với ABC News.
Tất cả các thợ lặn đều đã đổ về phía bắc Thái Lan để tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên. Ngay cả đối với những thợ lặn được huấn luyện chuyên nghiệp nhất, chiến dịch giải cứu này cũng là thách thức không hề nhỏ đối với họ.
“Dù cho bạn là thợ lặn SEAL của Hải quân, hay thợ lặn bình thường và từng trải qua các khóa huấn luyện giải cứu, điều đó chẳng thấm vào đâu so với những gì bạn phải làm trong chiến dịch giải cứu thực sự”, ông Mann, tác giả của cuốn sách “Làm thế nào để trở thành đặc nhiệm Hải quân: Tất cả những gì bạn cần biết để trở thành thành viên của lực lượng tinh nhuệ của Hải quân Mỹ”, cho biết.
“Những thợ lặn đã được đào tạo kỹ lưỡng, nhưng những đứa trẻ tội nghiệp (trong hang Tham Luang), chúng phải học bơi và lặn trong khoảng thời gian rất ngắn. Cứ hai thợ lặn cứu hộ sẽ đi cùng một đứa trẻ, nhưng họ sẽ phải bơi qua những lối đi rất chật hẹp và tối tăm. Không gian hẹp như vậy sẽ tạo nên nỗi sợ hãi. Đó là một cảm giác khủng khiếp”, ông Mann nói thêm.
Bức ảnh những người tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan nắm tay nhau được chia sẻ trên mạng xã hội (Ảnh: ABC)
Tính đến chiều nay, các thợ lặn đã giải cứu thành công 11 người bị mắc kẹt trong hang Tham Luang và đang gấp rút đưa 2 người còn lại ra khỏi hang trong thời gian sớm nhất. Trước khi bắt đầu chiến dịch giải cứu, các thợ lặn đã chia sẻ trên Facebook bức ảnh họ nắm tay nhau với thông điệp: “Chúng tôi, đội cứu hộ Thái Lan và quốc tế, sẽ đưa Lợn hoang (tên đội bóng) về nhà”.
Trước đó, Saman Gunan, một cựu thành viên của đặc nhiệm Hoàng gia Thái Lan, đã thiệt mạng khi đang đặt các bình khí trong hang Tham Luang. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Gunan được cho là do thiếu oxy khi đang tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng. Sự ra đi của Gunan đánh dấu thương vong đầu tiên trong chiến dịch giải cứu đội bóng và là cú sốc lớn cho đội cứu hộ. Điều đó cho thấy mức độ nguy hiểm khi làm việc trong hang sâu ngập nước, ngay cả đối với những người có dày dạn kinh nghiệm như Gunan.
Theo cựu đặc nhiệm Mỹ Don Mann, những người cứu hộ như Gunan trước hết là những người dũng cảm và sẵn sàng quên đi bản thân.
“Họ là những người sẵn sàng tham gia một chiến dịch giải cứu với tâm lý rằng, những gì họ làm có thể sẽ buộc họ phải đánh đổi tính mạng để đổi lấy sự sống cho người khác”, ông Mann nhấn mạnh.
Phương án giải cứu đội bóng Thái Lan sau sự ra đi của cựu đặc nhiệm
Thành Đạt
Theo ABC