Những thảm hoạ nguyên tử kinh hoàng nhất trong lịch sử (1)
(Dân trí) - Thảm hoạ hạt nhân luôn là nỗi ám ảnh không bao giờ có hồi kết đối với toàn thể loài người. Hậu quả mà nó để lại luôn luôn tàn khốc và kéo dài suốt nhiều thế hệ. Dưới đây những thảm họa nguyên tử kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.
1. Vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản)
Theo lệnh của Tổng thống Mỹ Harry S.Truman, ngày 6/8/1945, chiếc máy bay ném bom B-29 mang tên “Enola Gay” đã hoàn thành sứ mệnh hủy diệt của mình bằng việc thả quả bom nguyên tử đầu tiên “Little Boy” xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Tiếp sau đó 3 ngày, 9/8/1945, quả bom thứ hai mang tên "Fat Man" đã phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki. Theo như lời giải thích của Quân đội Mỹ vào thời điểm đó, hành động này được coi là đòn chí mạng đánh vào quân đội Phát xít Nhật nhằm “kết thúc chiến tranh sớm” và để “hạn chế thiệt hại sinh mạng các bên tham chiến”.
Đám mây nấm từ vụ nổ hủy diệt thành phố Nagasaki.
Ước tính đã có khoảng 140.000 người dân Hiroshima thiệt mạng do vụ nổ cũng như bởi hậu quả vô cùng nặng nề mà nó để lại. Còn tại Nagasaki, con số người thiệt mạng là 74.000 người. Đó chỉ là những con số được Quân đội Mỹ chiếm đóng tại Nhật công bố vào tháng 2/1946 mà chưa thể tính được những nạn nhân tử vong sau này do các bệnh về phóng xạ. Theo thống kê, con số người chết do phóng xạ tại cả hai thành phố Hiroshima và Nagasaki từ năm 1950 đến năm 1990 là hàng trăm nghìn người.
Nagasaki biến thành một nghĩa địa khổng lồ không bia mộ chi trong tích tắc.
2. Sự cố Three Mile Island (Pennsylvania, Mỹ)
Ngày 28/3/1979, sự cố nghiêm trọng đầu tiên trong lịch sử ngành năng lượng nguyên tử Mỹ xảy ra tại tổ máy số 2 của nhà máy điện nguyên tử “Three Mile Island” bang Pennsylvania, Mỹ.
Sự cố bắt nguồn từ việc nước làm nguội chảy ra khỏi lò phản ứng hạt nhân số 2 làm cho thùng lò bị nóng chảy khiến cho những chất phát xạ thấm vào lòng đất.
Nhà máy điện nguyên tử Three Mile Island.
Đây được coi là một trong những tai nạn hạt nhân dân sự nghiêm trọng nhất của Mỹ và được xếp ở mức 5 trên 8 nấc thang sự cố hạt nhân quốc tế (INES) được dùng để thông báo mức độ nghiêm trọng của các sự cố hạt nhân.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, lệnh di tản dân chúng khẩn cấp trong phạm vi bán kính 9 km xung nhà máy được ban bố. May mắn thay, những hành động khắc phục sự cố được thực hiện nhanh chóng và kịp thời, do đó đã ngăn chặn được chất phóng xạ thoát ra ngoài môi trường, không để ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
3. Vụ va chạm ở Palomares (Tây Ban Nha)
Vụ va chạm trên bầu trời làng Palomares (Tây Ban Nha) ngày 17 /1/1966 giữa một chiếc máy bay ném bom B-52 của Mỹ và một chiếc máy bay chở dầu KC-135 ở độ cao 9.000 m được coi là vụ tai nạn vũ khí hạt nhân tồi tệ nhất trong thời Chiến tranh Lạnh.
Vụ va chạm khiến cả hai chiếc máy bay nổ tung trên bầu trời Palomares. Lúc gặp nạn, trên chiếc B-52 đang chở 4 quả bom khinh khí (bom hidro). Hậu quả là 2 trong 4 quả bom đã bị phá tung ra thành nhiều mảnh và tạo nên một cơn mưa bụi plutonium, quả thứ 3 hạ cánh an toàn xuống một cánh đồng khoai tây gần đó, còn quả thứ 4 rơi xuống biển, nằm sâu dưới nước.
Vài tuần sau vụ tai nạn, làng Palomares giống như một phim trường tái hiện lại cảnh ngày tận thế. Trên mặt đất, những người đàn ông mặc bộ đồ bảo hộ màu trắng, đeo mặt nạ xanh, tay cầm máy đo phóng xạ chậm chạp bước đi. Toàn bộ khu vực nơi xảy ra tai nạn bị phong tỏa. Để khắc phục sự cố, Chính phủ Mỹ đã xúc đi 1.400 tấn đất ở Palomares và chuyển chúng sang Mỹ để tiêu hủy.
Ngoài biển, hàng chục tàu chiến Mỹ tuần tra dọc bờ biển để phong tỏa khu vực nơi một ngư dân đã trông thấy quả bom thứ 4 rơi xuống biển. Phải mất 81 ngày người ta mới trục vớt được quả bom này từ độ sâu 800 m lên khỏi mặt nước.
4. Thảm họa Chernobyl (Ukraine)
Sự cố ngày 26/4/1986 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraine được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử ngành năng lượng hạt nhân mà hậu quả của nó để lại cho đến tận bây giờ vẫn chưa thực sự có hồi kết.
Sự việc bắt đầu bằng một vụ nổ hơi lớn ở lò phản ứng số 4 gây ra cháy rồi kéo theo một loạt các vụ nổ liên tiếp sau đó khiến cho lõi lò phản ứng hạt nhân bị tan chảy. Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra một vùng rộng lớn, ảnh hướng đến nhiều quốc gia khác nhau. Nhiều khu vực thuộc Ukraine, Belarus và Nga bị ô nhiễm trầm trọng dẫn tới việc phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người. Thảm hoạ này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima.
Quang cảnh Chernobyl sau sự cố.