1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những thách thức của châu Âu trong nỗ lực thoát năng lượng Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng điện hạt nhân xảy ra ở Pháp được cho có thể gia tăng thách thức cho châu Âu trong nỗ lực thoát sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.

Những thách thức của châu Âu trong nỗ lực thoát năng lượng Nga - 1

Lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy Chinon đã ngừng hoạt động vì sự cố với hệ thống làm mát (Ảnh: New York Times).

Các cột hơi nước bốc lên từ 2 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Chinon tại thung lũng Loire của Pháp. Tuy nhiên, bầu trời tại khu vực lò phản ứng hạt nhân thứ 3 lại xanh một cách bất thường. Đó là vì lò phản ứng này đang tạm ngừng hoạt động sau khi bên vận hành phát hiện ra vết nứt ở hệ thống làm mát.

Đây không phải là trường hợp duy nhất ở Pháp khi một nửa các lò phản ứng hạt nhân ở nước này đã bị dừng hoạt động sau khi hàng loạt vấn đề xảy ra với nhà vận hành năng lượng hạt nhân Électricité de France (EDF).

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang đặt ra mục tiêu thoát phụ thuộc vào dầu và khí đốt Nga vì Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Pháp đã đặt cược vào năng lượng hạt nhân để vượt qua cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Điện hạt nhân chiếm 70% sản lượng điện của Pháp, mức cao nhất thế giới. Pháp cũng sở hữu số lượng lò phản ứng hạt nhân để sản xuất điện cao hàng đầu châu Âu.

Tuy nhiên, ngành năng lượng hạt nhân của Pháp lại đang trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ khi EDF đối mặt với hàng loạt vấn đề từ các sự cố kỹ thuật trong các nhà máy, hay khí hậu nóng lên khiến cho việc làm mát các lò phản ứng trở nên khó khăn hơn.

Sự cố tại EDF, nhà xuất khẩu điện lớn nhất châu Âu, đã khiến sản lượng điện hạt nhân của Pháp giảm xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm, đẩy hóa đơn điện của nước này lên mức cao kỷ lục. Thay vì xuất khẩu một lượng lớn điện cho Anh, Italy và các nước châu Âu đang từ bỏ dầu mỏ của Nga, Pháp lại đối mặt với viễn cảnh đáng lo ngại khi có thể bắt đầu mất điện trong mùa đông này và phải nhập khẩu điện.

EDF giờ đã nợ hơn 45 tỷ USD và đối mặt với rắc rối về tài chính tới mức chính phủ Pháp đang bỏ ngỏ khả năng EDF có thể cần phải được quốc hữu hóa.

Sự cố với ngành năng lượng hạt nhân của Pháp diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm khi giá dầu tăng kỷ lục sau khi EU quyết định sẽ dừng nhập phần lớn mặt hàng này từ Nga. Diễn biến này tiếp tục tác động lên châu Âu và làm gia tăng cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt mà Pháp và nhiều quốc gia khác trong khu vực đang cố gắng giải quyết. Giá khí tự nhiên, nguyên liệu mà Pháp dùng để bù đắp cho những sự cố ở nhà máy hạt nhân cũng tăng vọt.

Trong bối cảnh EU muốn thoát ly dầu và khí đốt Nga, những người ủng hộ điện hạt nhân cho rằng loại năng lượng này có thể giúp thu hẹp tình trạng thâm hụt nhiên liệu của châu Âu, cũng như giúp châu lục này hướng tới mục tiêu dần thay thế bằng năng lượng tái tạo để đáp ứng các mục tiêu chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng.

Vấn đề khó tháo gỡ

Tuy nhiên, việc khắc phục cuộc khủng hoảng ở EDF là không dễ dàng.

Khoảng 1/4 sản lượng điện của châu Âu đến từ năng lượng hạt nhân ở khoảng 10 quốc gia, trong đó Pháp sản xuất hơn một nửa tổng số điện.

Nhưng ngành công nghiệp hạt nhân của Pháp, chủ yếu được xây dựng từ những năm 1980, đã gặp khó khăn trong nhiều thập kỷ do thiếu vốn đầu tư mới, dẫn tới những khó khăn về mặt kỹ thuật không dễ để xử lý.

Pháp gần đây đã công bố kế hoạch chi tiết trị giá 51,7 tỷ EUR (54,4 tỷ USD) để xây dựng lại chương trình hạt nhân của nước này. EDF sẽ xây tối đa 14 lò phản ứng hạt nhân kích thước lớn, cũng như các nhà máy hạt nhân nhỏ hơn.

Tuy nhiên, một số ít lò phản ứng hạt nhân mới mà EDF xây dựng trong thời gian qua đã bị đội chi phí và chậm trễ. Một lò phản ứng EDF xây tại Hinkley Point, phía tây nam nước Anh, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2027 - chậm hơn 4 năm so với kế hoạch và quá muộn để giúp Anh nhanh chóng chuyển hướng từ dầu khí của Nga. Nhà máy điện hạt nhân mới nhất mà EDF xây dựng ở Phần Lan, bắt đầu hoạt động vào tháng trước. Kế hoạch ban đầu là nhà máy này hoàn thành vào năm 2009.

Các vấn đề của EDF đã xuất hiện trước khi Nga đưa quân vào Ukraine. EDF năm ngoái cảnh báo rằng, họ không còn có thể sản xuất nguồn cung cấp năng lượng hạt nhân ổn định nữa, vì họ phải vật lộn để bắt kịp công việc bảo trì cần thiết kéo dài hai năm cho hàng chục lò phản ứng cũ đã bị ngừng hoạt động trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra.

EDF đang mở cuộc điều tra các lò phản ứng hạt nhân và buộc phải ngắt hoạt động nhiều cơ sở.

Một số nhà máy phải cắt bớt sản lượng vì các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu: Các con sông ở phía nam của Pháp như Rhône và Gironde ấm lên sớm hơn vào năm nay khiến nguồn nước của chúng quá ấm để làm mát các lò phản ứng hạt nhân.

Ngày nay, sản lượng điện hạt nhân của Pháp đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1993, tạo ra ít hơn một nửa so với 61,4 gigawatt hệ thống này có khả năng sản xuất tối đa. Ngay cả khi một số lò phản ứng hoạt động trở lại vào mùa hè, sản lượng hạt nhân của Pháp sẽ thấp hơn bình thường 25% vào mùa đông này - với những hậu quả đáng báo động.

Thierry Bros, một chuyên gia năng lượng và giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris, cho biết: "Nếu các nhà máy điện đang hoạt động dưới công suất, chúng ta sẽ phải chịu cảnh mất điện hoặc chuyển sang sử dụng năng lượng phát thải carbon, là than hoặc khí tự nhiên".

Theo New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm