1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những tàu chiến mạnh nhất thế giới

(Dân trí) - Mỹ vừa chạy thử nghiệm tàu khu trục USS Zumwalt, có giá 4,4 tỷ USD. Với tàu này, Mỹ tiếp tục giữ kỷ lục về tàu sân bay và khu trục lớn, mạnh nhất thế giới. Dưới đây là những tàu chiến mạnh nhất thế giới theo đánh giá trên Telegraph.

1. Khu trục hạm USS Zumwalt - tàu khu trục lớn nhất từ trước đến nay của Hải quân Mỹ

Ảnh: Dennis Griggs/AFP/Getty Images
Ảnh: Dennis Griggs/AFP/Getty Images

USS Zumwalt có chiều dài khoảng hơn 180m và độ choán nước là 15.000 tấn. Tàu này đã thực hiện các chuyến chạy thử nghiệm trước khi gia nhập hạm đội của Hải quân Mỹ vào năm 2016. Mức giá 4,4 tỷ USD cũng có thể coi là một kỷ lục ấn tượng không kém so với sự đồ sộ của tàu khu trục này. Tuy vậy, đại úy James Kirk, thuyền trưởng của Zumwalt khẳng định ông rất “phấn khích” khi con tàu cuối cùng cũng khởi hành ra Đại Tây Dương.

Zumwalt còn có khả năng “tàng hình” đặc biệt tới mức trên màn hình radar nó chỉ hiển thị nhỏ như một tàu đánh cá.

Kích thước của USS Zumwalt dài hơn 30m và rộng hơn 6m so với các tàu khu trực lớp hiện tại của Hải quân Mỹ, đồng thời sở hữu những vũ khí tiên tiến hơn. Hệ thống tên lửa được điều khiển qua máy tính của tàu này có thể xác định và tấn công các mục tiêu cách xa khoảng 100km. Tàu có thể được trang bị các vũ khí lazer và điện từ.

2. Tàu khu trục lớp Izumo

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Đây là chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Con tàu có tính năng tương đương các tàu sân bay trực thăng mặt boong phẳng của phương Tây, có độ choán nước lên tới 24.000 tấn, lớn hơn cả Mistral của Pháp, sẽ chính thức hoạt động trong lực lượng hải quân Nhật Bản vào tháng 3/2017.

Sự ra đời của con tàu bị chỉ trích vì hiện tại Hiến pháp của Nhật Bản chỉ cho phép phòng vệ. Giới chức Nhật Bản khẳng định con tàu sẽ được sử dụng cho sứ mệnh cứu trợ nhân đạo, sơ tán quy mô lớn sau một loạt sự việc xảy ra như thảm họa sóng thần 2011. Con tàu chưa được đặt tên chính thức nhưng tạm thời được gọi là Izumo, theo tên tàu bọc thép Izumo của Hải quân Nhật Bản bị đắm năm 1945 trong một vụ không kích.

Đơn vị vận hành: Hải quân Nhật Bản

Số tàu trong hạm đội: 1 (kế hoạch đóng thêm 2 tàu)

Chiều dài: 246m

Độ choán nước: 27.000 tấn

Tốc độ tối đa: 30 hải lý/h

Thủy thủ đoàn: 970

Vũ khí: 14 trực thăng và hệ thống chống tàu ngầm

3. Tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Đây là tàu sân bay lớn nhất thế giới đã được biên chế. Tàu này có khả năng hoạt động trong khoảng 20 năm mà không cần tiếp thêm nhiên liệu. Thời gian biên chế của tàu Nimitz khoảng hơn 50 năm.

Tàu Nimitz đã trở thành đề tài gây tranh cãi trong một thời gian ngắn sau khi đưa vào sử dụng do một vụ tai nạn máy bay gây chết người trên boong tàu. Một cuộc điều tra sau đó đã cho ra kết quả là một số nhân viên trên tàu đã dùng ma túy. Điều này dẫn đến một cuộc xét nghiệm ma túy bắt buộc với tất cả các nhân viên phục vụ trên tàu.

Được đưa vào biên chế năm 1975, tàu Nimitz dự kiến sẽ được thay thế bởi một tàu sân bay lớp với kích thước thấm chí lớn hơn đó là Gerald R. Ford trong năm nay.

Đơn vị vận hành: Hải quân Mỹ

Số tàu trong hạm đội: 10

Chiều dài: 327m

Độ choán nước: 100.000 tấn

Tốc độ tối đa: 30 hải lý/h

Thủy thủ đoàn: 5.000

Vũ khí: 85-90 máy bay ném bom/chiến đấu, hệ thống phòng thủ tên lửa

4. Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov

Ảnh: Hải quân Hoàng gia
Ảnh: Hải quân Hoàng gia

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov được hạ thủy vào tháng 12/1985, được đưa vào biên chế năm 1990. Đây được coi là tàu đô đốc cho Hải quân Xô viết. Tàu này trải qua nhiều đợt tu sửa. Ban đầu, con tàu dự kiến sẽ có thêm một tàu anh em nữa là Varyag nhưng không thành.

Đơn vị vận hành: Hải quân Nga

Số tàu trong hạm đội: 1

Chiều dài: 300m

Độ choán nước: 55.000 tấn

Tốc độ tối đa: 29 hải lý/h

Thủy thủ đoàn: 2.356

Vũ khí: 52 máy bay, 60 hỏa tiễn và 192 tên lửa

5. Tàu sân bay Liêu Ninh

Ảnh: AFP/Getty Images
Ảnh: AFP/Getty Images

Trung Quốc mua lại tàu sân bay Liêu Ninh tại một phiên đấu giá. Ban đầu, con tàu được đóng tại Ukraine và dự kiến có tên Varyag. Tuy nhiên, năm 1998, Ukraine đã bán lại con tàu cho Trung Quốc viện cớ tu sửa để biến con tàu thành một casino di động. Khi bàn giao, con tàu không có động cơ, không bánh lái, không hệ thống vận hành, do đó, tàu đã được đưa tới một cảng đóng tàu hải quân để được trang bị hoàn chỉnh và đổi tên thành Liêu Ninh. Tàu sân bay Liêu Ninh được biên chế vào năm 2012.

Đơn vị vận hành: Hải quân Trung Quốc

Số tàu trong hạm đội: 1

Chiều dài: 300m

Độ choán nước: 66.000 tấn

Tốc độ tối đa: 32 hải lý/h

Thủy thủ đoàn: 2.626

Vũ khí: 30 máy bay chiến đấu, 24 trực thăng, 60 hỏa tiễn và 192 tên lửa

6. Tàu sân bay INS Vikramaditya

Ảnh: Wikipedia/Alexey Popov
Ảnh: Wikipedia/Alexey Popov

Đây là một con tàu nữa cũng xuất xứ từ Liên Xô cũ. Sau khi Hải quân ngừng biên chế tàu này vào năm 1996 do chi phí vận hành quá đắt đỏ, Ấn Độ đã mua lại với giá xấp xỉ 2,3 tỷ USD và tiến hành tu sửa. Sau khi hoàn tất các chuyến đi thử nghiệm trên biển, con tàu được đưa vào biên chế tháng 10 năm nay. Tên của con tàu được đặt theo tên của một hoàng đế Ấn Độ ở thế kỷ thứ I trước Công nguyên.

Đơn vị vận hành: Hải quân Ấn Độ

Số tàu trong hạm đội: 1

Chiều dài: 278m

Độ choán nước: 45.400 tấn

Tốc độ tối đa: 32 hải lý/h

Thủy thủ đoàn: 1.400

Vũ khí: 16 chiến đấu cơ, 10 trực thăng

7. Tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle

Ảnh: AP Photo/Franck Prevel
Ảnh: AP Photo/Franck Prevel

Được đặt tên theo nhà lãnh đạo nổi tiếng của Pháp, Charles De Gaulle là chiến hạm lớn nhất Tây Âu và là tàu sân bay hạt nhân duy nhất ở ngoài nước Mỹ. Sau các chuyến chạy thử thành công, tàu được đưa vào biên chế vào cuối 2013. Trong thời gian đóng tàu năm 1993, báo Guardian cho biết có nhiều đồn đoán cho rằng một nhóm kỹ sư thực chất là người của cơ quan tình báo Anh MI6 đã tới để tìm hiểu về các chi tiết kỹ thuật của con tàu. Tuy nhiên, sau đó, Guardian dẫn tuyên bố của chính phủ Anh và Pháp bác bỏ thông tin này.

Đơn vị vận hành: Hải quân Pháp

Số tàu trong hạm đội: 1

Chiều dài: 257m

Độ choán nước: 42.000 tấn

Tốc độ tối đa: 32 hải lý/h

Thủy thủ đoàn: 1.950

Vũ khí: 40 chiến đấu cơ, hệ thống phòng thủ tên lửa

8. Tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp

Ảnh: AP/Andrew Medichini
Ảnh: AP/Andrew Medichini

Tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp USS Iwo Jima (LHD-7) được đưa vào sử dụng từ tháng 2/2000. Tàu có thể vận chuyển toàn bộ Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến phản ứng nhanh của Thủy quân lục chiến Mỹ. Tàu có hai thang ở hai bên mạn tàu có thể gập vào trong khi qua kênh đào Panama.

Đơn vị vận hành: Hải quân Mỹ

Số tàu trong hạm đội: 8

Chiều dài: 249m

Độ choán nước: 40.500 tấn

Tốc độ tối đa: 22 hải lý/h

Thủy thủ đoàn: 1.208 thủy thủ và 1.894 lính thủy đánh bộ

Vũ khí: 6 máy bay lên thẳng và 24 trực thăng, hệ thống phòng thủ tên lửa

9. Tàu sân bay lớp Invincible

Ảnh: Hải quân Hoàng gia
Ảnh: Hải quân Hoàng gia

Mặc dù xếp gần cuối trong danh sách các tàu chiến lớn nhất thế giới, nhưng đây là tàu chiến lớn nhất đang hoạt động của Hải quân Hoàng gia Anh.

Brazil, Ý và Tây Ban Nha đều có các tàu sân bay lớn hơn, nhưng khi tàu sân bay lớp Nữ hoàng Elizabeth mới đi vào hoạt động vào năm 2018, Anh sẽ là nước sở hữu tàu chiến lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.

Đơn vị vận hành: Hải quân Hoàng gia Anh

Số tàu trong hạm đội: 3

Chiều dài: 206m

Độ choán nước: 22.000 tấn

Tốc độ tối đa: 28 hải lý/h

Thủy thủ đoàn: 1000 thủy thủ và 500 lính thủy đánh bộ

Vũ khí: 22 máy bay chiến đấu và hệ thống chặn tên lửa

10. Tàu khu trục lớp Sejong Đại hoàng

Ảnh: Hải quân Mỹ
Ảnh: Hải quân Mỹ

Đây được xem là lớp tàu chiến hoạt động có hiệu quả nhất hiện tại và là tàu khu trục lớn thứ hai sau tàu khu trục lớp Izumo của Nhật Bản. Tên của tàu khu trục này được đặt theo tên của vị vua thứ 4 trong triều đại Joseon của Hàn Quốc, người đã tạo ra bảng chữ cái Hàn Quốc.

Sejong là loại tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường lớn nhất đang hoạt động trên thế giới hiện nay, nhưng sẽ bị soán ngôi khi Mỹ hoàn tất việc đóng tàu khu trục tàng hình Zumwalt với động cơ điện và hệ thống vũ khí tiên tiến.

Đơn vị vận hành: Hải quân Hàn Quốc

Số tàu trong hạm đội: 3

Chiều dài: 162m

Độ choán nước: 11.000 tấn

Tốc độ tối đa: 30 hải lý/h

Thủy thủ đoàn: 400

Vũ khí: 1 pháo nòng đơn 127 mm, 16 tên lửa chống hạm, 32 tên lửa hành trình và 6 ngư lôi, 2 trực thăng

Minh Phương

Theo Telegraph