Những sự thật thú vị về "quốc gia bí ẩn nhất thế giới"
(Dân trí) - Triều Tiên được mệnh danh là quốc gia bí ẩn nhất thế giới khi không có nhiều thông tin về đất nước này được công bố ra thế giới bên ngoài. Vì vậy, có những điều mà thế giới không biết hoặc vẫn còn hiểu nhầm về Bình Nhưỡng cho đến nay.
Dân số Triều Tiên xếp thứ 51 thế giới nhưng quốc gia này có một trong những nền quân đội đông đảo nhất thế giới. Theo Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA, dân số Triều Tiên vào khoảng 25 triệu người, nhưng số lượng quân nhân trong lực lượng chính quy của nước này là gần 1,2 triệu người, chiếm khoảng 4,7% dân số.
Trong khi đó, người láng giếng Trung Quốc dân số vào khoảng 1,3 tỉ người nhưng lực lượng quân nhân chính quy vào khoảng 2,3 triệu người, tương đương 0,18% dân số. Triều Tiên cũng được xếp thứ 23 trong danh sách 25 quốc gia có nền quân đội mạnh nhất thế giới, theo đánh giá của bảng xếp hạng Global Firepower.
Trẻ em Triều Tiên trượt patin trên một quảng trường (Ảnh: Reuters)
Trượt patin là hoạt động rất được yêu thích ở Triều Tiên, đặc biệt là thủ đô Bình Nhưỡng. Theo lời kể của nhiếp ảnh gia David Guttenfelder của National Geographic, đây là hoạt động xuất hiện mọi nơi trên khắp cả nước. Ông Guttenfelder nói ông không thể đếm được số lượng các bãi trượt patin tại Bình Nhưỡng vì có quá nhiều địa điểm như vậy.
Triều Tiên là đất nước có sân vận động lớn nhất thế giới. Sân vận động May Day (tên khác Rungrado) của quốc gia này có sức chứa 150.000 người. Sân vận động này được xây từ năm 1989 và được cải tạo lại năm 2014. So với vị trí thứ 2 trong danh sách sân vận động lớn nhất thế giới, sân vận động Ann Arbor, Michigan, Mỹ, số ghế ở sân May Day gấp rưỡi khi sân của Mỹ chứa được khoảng 107.600 người.
Sân May Day được dùng để tổ chức các giải thi đấu, song nơi đây cũng là địa điểm tổ chức lễ hội Ariang, lễ đồng diễn âm nhạc, vũ đạo đẹp mắt ca ngợi lịch sử, văn hóa và những thành tựu của Triều Tiên.
Triều Tiên từng dùng múi giờ lệch so với chuẩn của thế giới 30 phút. Trước thế kỷ 20, Triều Tiên sử dụng múi giờ GMT+8:30. Sau đó, đế quốc Nhật Bản xâm lược bán đảo Triều Tiên và buộc khu vực này đổi sang múi giờ GMT+9. Năm 2015, Triều Tiên đã quyết định trở lại múi giờ GMT+8:30, cho rằng đây là động thái nhằm loại bỏ tàn dư của thời kỳ Nhật đô hộ từ năm 1910-1945.
Ngày 27/4, tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã quyết định Bình Nhưỡng sẽ đổi múi giờ từ GMT+8:30 sang GMT+9 bắt đầu từ ngày 5/5, động thái nhằm thể hiện sự hòa giải và đoàn kết của 2 miền bán đảo sau hàng chục năm trời trong chiến tranh về mặt kỹ thuật.
Bên trong một công viên nước ở Triều Tiên (Ảnh: Reuters/KCNA)
Khác với những thông tin phương Tây cung cấp về cuộc sống khốn khó của người dân Triều Tiên, thực tế người dân ở đây đã có cuộc sống tốt hơn rất nhiều. Một bộ phận trong số họ được tiếp xúc với điện thoại thông minh, các tiện ích giải trí như công viên nước, trung tâm thương mại, công viên giải trí. Cơ sở vật chất Triều Tiên ngày càng được xây mới nhiều hơn. Hình ảnh những tòa nhà chọc trời cho thấy một Bình Nhưỡng khác xa so với những gì thế giới thường tưởng tượng về họ.
Isobel Yeung, một người từng tham gia cuộc thi chạy marathon ở Bình Nhưỡng vào năm 2013, cho rằng mọi người dường như đã hiểu sai về Triều Tiên rằng đây là quốc gia có cuộc sống cứng nhắc và nguyên tắc. Trên thực tế, cô Yeung nói rằng người dân rất cởi mở và thân thiện với nhau.
Theo Telegraph, cố lãnh đạo Kim Nhật Thành là người rất được nhân dân Triều Tiên kính trọng và vì vậy có khoảng 34.000 tượng đài của nhà lãnh đạo này trên khắp nước Triều Tiên. Người dân ở đây đeo huy hiệu có hình ảnh của ông Kim Nhật Thành trên ngực bày tỏ sự kính trọng với nhà lãnh đạo này.
Đức Hoàng
Tổng hợp