1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những sân bay “ma” ở Hàn Quốc

(Dân trí) - Sân bay quốc tế Yangyang hiện đang tìm kiếm một lý do để tồn tại. Được xây dựng ở bờ biển phía đông Hàn Quốc 7 năm trước, nhưng tuyệt nhiên không có lần hoãn bay hay hàng dài người xếp hàng nào. Thậm chí, còn không thấy bóng dáng một hành khách.

 
Nhưng viễn cảnh ban đầu là khác hẳn: mỗi năm có tới 3 triệu người qua lại trên những tầng nhà bóng loáng ở sảnh đi và đến, được xây dựng với chi phí gần 400 triệu USD.

 

Nhưng năm ngoái, con số trung bình chỉ vẻn vẹn 26 hành khách mỗi ngày đã bị lực lượng nhân viên sân bay 146 người “đè bẹp”. Chuyến bay thương mại cuối cùng cất cánh từ đây là vào tháng 11 năm ngoái. Và báo chí quốc gia Hàn Quốc đã gọi sân bay này là “sân bay ma”, một “vật chứng” ấn tượng cho thấy việc đánh giá quá sai nhu cầu của hành khách.

 

Nhưng Sân bay quốc tế Yangyang không phải là một trường hợp cá biệt.

 

“Vắng như chùa bà Đanh”

 

Trên thực tế, nếu có giải thưởng cho những sân bay quốc tế vắng vẻ nhất thế giới, chắc chắn Hàn Quốc sẽ là ứng cử viên hàng đầu. Tại đầu kia của đất nước, từ sân bay Yangyang xuôi xuống phía tây nam là một sân bay thậm chí còn mới hơn, Sân bay quốc tế Muan.

 

Sân bay được mở cửa chưa đầy 2 năm trước đây và cũng có một vài chuyến bay đã hạ cánh, nhưng nó hiện đang phải vật lộn để sinh tồn.

 

Được xây dựng giữa những cánh đồng trồng hành, sân bay, từ vẻ ngoài, đã toát lên vẻ “khó thịnh vượng”. Cảnh quan bên trong, một lần nữa, lại là những chiếc bàn soát vé trống rỗng, những khoảng không “vắng như chùa bà Đanh”.

 

Các con số tổng kết vào năm ngoái cho thấy lượng hành khách đến đây chỉ ở mức ít hơn 30% khả năng phục vụ của sân bay. “Sẽ tốt hơn nếu sân bay được sử dụng nhiều thêm một chút”, một hành khách xót xa nói. Cô nằm trong nhóm khách du lịch Hàn Quốc chuẩn bị bắt một trong 2 chuyến bay duy nhất rời sân bay ngày hôm đó. “Nhưng cũng phải nói thật rằng, không thích thú gì khi đến một sân bay vắng lặng như thế này”.

 

Nhu cầu biến mất

 
Những sân bay “ma” ở Hàn Quốc - 1
Trong 14 sân bay của Hàn Quốc, chỉ có 3 sân bay (in đậm) sinh lời vào năm ngoái.

Lẽ dĩ nhiên, các dự án sân bay trên là nhằm kích thích kinh tế địa phương, đưa khách du lịch đến và kết nối nền kinh tế địa phương với thế giới rộng lớn hơn. Nhưng giờ đây các nông dân và ngư dân trong vùng bắt đầu đặt ra câu hỏi: liệu sân bay có phải là một đầu tư đáng giá?

 

Hàn Quốc có tổng cộng 14 sân bay. Nhưng tổng kết vào năm ngoái cho thấy 11 trong số đó bị thua lỗ. Và sân bay thứ 15, một sân bay mới nữa ở bờ biển phía đông, hiện đang được xây dựng và đã hoàn thành được 80%.

 

Ngoài ra, còn đang có một cuộc tranh cãi về tính khả thi của kế hoạch xây dựng thêm một sân bay nữa, ở đâu đó gần thành phố cảng ven biển Busan tại miền nam.

 

Một trong những lý do nhu cầu hàng không giảm có thể là sự phát triển đồng thời của tuyến đường sắt cao tốc, hiện kết nối hai đầu của đất nước chỉ trong vòng chưa đầy 3 tiếng đồng hồ; cũng như việc xây dựng một mạng lưới xa lộ mới trên toàn quốc.

 

“Lô-gic chính trị”

 

Một tờ báo Hàn Quốc cho rằng các sân bay nội địa ở Hàn Quốc được xây dựng là vì “lô-gic chính trị hơn là lô-gic thị trường”. Mạng hành động vì công dân Hàn Quốc, tổ chức giám sát việc chi tiêu của chính phủ, cáo buộc rằng hàng trăm triệu đô la đã bị lãng phí vào các sân bay, xa lộ không cần thiết. “Để có thể có thêm các lá phiếu, các chính trị gia đã hứa với các khu vực bầu cử của mình một sân bay mới”, người phát ngôn Choi In-wook nhận xét.

 

“Thay vì kiểm tra nhu cầu một cách kỹ lưỡng, các nghiên cứu khả thi có thể đã bị bóp méo để ủng hộ cho các dự án. Và kết quả dẫn đến thừa các sân bay ở đất nước này”.

 

Nhưng liệu các sân bay không được sử dụng hết công suất này có phải là một tính toán lâu dài cho tương lai? “Có thể”, Choi In-wook trả lời. “Nếu quả đúng họ tính toán rằng để có những lợi ích chiến lược về lâu về dài, sẽ có thua lỗ lớn ban đầu, thì dự án cũng có thể chấp nhận được. Nhưng ngay từ đầu những báo cáo về tính khả thi đã là không chính xác, vì vậy không ai biết viễn cảnh thực sự sẽ như thế nào.”

 

Phan Anh

Theo BBC