1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những “ông trùm” trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga (1)

(Dân trí) - Nước Nga thế hệ Putin, Medvedev hiện đang vặn mình trỗi dậy, dần khôi phục lại vị thế cường quốc và sức mạnh quân sự của mình, mà trong đó, kho vũ khí hạt nhân chiến lược vẫn được coi là con át chủ bài nhằm tạo thế cân bằng với Mỹ và phương Tây.

Kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga hiện được chiếm lĩnh bởi ba “ông lớn”, đó là: Lực lượng tên lửa chiến lược, Lực lượng Hải quân chiến lược và Lực lượng Không quân chiến lược.

 

Lực lượng tên lửa chiến lược (SMF) là một trong 4 đơn vị chủ chốt cấu thành nên Các Lực lượng Hạt nhân Chiến lược của Liên bang Nga, lực lượng chính sở hữu các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cơ động và cố định trên mặt đất và các đầu đạn hạt nhân. SMF luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, được coi là “nhân tố” quan trọng trong học thuyết quân sự Nga. Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược hiện nay là Thượng tướng Nikolai Solovtsov, được bổ nhiệm vào ngày 27/4/2001.

 

Là một quân chủng riêng biệt của các Lực lượng Vũ trang Nga, ngay từ khi được thành lập vào ngày 17/12/1959, SMF đã không ngừng lớn mạnh về cả số lượng cũng như chất lượng, ngày càng nâng cao khả năng tác chiến của các tổ hợp tên lửa góp phần quan trọng tạo nên thế cân bằng hạt nhân giữa Liên xô và Mỹ trong những năm 70 của thế kỷ trước.

 

Kể từ sau Hiệp ước cắt giảm các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ký kết năm 1987 giữa Liên xô và Mỹ,  Hiệp ước hạn chế và cắt giảm các vũ khí tấn công chiến lược START-I năm 1991 và START-II năm 1993 giữa Nga và Mỹ, quân số cũng như trang bị của SMF đã bị cắt giảm một cách đáng kể.

 

Theo sắc lệnh của Tổng thống ban hành ngày 24/3/2001, SMF bị hạ cấp từ một quân chủng riêng biệt trong biên chế của các Lực lượng Vũ trang xuống thành một binh chủng độc lập thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ Tham mưu.

 

Hiện tại, chiến lược phát triển dài hạn của SMF là chú trọng tăng số lượng các tổ hợp tên lửa cơ động và đưa vào trang bị các tổ hợp tên lửa Topol-M hiện đại có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ.

 

Tính tới đầu năm 2008, Lực lượng Hạt nhân Chiến lược Nga có 682 hệ thống tên lửa chiến lược có khả năng mang 3.100 đầu đạn hạt nhân. So với năm 2007, số lượng các tên lửa tăng thêm 39 quả (5,3%), số lượng đầu đạn tăng 177 đơn vị (5,3 %). Riêng SMF sở hữu 430 tổ hợp tên lửa, có khả năng mang 1605 đầu đạn hạt nhân. Hiện tại, trong trang bị của SMF có 75 tên lửa R-36MUTTH và R-36M2 (SS-18, Satan), 100 tên lửa UR-100NUTTH (SS-19), 201 tổ hợp tên lửa di động trên đường Topol (SS-25), 48 hầm phóng và 6 tổ hợp Topol - M (SS-27) cơ động hiện đại nhất.

 

Lực lượng Tên lửa Chiến lược bao gồm 3 tập đoàn quân tên lửa: Tập đoàn quân tên lửa phòng vệ số 27 đóng tại Vladimir, Tập đoàn quân tên lửa số 31 (Orenburg), Tập đoàn quân tên lửa phòng vệ số 33 (Omsk). Tập đoàn quân tên lửa số 53 (Chita) đã bị giải thể vào năm 2002.

 

Các hệ thống tên lửa đạn đạo hiện có trong biên chế của SMF

 

SS-18 “Satan” (R-36M)

 

Tên lửa R-36MUTTH (RS-20B) và R-36M2 (RS-20V), theo cách gọi của NATO là SS-18 “Satan”, do Phòng Thiết kế Phương Nam đặt tại Dnepropetrovsk (Ukraine) phát triển. R-36MUTTH bắt đầu được triển khai nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 1979-1983, còn R-36M2 từ năm 1988-1992. Cả hai loại tên lửa này đều do Nhà máy chế tạo máy Phương Nam sản xuất với 2 tầng nhiên liệu lỏng và có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân.

 

Những “ông trùm” trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga (1) - 1
 

SS-18 “Satan”là tổ hợp tên lửa cố định, phóng từ hầm phóng, có tầm bắn tối đa là 11.000 km và lượng chất nổ lên đến 8,8 tấn.

 

Do có thời gian phục vụ từ 25-30 năm theo dự kiến, R-36M2 có thể kéo dài thời gian hoạt động tới khoảng năm 2020. Bởi vậy, trong kế hoạch phát triển của mình, SMF có tính đến việc đưa toàn bộ số tên lửa R-36M2 (khoảng 40 chiếc) vào trạng thái trực chiến.

 

SS-19 “Stiletto” (UR-100N)

 

Tên lửa UR-100NUTTH, theo cách gọi của NATO là SS-19, do Nhà máy cơ khí NPO ở Reutov (Ngoại ô Matxcơva) thiết kế trong giai đoạn từ năm 1979–1984, sau đó được Nhà máy sản xuất trang thiết bị M. V. Khrunichev (Matxcơva) chế tạo.

 

Những “ông trùm” trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga (1) - 2
  

SS-19 cũng là một tổ hợp tên lửa cố định với 2 tầng nhiên liệu lỏng và có thể mang 6 đầu đạn hạt nhân. Mỗi quả tên lửa SS-19 có khả năng mang 6 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có sức công phá 750 kiloton và có thể cùng lúc nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau.

 

Hiện nay, một số tên lửa SS-19 đã hết hạn sử dụng và bắt đầu được đưa ra khỏi trang bị của SMF, tuy nhiên, sau một loạt cuộc thử nghiệm thành công, SS-19 vẫn có thể kéo dài thời gian phục vụ lên ít nhất 25 năm, vì thế chúng vẫn được giữ lại tiếp tục hoạt động thêm nhiều năm nữa.

 

SS-25 “Sickle” (RT-2PM Topol)

 

Tổ hợp tên lửa di dộng trên đường RT-2PM Topol,  còn được NATO gọi là tên lửa SS-25 “Sickle”, do Viện Công nghệ Nhiệt Matxcơva nghiên cứu và triển khai trong giai đoạn từ năm 1985-1992. Các tên lửa SS-25 “Sickle” được sản xuất tại nhà máy chế tạo tên lửa Votkinsk gần Izhevsk cách thủ đô Matxcơva khoảng 1.000 km về phía Đông.

 

Những “ông trùm” trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga (1) - 3
 

SS-25 “Sickle” có 3 tầng đẩy nhiên liệu rắn với tầm bắn 10.000 km và có thể mang một đầu đạn hạt nhân có sức công phá 550 kiloton. 

 

Theo kế hoạch, SS-25 “Sickle” vẫn sẽ có mặt trong nhóm tên lửa chiến lược của Nga cho tới năm 2015 và sau đó sẽ được thay thế bằng thế hệ tên lửa Topol-M hiện đại hơn.

 

SS-27 (RT-2UTTH Topol-M)

 

RT-2UTTH Topol-M hay SS-27 (theo cách gọi của NATO) là tổ hợp tên lửa tối tân nhất của Nga hiện nay. SS-27 do Viện Công nghệ Nhiệt Moscow phát triển, là phiên bản cải tiến từ tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa SS-25 (RT-2PM Topol) trước đó.

 

SS-27 gồm 2 phiên bản: Loại thứ nhất bắn từ hầm phóng, bắt đầu đượcc triển khai từ năm 1997, cho đến nay đã có 48 quả trong biên chế của SMF. Loại thứ hai được bắn từ xe cơ động chuyên dụng, bắt đầu đưa vào trang bị của SMF từ năm 2006, hiện nay đã có 6 tổ hợp trong biên chế của SMF.

 

 

Những “ông trùm” trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga (1) - 4

SS-27 (RT-2UTTH Topol-M) bắn từ hầm phóng

 

Những “ông trùm” trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga (1) - 5

SS-27 (RT-2UTTH Topol-M) bắn từ xe cơ động chuyên dụng

 

Tên lửa SS-27 có 3 tầng đẩy nhiên liệu rắn, đang được phát triển như một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân riêng rẽ với tầm bắn lên tới 10.000 km với sức công phá tương đương 500.000 tấn thuốc nổ TNT. Chúng được chế tạo tại nhà máy chế tạo tên lửa Votkinsk.

 

So với các loại tên lửa mà Nga đã nghiên cứu trước đây, SS-27 có những đặc điểm hết sức ưu việt là thời gian tác chiến ngắn, độ chính xác cao và có thể bảo quản, sử dụng trong thời gian dài. Dự kiến đến năm 2015, đây sẽ là loại tên lửa chủ lực trong hệ thống tên lửa hạt nhân trên bộ của Nga. 

 

* SS là viết tắt của từ Surface-to-surface, có nghĩa đất đối đất

 

(Còn nữa)

 

Anh Nguyễn

Tổng hợp