Những “ông trùm” trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga (2)
(Dân trí) - Trong 3 “ông lớn” của kho vũ khí hạt nhân chiến lược, Lực lượng Hải quân chiến lược được coi là “xương sống” của Quân đội Nga trên biển.
Đây cũng là lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích của nước Nga trước các mối đe dọa từ bên ngoài, đồng thời mở rộng ảnh hưởng của nước này tại các khu vực quan trọng khác trên thế giới.
Lực lượng Hải quân Chiến lược là đơn vị sở hữu các tàu ngầm hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên biển - lực lượng nòng cốt tạo nên sức mạnh vô địch của Hải quân Nga - Quân chủng độc lập của Các Lực lượng Vũ trang Nga.
Tư lệnh Hải quân hiện nay là Đô đốc Vladimir Vysotsky, được bổ nhiệm vào ngày 12/9/2007.
Tại thời điểm tháng 01/2008, Hải quân Nga có 14 tàu ngầm chiến lược với 4 chủng loại khác nhau. Những tàu ngầm này mang theo 173 tên lửa đạn đạo phóng trên biển (SLBM) và có khả năng phóng tới 611 đầu đạn hạt nhân.
Hiện nay Hải quân Nga có 4 hạm đội: Hạm đội Biển Bắc, Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội Baltic và Hạm đội Biển Đen. Chỉ có hai hạm đội được trang bị tàu ngầm hạt nhân là Hạm đội Biển Bắc và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sau khi những chiếc Project 667BDR được đưa ra khỏi biên chế theo kế hoạch thì Hạm đội Biển Bắc sẽ là đơn vị duy nhất được trang bị tàu ngầm chiến lược.
Hạm đội Biển Bắc đóng quân ở Severomorsk (khu vực Murmansk). Trong thành phần của hạm đội này có 3 tàu ngầm Project 667BDRM (Delta IV) là K-51 “Verkhoturie”, K-84 “Ekaterinburg”, K-407 “Novomoskovsk” và 2 tàu ngầm Project 667BDR (Delta III) là K-44 “Ryazan”, K-496 “Borisoglebsk”. Một chiếc Project 667BDRM là K-18 “Karelia” hiện đang được đại tu và sẽ sớm trở lại phục vụ. Hiện tại, có chiếc Project 667BDR đang trong quá trình ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi.
Hạm đội Thái Bình Dương đóng quân tại Vladivostok. Những chiếc tàu ngầm của hạm đội này thuộc Sư đoàn 16 đồn trú tại Rybachiy (Vịnh Krasheninnikov, bán đảo Kamchatka). Trong trang bị của Sư đoàn 16 có 4 chiếc Project 667BDR - K-211 “Petropavlovsk-Kamchatskiy”, K-223 “Podolsk”, K-433 “Sv. Georgiy Pobedonosets”, và K-506 “Zelenograd”. Một trong số những chiếc Project 667BDR của hạm đội này đang trong quá trình ngừng hoạt động.
1. Tàu ngầm chiến lược
Toàn bộ số tàu ngầm chiến lược đang hoạt động hiện nay đều được Cục Thiết kế Trang thiết bị Hải quân Trung ương Rubin (thành phố St. Petersburg) nghiên cứu và do Hiệp hội Sản xuất Chế tạo Máy móc Miền Bắc (Severodvinsk, khu vực Archangelsk) đóng.
Project 667BDR (Delta III)
Tàu ngầm Project 667BDR (Delta III) được trang bị cho Lực lượng Hải quân chiến lược Nga từ năm 1976-1982. Tổng cộng có 14 chiếc loại này đã được đóng. Chúng có thể mang hệ thống tên lửa D-9R với 16 tên lửa đạn đạo R-29R (SS-N-18). Theo kế hoạch, trong một vài năm tới, các tàu ngầm Project 667BDR (Delta III) sẽ được cho “nghỉ hưu”. Tuy nhiên, một chiếc K-44 “Ryazan” vừa được đại tu và trở lại phục vụ vào cuối năm ngoái.
Project 667BDRM (Delta IV)
Tàu ngầm Project 667BDRM (Delta IV) được đưa vào trang bị từ năm 1985-1991. Có tất cả 7 chiếc loại này đã được đóng. Một chiếc K-64 “Vladimir” được nâng cấp thành tàu ngầm dành cho Lực lượng Đặc nhiệm. Những tàu ngầm loại này có thể mang hệ thống tên lửa D-9RM với 16 tên lửa đạn đạo R-29RM (SS-N-23). Hiện tại, Hải quân Nga vẫn có kế hoạch để 6 chiếc 667BDRM tiếp tục hoạt động, vì vậy, chúng đang được đại tu và sẽ được trang bị tên lửa mới (một biến thể mới của SS-N-23 được thử nghiệm thành công vào tháng 6/2004). Cho đến lúc này, 4 chiếc 667BDRM là K-51 “Verkhoturie”, K-84 “Ekaterinburg”, K-114 “Tula” và K-117 “Bryansk” đã được đại tu xong.
Tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo K-117 “Bryansk” (NATO gọi là lớp Delta IV), là chiếc tàu ngầm thứ 1000 được Quân đội Nga hạ thuỷ.
Các tàu ngầm Project 667BDRM (Delta IV) có chiều dài 167 mét, lặn sâu tối đa 400 mét, thủy thủ đoàn gồm 135 người, động cơ gồm: 2 lò phản ứng 90 MW, 2 Turbin 20.000 KW, 2 động cơ Diezel 3000KW. Vũ khí trang bị gồm: hệ thống tên lửa D-9RM với 16 bệ phóng tên lửa đạn đạo R-29RM (SS-N-23), 4 ống phóng ngư lôi 533mm, 18 đến 40 ngư lôi chống tàu.
Project 941 (Typhoon)
Tàu ngầm Project 941 (Typhoon) được đưa vào phục vụ từ năm 1981-1989. Tổng số 6 chiếc loại này đã được sản xuất. Các tàu này có thể mang hệ thống tên lửa D-19 với 20 tên lửa đạn đạo R-39 (SS-N-20). Phần lớn các tàu ngầm Project 941 đã thôi phục vụ, chỉ duy nhất chiếc TK-208 “Dmitry Donskoy” được Hải quân Nga kéo dài tuổi thọ và trang bị hệ thống tên lửa mới R-30 Bulava.
Các tàu ngầm Project 941 (Typhoon) có chiều dài 172 mét, lặn sâu tối đa 400 mét, thời gian lặn 120 ngày, thủy thủ đoàn từ 150 đến 160 người, động cơ gồm: 2 lò phản ứng hạt nhân 190 MW, 2 turbin hơi nước 50000kW. Project 941 (Typhoon) được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo D-19 với 20 bệ phóng tên lửa R-39 (SS-N-20), 22 tên lửa chống hạm, 2 ống phóng ngư lôi 650 mm và 4 ống 533 mm.
Project 955 (Borey)
Tàu ngầm chiến lược thế hệ thứ tư Project 955 “Borey” được Hải quân Nga nghiên cứu và phát triển từ năm 1996. Chiếc đầu tiên thuộc thế hệ này mang tên Yury Dolgoruky đã được hạ thủy vào tháng 2/2008 và gia nhập Lực lượng Hải quân vào tháng 10 tới. Yury Dolgoruky được trang bị 16 quả tên lửa Bulava (SS-NX-30), mỗi quả có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân với tầm bắn lên tới 8.000 km.
Hai tàu ngầm hạt nhân Project 955 “Borey” khác là Alexander Nevsky bắt đầu đóng vào tháng 3/2004 và chiếc Vladimir Monomakh – 3/2006, tại Nhà máy Sevmash, thuộc khu vực Arkhangelsk ở miền Bắc nước Nga. Cả 2 chiếc này đều được thiết kế để mang hệ thống tên lửa Bulava (SS-NX-30).
2. Các loại tên lửa đạn đạo trên biển
Phần lớn số tên lửa đạn đạo trên biển hiện nay đều do Cục Thiết kế Chế tạo Máy móc (Miass, khu vực Chelyabinsk), hiện là Trung tâm Tên lửa Quốc gia V. P. Makeyev, nghiên cứu và phát triển.
SS-N-18 (R-29R)
Tên lửa R-29R (SS-N-18) được trang bị cho tàu ngầm Project 667BDR, bắt đầu đi vào phục vụ kể từ năm 1979.
SS-N-18 có 2 tầng nhiên liệu lỏng với tầm bắn 4.000 km và có thể mang 3 đầu đạn hạt nhân.
Các tên lửa SS-N-18 đều được sản xuất tại Nhà máy Chế tạo Máy móc Krasnoyarsk.
SS-N-23 (R-29RM)
Tên lửa R-29RM (SS-N-23) được trang bị cho tàu ngầm Project 667BDRM, bắt đầu đi vào phục vụ từ năm 1986.
SS-N-23 có 3 tầng nhiên liệu lỏng, có thể 4 đầu đạn hạt nhân với tầm phóng khoảng 8.500 km.
Các tên lửa R-29RM (SS-N-23) cũng được sản xuất tại Nhà máy Chế tạo Máy móc Krasnoyarsk.
SS-N-30 Bulava (SS-NX-30)
SS-N-30 Bulava là phiên bản trên biển của tên lửa đất đối đất hiện đại Topol-M trang bị cho tàu ngầm hạt nhân Project 955 (Borey).
Các tên lửa SS-N-30 Bulava có tầm bắn 8.000 km và có thể được mang tới 10 đầu đạn hạt nhân.
Những tên lửa thế hệ mới này do Viện Công nghệ Nhiệt Moscow nghiên cứu và phát triển. Lần thử nghiệm tên lửa Bulava thành công đầu tiên là vào hồi tháng 9/2005 và mới đây nhất là ngày 18/9/2008.
(Còn nữa)
Anh Nguyễn (Tổng hợp)