Những “ông trùm” trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga (3)
(Dân trí) - Mới đây, hai chiếc Tu-160 của Nga đã thực hiện chuyến bay lịch sử tới khu bán cầu Tây nhằm đáp trả việc Mỹ đưa tàu chiến đến biển Đen. Động thái cho thấy Không quân chiến lược Nga đang dần tìm lại được vị thế đối trọng với Mỹ và Phương Tây.
Các máy bay ném bom chiến lược là các nhân tố cấu thành của Tập đoàn Không quân số 37 thuộc Bộ Chỉ huy Tối cao (Chiến lược) - lực lượng chủ chốt cấu thành nên Không quân chiến lược Liên Bang Nga.
Hiện nay, chỉ huy tập đoàn quân này là Trung tướng Igor Khvorov, người được bổ nhiệm vào ngày 15/12/2002.
Tính đến thời điểm tháng 1/2007, Tập đoàn Không quân số 37 có 79 máy bay ném bom tích hợp khả năng phóng tên lửa chiến lược tầm xa, có thể mang tới 884 tên lửa hành trình tầm xa. Những loại máy bay ném bom được biên chế chính chủ yếu là 15 chiếc Tu- 160 (Blackjack) và 64 chiếc Tu- 95MS (Bear H). Vũ khí trên các “pháo đài bay” này là các tên lửa hành hành trình Kh- 55 (AS- 15) và bom trọng lực.
Tập đoàn Không quân số 37 chịu trách nhiệm chỉ huy 2 sư đoàn máy bay ném bom chiến lược hạng nặng Tu-160 (Blackjack) và Tu-95MS (Bear H). Ngoài ra, Tập đoàn không quân số 37 còn có 4 sư đoàn máy bay ném bom loại Tu- 22M3 (Backfire C).
1. Các máy bay ném bom chiến lược
Tu-95MS (Bear H)
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS (Bear H) do Phòng Thiết kế A. N. Tupolev phát triển và bắt đầu được sản xuất từ năm 1984-1991 tại Nhà máy hàng không ở Kuybyshev (hiện nay là Nhà máy Hàng không Aviakor, Samara). Máy bay này được trang bị động cơ turbo đẩy. Nó có thể mang 6 tên lửa hành trình Kh-55 trong khoang chứa bom. Phiên bản Tu-95MS16 có thể mang thêm 10 tên lửa dưới cánh, nhưng lại làm giảm tầm bay.
Tu-160 (Blackjack)
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 (Blackjack) do Phòng Thiết kế A. N. Tupolev nghiên cứu và được sản xuất tại Nhà máy Hàng không ở Kazan. Máy bay này có thể mang 12 tên lửa hành trình Kh-55 ở khoang chứa bom. Trong chương trình hiện đại hóa của Không quân Nga hiện nay, Tu-160 có thể mang bom trọng lượng và tên lửa hành trình phi hạt nhân.
Тu-22М (Backfire)
Тu-22М (Backfire) là một máy bay siêu thanh ném bom tấn công trên biển, cánh cụp cánh xòe tầm xa, cũng do Phòng Thiết kế A. N. Tupolev nghiên cứu phát triển. Loại máy bay này lần đầu tiên được sản xuất hàng loạt vào năm 1972.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M có khả năng chứa 21.000kg vũ khí, có thể mang 6 tên lửa hạt nhân tầm ngắn Raduga Kh-15 trên khoang và nhiều hơn hai tên lửa Kh-15 hay Kh-27 trên mỗi mấu cánh.
2. Các tên lửa hành trình
Kh-55
Tên lửa hành trình tầm xa được phóng trên không Kh-55 (AS-15, RKV-500A) do Phòng Thiết kế Raduga (thành phố Dubna, khu vực Matxcơva) nghiên cứu và phát triển. Các tên lửa AS-15 bắt đầu năm được sản xuất từ năm 1983 tại Nhà máy Sản xuất Thiết bị Dubna.
Phiên bản Kh-55SM (AS-15B, RKV-500B) có thể được triển khai trên máy bay ném bom Tu-160 được thiết kế thêm khoang tiếp liệu và hành trình bay kéo dài hơn. Tên lửa này là một phiên bản Kh-55 phi hạt nhân.
Kh-101, Kh-102
Đây là tên lửa hành trình tầm xa mới mà Nga đang nghiên cứu chế tạo. Phiên bản thông thường của loại tên lửa mới này là Kh-101, còn phiên bản hạt nhân là Kh-102.
Kh-101 do Phòng Thiết kế Raduga nghiên cứu phát triển từ năm 1995 và đến năm 1999 thì bắt đầu được sản xuất hàng loạt.
Kh-101 có tốc độ bay trung bình 190-200 m/s, tối đa 250-270 m/s; tầm bắn 5.000-5.500 km với trọng lượng 2.200-2.400 kg và sức công phá 400 kiloton.
Kh-101 được trang bị cho máy bay Tu-95MS và Tu-160.
P-270 “Moskit”
P-270 “Moskit” do Phòng Thiết kế Raduga nghiên cứu phát triển. Tên lửa loại này có chiều dài 9,745 m, tầm bắn 120 km, có sức công phá 120 kiloton, dùng để trang bị cho tàu và máy bay.
Anh Nguyễn
Tổng hợp