1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những ngôi làng Trung Quốc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì virus corona

(Dân trí) - Tại ngôi làng ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, người dân đã đặt ra một quy luật bất thành văn: “Nếu đã ở đây, đừng rời đi. Nếu đã rời đi, đừng quay lại”.

Những ngôi làng Trung Quốc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì virus corona - 1

Những thành viên của ban quản trị làng Tianjiaying đeo khẩu trang giám sát ngoài cổng làng. (Ảnh: Reuters)

Băng rôn đỏ được treo dọc theo con đường dẫn vào làng Tianjiaying hôm 27/1. Những thành viên của ban quản trị làng đeo khẩu trang, mặc áo phản quang và đứng giám sát lệnh phong tỏa.

Hãng tin Reuters dẫn lời người dân trong làng cho biết kể từ tuần trước, hệ thống loa công cộng đã phát thông báo nhằm cảnh báo người dân về việc không mời khách từ bên ngoài vào làng và kêu gọi bất kỳ ai gần đây tới Vũ Hán cũng phải báo cáo cho chính quyền địa phương.

Thành phố Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc là nơi khởi phát bệnh viêm phổi lạ do virus corona gây ra. Tính đến thời điểm hiện tại, 132 người đã tử vong, trong khi số ca nhiễm bệnh lên tới gần 6.000 người.

“Chúng tôi tự trồng tỏi tây… chúng tôi vẫn còn nhiều thịt đông lạnh, gạo và dầu ăn. Vì thế chúng tôi cũng không cần ra ngoài. Mỗi ngôi nhà đều là một khu vực cách ly riêng”, bà Lu Weian, một người dân sống trong làng, cho biết.

Làng Tianjiaying, nơi cách Vũ Hán hàng trăm km, chỉ là một trong nhiều ngôi làng trên khắp Trung Quốc đang thực hiện chính sách “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong bối cảnh nỗi lo ngại về dịch viêm phổi ngày càng lan rộng.

Quyết định của chính quyền Trung Quốc khi phong tỏa tỉnh Hồ Bắc, nơi có thủ phủ Vũ Hán, đã làm dấy lên phong trào “đóng cửa” với người ngoài tại các cộng đồng dân cư trên cả nước.

Mạng xã hội cũng chia sẻ hàng chục bức ảnh và video ghi lại những nỗ lực cảnh giác tương tự trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Một số hình ảnh cho thấy những ngôi làng dùng xe cộ chặn lối đi vào, trong khi một số làng khác dựng hàng rào tạm thời.

Thị trấn Zhengding ở tỉnh Hồ Bắc ngày 27/1 bắt đầu phát 1.000 Nhân dân tệ (145 USD) cho bất kỳ ai cung cấp thông tin đáng tin cậy về những người từng tới Vũ Hán nhưng không ra báo cáo chính quyền.

“Chúng tôi đã làm công việc của mình rất cẩn thận và liệt kê tất cả những người từ vùng nhiễm dịch. Chúng tôi vẫn chưa nhận được những khuyến cáo hữu ích, mặc dù có nhiều người gọi đến cung cấp manh mối. Trong hầu hết trường hợp, họ thường phát hiện ra xe ô tô có biển Hồ Bắc”, Ye, người phụ trách đường dây nóng tại văn phòng đảng ủy thị trấn, cho biết.

Những nỗ lực cách ly với người ngoài không chỉ dừng lại ở những ngôi làng xa xôi hẻo lánh. Ngay tại trung tâm Bắc Kinh, một số người dân và chính quyền cũng đang theo dõi và liệt kê những người từng tới Vũ Hán.

“Trách nhiệm của chúng tôi là tìm ra những người đó và đảm bảo an toàn. Không nên lo sợ việc trở thành người báo tin”, Chen Gang, một người nghỉ hưu tại quân Dongcheng, cho biết.

Ngày 25/1, ông Chen tới gõ cửa từng nhà để giúp chính quyền địa phương kiểm tra xem có ai gần đây từng tới Vũ Hán hay có khách từ Hồ Bắc tới hay không. Ông Chen cho biết một số người có liên quan tới Vũ Hán được yêu cầu ở trong nhà trong khoảng thời gian nhất định để cách ly.

Đối với những người từ Vũ Hán, tâm lý kỳ thị khiến họ cực kỳ căng thẳng.

“Tôi nghĩ tôi là người cô đơn nhất thế giới bây giờ”, Carmen Wang, sinh viên gốc Vũ Hán tại Đại học Bắc Kinh, cho biết. Wang đã phải hủy kế hoạch từ Bắc Kinh về nhà khi nghe tin dịch bệnh bùng phát.

Wang cho biết cô bị các bạn cùng lớp né tránh. Mọi người còn nhắn tin cảnh báo nhau không tới thăm Wang. Cô gái 23 tuổi tự gọi đồ ăn và xem tivi một mình.

“Nếu họ đến và ăn cùng tôi, hoặc cùng đi ra ngoài, mà tôi hắt hơi, họ cũng đổ lỗi cho tôi. Nên tốt hơn hết là tôi ở nhà”, Wang cho biết.

Trong khi đó, những người dân trong làng cũng có lý do để giải thích cho sự tẩy chay của họ. Họ nói rằng không phải họ không có tình người, mà đối với họ, mạng sống mới là điều quan trọng nhất.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm