1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguồn cơn khiến “cơn bão” virus corona càn quét Trung Quốc

(Dân trí) - Động vật hoang dã tại các khu chợ được cho là nguồn cơn dẫn tới dịch viêm phổi đang hoành hành tại Trung Quốc và lan rộng ra toàn thế giới.

Nguồn cơn khiến “cơn bão” virus corona càn quét Trung Quốc - 1

Chợ hải sản Huanan tại Trung Quốc. (Ảnh: EPA)

Trước khi bị đóng cửa, các loài động vật hoang dã, từ rắn cho tới cầy hương, đều được bày bán tại chợ hải sản Huanan ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc. Đây được xem là nơi khởi phát của virus corona mới gây bệnh viêm phổi, khiến 106 người thiệt mạng và gần 4.000 ca nhiễm bệnh tại Trung Quốc.

Nhiều trường hợp tử vong hoặc bị phát hiện nhiễm virus corona từng làm việc hoặc sống gần chợ Huanan. Các chuyên gia tin rằng virus corona đã bắt nguồn từ chính những loài động vật hoang dã được bày bán tại khu chợ này.

Chợ Huanan đã đóng cửa từ cuối tháng 12 khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Hiện các nhân viên an ninh đang giám sát chặt chẽ khu chợ này.

Theo người dân địa phương, cua, tôm, cá vược là những mặt hàng chính được bán ở chợ Huanan. Tuy nhiên, ở một số góc của khu chợ rộng 50.000 mét vuông này, động vật hoang dã cũng được bày bán.

Ai, một phụ nữ 59 tuổi sống gần chợ Huanan, cho biết bà đã nhìn thấy một số quầy hàng bán động vật sống trong chợ.

“Họ bán các loại rùa, rắn, chuột, nhím và gà lôi”, bà Ai cho biết.

Một chủ quầy hàng bán rau gần chợ hải sản Huanan cũng cho biết ông từng thấy khu chợ này bán động vật sống.

“Một số quầy hàng bán nhiều loài động vật sống hơn và một số bán ít hơn, nhưng họ bán ở đây từ lâu rồi”, chủ quầy hàng rau chia sẻ thêm.

Nguồn cơn khiến “cơn bão” virus corona càn quét Trung Quốc - 2

Khu vực bán động vật sống trong chợ Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Một thông báo từ Cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại Vũ Hán hồi tháng 9 cho thấy động vật sống vẫn được bày bán tại chợ Huanan. Theo thông báo, các nhà chức trách đã tiến hành thanh tra 8 quầy bán động vật sống và kiểm tra giấy phép kinh doanh cũng như tài liệu cho phép kinh doanh động vật hoang dã của các quầy hàng này.

“Kinh doanh động vật hoang dã trái phép đều bị cấm nghiêm ngặt”, thông báo nêu rõ.

Việc nuôi và sinh sản động vật hoang dã vì mục đích thương mại được cho phép tại Trung Quốc. Tuy nhiên các công ty phải có giấy phép của chính quyền cấp tỉnh.

Giới chức y tế tại Vũ Hán thông báo sẽ tăng cường kiểm soát các chợ hải sản và nông nghiệp, đồng thời cấm buôn bán gia cầm cũng như động vật hoang dã khi dịch bệnh bùng phát.

Lệnh cấm được in lên các biểu ngữ treo từ cổng chợ, dọc theo các con đường tới chợ nông sản Bashazhou ở Vũ Hán, bên ngoài vành đai ba. Nhiều thành phố như Quảng Châu, Thâm Quyến và Bắc Kinh đều ra lệnh cấm buôn bán gia cầm và động vật sống tại khu vực dân cư sau các đợt bùng phát dịch bệnh trong những năm gần đây.

Buôn bán bất chấp lệnh cấm

Bất chấp lệnh cấm, một số người vẫn bán “chui” các loại gia cầm và động vật sống tại các khu chợ. Một người bán hàng ở Yuexiu, Quảng Châu - thành phố ẩm thực nổi tiếng cho biết anh ta vẫn đang bán gà sống.

“Chờ một chút. Tôi sẽ đi lấy gà từ cửa sau”, người bán hàng cho biết.

Tại một khu chợ ở Conghua, Quảng Châu, hoạt động buôn bán động vật sống vẫn diễn ra náo nhiệt. Gà sống ở đây được bán với giá 17 Nhân dân tệ (2,46 USD)/nửa cân tại một số quầy hàng. Trong khi đó, hàng chục người khác vẫn đứng mặc cả để mua hàng. Cơn bão virus corona ở Vũ Hán dường như không tác động đến họ.

Nguồn cơn khiến “cơn bão” virus corona càn quét Trung Quốc - 3

Một danh sách xuất hiện trên mạng cho thấy giá của các loài động vật hoang dã được bán trong một khu chợ. (Ảnh: Weibo)

Sau chuyến đi tới Vũ Hán, Zhong Nanshan, giám đốc Phòng Thí nghiệm Bệnh dịch Hô hấp Trọng điểm Trung Quốc và là chuyên gia về virus SARS, cho biết nguồn gốc của virus corona mới có thể xuất phát từ động vật hoang dã, như chuột tre hay con lửng.

“Bệnh dịch tập trung ở hai quận chính tại Vũ Hán, nơi có các chợ hải sản lớn. Mặc dù được gọi là chợ hải sản, nhiều người bán hàng vẫn bán động vật hoang dã. Theo phân tích sơ bộ ban đầu, virus có thể đã lây lan từ động vật hoang dã (trong chợ) sang con người”, chuyên gia Zhong nói với CCTV.

Shi Zhengli, nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho rằng vấn đề thực sự nằm ở hành vi của con người, chứ không phải ở động vật.

“Cách đơn giản nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm là tránh xa động vật hoang dã, nói không với động vật hoang dã, tránh xa môi trường sống của chúng, và không để cho vật nuôi cũng như trang trại sống chung với động vật hoang dã”, chuyên gia Shi cho biết thêm.

Theo nhà kinh tế học chính trị Hu Xingdou, niềm yêu thích ăn thịt động vật hoang dã của người Trung Quốc có gốc rễ sâu xa cả về văn hóa, kinh tế và chính trị.

“Mặc dù việc ăn uống đầy đủ không phải là vấn đề với nhiều người Trung Quốc hiện nay, nhưng ăn các loại thực phẩm hoặc các loại thịt mới lạ, các bộ phận của những loài động vật hay thực vật quý hiếm trở thành thước đo cho sự sang trọng của một số người”, chuyên gia Hu nhận định.

Nhiều năm sau đại dịch SARS vào năm 2003, lượng tiêu thụ động vật hoang dã của những thực khách Trung Quốc ưa mạo hiểm đã giảm đáng kể. Cầy hương được cho là con vật truyền virus SARS khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Theo kết quả khảo sát do tổ chức WildAid và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Trung Quốc công bố năm 2006, khoảng 70% trong số 24.000 người được khảo sát cho biết 16 thành phố tại đại lục đã từ bỏ thói quen ăn thịt động vật hoang dã, tăng so với tỷ lệ 51% trong cuộc khảo sát hồi năm 1999. Mặc dù con số chung đã giảm, song khảo sát cho thấy 30% số người tham gia khảo sát vẫn ăn thịt động vật hoang dã.

Thành Đạt

Theo SCMP