"Những ngày cuối cùng tại Việt Nam" và tấn bi kịch của Mỹ
Bộ phim tài liệu “Những ngày cuối cùng tại Việt Nam” được trao giải Oscar năm 2014. Trong đó, các nhân chứng sống bao gồm những chính khách, sĩ quan Mỹ và chế độ Sài Gòn đã hồi tưởng lại những thời khắc cuối cùng trước thời điểm chính quyền Sài Gòn sụp đổ ngày 30/4/1975.
Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Graham Martin rất yêu thích cây me mọc ở bãi đỗ xe bên ngoài tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, được nhà ngoại giao này thường mô tả là “vững chắc như cam kết của Mỹ tại Việt Nam”. Vào sáng sớm ngày 29/4/1975, lãnh đạo chi nhánh CIA tại Sài Gòn nói với đại sứ Martin rằng cây me đã bị đốn hạ. Người ta cần dẹp quang tất cả các bụi cây trên khu đất để lấy chỗ đậu cho máy bay trực thăng.
Nóc tòa đại sứ là sân đậu trực thăng, song không đủ khả năng nếu đại sứ muốn di tản hàng ngàn người Mỹ và Việt Nam. Lính thủy đánh bộ Mỹ buộc phải chặt hạ cây me, tạo ra một bãi đáp trực thăng. Hành động mang tính biểu tượng là cú đòn choáng váng đối với đại sứ Mỹ Martin, người vẫn luôn níu kéo giấc mơ chính quyền Sài Gòn sẽ tồn tại lâu dài hơn.
Quá trưa ngày 29/4 một chút, cơ trưởng thủy quân lục chiến Gerald Berry đáp trực thăng xuống nóc tòa đại sứ Mỹ. Berry giục Martin rời đi, nhưng viên đại sứ Mỹ từ chối. Trong khi đó, hàng ngàn nhân viên, sĩ quan chính quyền Sài Gòn đang chen lấn, xô đẩy thục mạng bên ngoài hàng rào tòa đại sứ để tìm cách lọt vào trong. “Tôi cảm thấy nghĩa vụ đạo đức rất lớn trong việc di tản được càng nhiều người càng tốt”, Martin viết trong điện báo gửi Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Henry Kissinger.
Đại sứ Martin chỉ là một trong số rất nhiều người suy sụp trong bối cảnh rối bời trong bộ phim tài liệu “Những ngày cuối cùng tại Việt Nam” của đạo diễn Rory Kennedy, đoạt giải thưởng Oscar phim tài liệu hay nhất năm 2014. Cuốn phim mô tả hết sức chân thực và chi tiết những thời khắc cuối cùng của cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, tập trung vào các hoạt động và những nhân vật ở đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Đạo diễn cùng ê kíp làm phim đã sử dụng nhiều bộ phim tư liệu, thư từ, dữ liệu ghi âm và băng phỏng vấn các cựu binh Mỹ, chính khách và cả những người sống sót sau cuộc chiến. Các nhân chứng sống đã kể lại câu chuyện của chính họ trong “Những ngày cuối cùng tại Việt Nam”.
Nhân vật sầu thảm, cay đắng nhất trong phim chính là đại sứ Mỹ Martin. Nhà ngoại giao Mỹ đã nán lại đến giờ phút cuối cùng mới chịu lên máy bay sơ tán. Đại sứ Martin cũng mất đứa con nuôi trong cuộc chiến tại Việt Nam. Nhà ngoại giao bất hạnh muốn tin rằng nước Mỹ sẽ ở lại xứ sở này mãi mãi để khiến cho cái chết của vô số người Mỹ có ý nghĩa nào đó. Tuy nhiên, thực tế quân giải phóng đang thắng như chẻ tre trên khắp miền Nam trong tháng 4/1975 và quân đội chính quyền Sài Gòn được Mỹ hậu thuẫn đã sụp đổ.
Martin từ chối lên trực thăng di tản sớm và là một trong những người Mỹ cuối cùng sơ tán khỏi Sài Gòn trước khi thành phố bị chiếm. Ông ta lần chần suốt nhiều tuần lễ, nuôi hy vọng kéo dài, nhưng kết cục buộc vị đại sứ Mỹ phải làm điều đúng đắn là rời đi. |
Trong khi đó, trên sàn đỗ tàu sân bay USS Midway (CV-41) vào cuối tháng 4/1975 có 10 máy bay trực thăng vận tải hạng nặng thuộc biên chế sư đoàn không vận số 40 và phi đoàn chiến dịch đặc biệt số 40 thuộc không lực Mỹ đang túc trực ngoài Biển Đông để thực hiện chiến dịch sơ tán hàng loạt người Mỹ và các quan chức, sĩ quan chính quyền Sài Gòn. Các thủy thủ Mỹ nhìn thấy lửa đạn pháo và rocket của quân giải phóng nã vào khu vực Vũng Tàu. Đây là đợt tập hợp hạm đội hải quân Mỹ lớn nhất kể từ khi Mỹ leo thang chiến tranh, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964.
Đầu năm 1975, chiến tranh Việt Nam đã trôi khỏi trí nhớ của nhiều người Mỹ như một kỷ nguyên lịch sử đáng quên. Cuộc chiến đã kết thúc, binh lính đã trở về nhà và Tổng thống Ford đã ra lệnh ân xá cho những người trốn quân dịch. Trước bước tiến vũ bão của quân giải phóng Việt Nam được thể hiện trên các tấm bản đồ khổ lớn và ngày càng nhiều tin tức các thị trấn, đô thị rơi vào tay quân giải phóng lên trang nhất các tờ báo Mỹ. Khi tàu sân bay USS Midway từ Nhật tiến xuống phía Nam, nhiều câu hỏi vang lên: Liệu Mỹ có tiếp tục oanh kích? Mỹ có điều động lực lượng lính thủy đánh bộ trở lại để cứu chế độ Sài Gòn? Những câu hỏi đó cứ râm ran trong lực lượng hải quân, không quân và thủy quân lục chiến Mỹ, cũng như trong các nhà hoạch định chính sách ở Washington và Sài Gòn.
Về mặt chính trị, chính quyền của Tổng thống Nixon đã kết thúc chiến tranh vào năm 1973 và rời nhiệm sở trong tủi hổ. Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng cãi lộn nhau do Quốc hội từ chối đề nghị của Tổng thống Ford về việc cung cấp tài chính để mua vũ khí cho quân đội Sài Gòn. Phần lớn người Mỹ vui mừng vì chiến tranh đã chấm dứt. Tại Sài Gòn, đại sứ Mỹ Graham Martin cùng với các nhân viên ngoại giao, tùy viên quân sự và nhân viên CIA bắt đầu tiến hành chiến dịch di tản ồ ạt.
Tùy viên quân sự Herrington buộc phải quyết định về vấn đề “ai đi ai ở”. Nhân viên CIA Frank Sneep khuyên đại sứ Martin chấm dứt hoạt động ngoại giao tại Việt Nam. Sĩ quan đặc nhiệm hải quân SEAL Rick Armitage và thuyền trưởng hải quân Sài Gòn Kiem Do cố gắng tổ chức sơ tán hải quân chế độ Sài Gòn trước khi rơi vào tay quân giải phóng. Trong cuốn hồi ký “Tổn thất không thể bù đắp”, Sneep dẫn lời một đồng nghiệp CIA đưa một nhà báo lên tàu sơ tán đã hỏi rằng: “Vậy, làm thế nào các ông vực được một đất nước đứng dậy?”. Hải quân Mỹ lúc đó phải sắp xếp lại hai tàu sân bay tấn công USS Midway và USS Hancock thành hai tàu sân bay trực thăng cùng với tàu đổ bộ trực thăng USS Okinawa LPH-3 làm nhiệm vụ di tản.
“Những ngày cuối cùng tại Việt Nam” cho thấy các tàu sân bay Mỹ được biến thành bãi đáp cho không chỉ trực thăng Mỹ mà còn thành sân bay bất đắc dĩ của nhiều máy bay chế độ Sài Gòn và máy bay của nhân viên CIA bỏ chạy. Một trong những cảnh ấn tượng nhất của chiến dịch di tản trên tàu sân bay USS Midway là cảnh một sĩ quan không quân Sài gòn chở vợ cùng 5 con nhỏ trên một máy bay trinh sát hai chỗ ngồi O-1 Bird Dog di tản. Anh ta bay quanh con tàu chật cứng máy bay và cố ném xuống một mẩu giấy ghi bên lề dòng chữ “Xin hãy cứu tôi, thiếu tá Buang, vợ cùng 5 con”. Thuyền trưởng Laurence Chamber đã phải ra lệnh hất máy bay xuống đuôi tàu để dọn chỗ hạ cánh cho viên phi công và gia đình lần đầu tiên và cũng là duy nhất đáp xuống tàu sân bay.
Tiền Phong