1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những lần Nga - Anh trục xuất nhà ngoại giao trong 2 thế kỷ

(Dân trí) - Mối quan hệ giữa Nga và Anh từng nhiều lần rơi vào trạng thái căng thẳng khiến hai nước trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao của nhau trong hơn 200 năm qua.

Các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi đại sứ quán ở Anh ôm chia tay đồng nghiệp trước khi lên máy bay về nước (Ảnh: Getty)
Các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi đại sứ quán ở Anh ôm chia tay đồng nghiệp trước khi lên máy bay về nước (Ảnh: Getty)

Quan hệ Nga - Anh trở nên căng thẳng từ đầu tháng 3 sau khi London cáo buộc Moscow đứng sau vụ hạ độc nhằm vào cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông này ở thành phố Salisbury. Để thể hiện lập trường cứng rắn của mình, Thủ tướng Anh Theresa May đã lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga khỏi lãnh thổ Anh. Đáp lại, Nga cũng tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, sau đó tiếp tục yêu cầu Anh phải đưa thêm 50 nhà ngoại giao nữa về nước nhằm đảm bảo cân bằng số lượng nhà ngoại giao giữa hai bên.

Mặc dù Thủ tướng May nói rằng vụ trục xuất nhà ngoại giao lần này là lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, tuy nhiên đây không phải là chuyện hiếm gặp trong lịch sử 200 năm giữa Anh và Nga.

Lần gần đây nhất vào năm 2006, cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko đã bị đầu độc ở London bằng chất phóng xạ polonium-210 và chính phủ Anh đã đổ lỗi cho Nga về cái chết của người đàn ông này. Anh sau đó đã tuyên bố trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga khỏi Đại sứ quán Nga ở London. Đáp lại, Moscow đã mở một cuộc điều tra nhằm vào các nhà ngoại giao Anh tại Nga mà Moscow nghi ngờ là gián điệp, đồng thời đóng cửa cơ sở của Hội đồng Văn hóa Anh tại Nga.

Trước đó, vào năm 1985, quan hệ giữa Anh và Liên Xô cũng trở nên căng thẳng khiến hai nước liên tục trục xuất các điệp viên của nhau. 31 điệp viên Liên Xô đã bị trục xuất khỏi Anh và 25 điệp viên Anh cũng buộc phải rời khỏi Moscow.

Vụ trục xuất qua lại này diễn ra sau khi cựu Đại tá Oleg Antonovich Gordievsky của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), người được cho là điệp viên hai mang, đào tẩu sang Anh. Với bình phong là lãnh đạo phụ trách mạng lưới tình báo của KGB tại London, Gordievsky đã cung cấp cho chính phủ Anh nhiều thông tin mật, bao gồm danh sách các điệp viên Nga tại Anh.

Vụ trục xuất điệp viên tai tiếng nhất và có quy mô lớn nhất trong lịch sử Anh - Nga diễn ra vào năm 1971 liên quan tới cựu điệp viên Oleg Adolfovich Lyalin. Lyalin thực chất là một điệp viên của KGB được cử tới London trong vỏ bọc là quan chức thuộc Cơ quan Đại diện Thương mại của Liên Xô. Năm 1971, Lyalin bị cảnh sát Anh bắt tại London vì lái xe khi đang say xỉn. Sau đó, Lyalin đã tiết lộ mối quan hệ của mình với KGB.

Việc Lyalin quyết định đào ngũ và các thông tin mật mà cựu điệp viên này tiết lộ đã tạo cho Anh cái cớ để tấn công mạng lưới tình báo của Liên Xô tại Anh. Kết quả là 105 nhà ngoại giao và các quan chức Liên Xô đã bị trục xuất khỏi Anh sau khi Moscow từ chối xác minh cho phía Anh hoạt động của 440 công dân Nga tại Anh. Đáp lại, Moscow cũng trục xuất 27 nhân viên ngoại giao Anh.

Mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước cũng từng được ghi nhận vào năm 1927 khi chính phủ Anh tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên Xô vì cho rằng Moscow can thiệp vào Trung Quốc. Trước đó, vào năm 1800, Đại sứ Anh Charles Whitworth từng bị trục xuất khỏi thành phố St. Petersburg vì âm mưu lật đổ Nga hoàng Paul I.

Thành Đạt

Tổng hợp