1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những lần "đi ngược" chuẩn mực truyền thống của Nhật Hoàng Akihito

(Dân trí) - Trong 3 thập niên trị vì, Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã cách tân mạnh mẽ một trong những nền quân chủ lâu đời nhất thế giới, đưa hoàng gia tới gần hơn với công chúng và giành được sự tôn trọng và ngưỡng mộ của người dân.

Những lần đi ngược chuẩn mực truyền thống của Nhật Hoàng Akihito - 1

Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko (Ảnh: Reuters)

Cuối tháng 4, Nhật Hoàng Akihito sẽ chính thức thoái vị, nhường ngôi cho con trai là Thái tử Naruhito. Trong suốt 30 năm trị vì Nhật Bản, Nhật Hoàng được coi là nhân vật có tư tưởng hiện đại hóa, đã phá bỏ cũng như cách tân nhiều chuẩn mực truyền thống hoàng gia, từ việc ông kiên quyết kết hôn với người yêu thương bất chấp quy tắc lâu đời, kêu gọi hòa bình thế giới hay thể hiện sự hối tiếc về vai trò của Nhật trong Thế chiến II.

Theo AFP, cách tiếp cận của Nhật Hoàng Akihito đôi khi gây ra các ý kiến trái chiều, nhưng các quyết định của ông đã khiến hoàng gia Nhật Bản gần gũi hơn với người dân, khiến công chúng Nhật Bản thêm ngưỡng mộ và kính trọng ông.

Sinh năm 1933 khi Nhật Bản đang tiến hành các chiến dịch quân sự khắp châu Á, ông Akihito chỉ 11 tuổi khi Thế chiến II kết thúc. Nhật Bản khi đó là nước bại trận.

Ông trở thành vị vua thứ 125 của Nhật Bản vào năm 1989 sau khi cha ông, Nhà vua Hirohito, qua đời. Trong suốt 30 năm trị vì, Nhật Hoàng Akihito đã không ít lần phá bỏ các quy tắc hoàng gia.

Tình yêu chiến thắng truyền thống

Những lần đi ngược chuẩn mực truyền thống của Nhật Hoàng Akihito - 2

Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko trong lễ thành hôn (Ảnh: AFP)

Nhật Hoàng Akihito là người thừa kế ngai vài đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản kết hôn với một dân thường, nay là Hoàng hậu Michiko. Bà là con gái của một ông chủ ngành bột mì Nhật Bản thời bấy giờ.

Hoàng hậu Michiko sinh năm 1934 ở Tokyo. Hai người gặp nhau lần đầu tiên tại giải thi đấu quần vợt và kết hôn năm 1959. Thời điểm đó, đám cưới hoàng gia đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ truyền thông và dư luận.

Việc một thái tử quyết định phá vỡ truyền thống hôn nhân sắp đặt và kiên quyết chọn người mình yêu được coi là một động thái mạnh mẽ biểu trưng cho nền dân chủ Nhật Bản.

Họ cũng lựa chọn sống chung và nuôi dưỡng con cái, thay vì truyền thống đưa con tới cho vú em chăm sóc đã có từ lâu đời trong gia đình hoàng gia Nhật Bản.

Những người ủng hộ Hoàng hậu Michiko cho rằng bà là người đã góp công hiện đại hóa hoàng gia Nhật Bản. Một trong những điều có thể kể đến chính là việc Nhật Hoàng Akihito đã cúi người khi nói chuyện với những nạn nhân động đất hay những người khuyết tật. Bà và chồng được cho là những người đã mang hoàng gia Nhật Bản tới gần hơn với công chúng và giành được sự ngưỡng mộ.

Phá bỏ quy tắc

Những lần đi ngược chuẩn mực truyền thống của Nhật Hoàng Akihito - 3

Nhật Hoàng và Hoàng hậu trò chuyện với người di tản trong thảm họa động đất sóng thần năm 2011, một trong những hình ảnh khiến công chúng Nhật Bản thêm yêu mến và ngưỡng mộ gia đình hoàng gia (Ảnh: Reuters)

Trong thảm họa động đất sóng thần năm 2011, Nhật Hoàng đã có hành động chưa từng có tiền lệ khi lên sóng truyền hình trấn an dư luận đang trong tình trạng hoảng sợ.

Hai tháng sau đó, Nhà vua và Hoàng hậu tới Fukushima, một trong những nơi bị tàn phá nặng nề, để gặp gỡ người dân. Hành động này được cho là khác biệt so với quan điểm truyền thống khi hoàng đế chỉ có vai trò đưa ra những lời cầu nguyện, không trực tiếp gặp gỡ dân chúng.

Công chúng Nhật Bản đặc biệt xúc động với hành động của Nhật Hoàng và Hoàng hậu, cho rằng điều này thể hiện lòng trắc ẩn và sự gần gũi của gia đình hoàng gia với người dân trong hoàn cảnh khó khăn. Thái tử Naruhito cũng cam kết sẽ tiếp bước con đường này của cha khi nối ngôi vào tháng tới.

Sự nổi tiếng của Nhật Hoàng Akihito cho phép ông đưa ra tiếng nói với những vấn đề của Nhật Bản, dù trong nhiều năm trước đó hoàng đế không có vai trò chính trị tại quốc gia Đông Á.

Cụ thể, ông đã đưa ra ý kiến phản đối với chủ nghĩa dân tộc và thể hiện “sự tiếc nuối sâu sắc” với hành động của Nhật Bản trong Thế chiến II. Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1992, ông nói rằng Nhật Bản “từng gây đau khổ cho người Trung Quốc” và “tôi rất lấy làm tiếc về điều này”.  

Khi thăm Hàn Quốc, ông cũng thể hiện “sự tiếc nuối sâu sắc” với những đau khổ mà Nhật Bản gây ra cho người dân bán đảo Triều Tiên vào giai đoạn 1940-1945.

Trong suốt những năm tháng trị vì, Nhật Hoàng luôn mong muốn và cầu nguyện cho hòa bình và hạnh phúc đến với người dân Nhật Bản cũng như trên thế giới.

Để kết thúc triều đại do mình trị vì, Nhật Hoàng Akihito một lần nữa lại đi ngược lại với truyền thống. Năm 2016, trong một bài phát biểu truyền hình, ông đã tuyên bố thoái vị với lý do sức khỏe yếu và mong người dân Nhật Bản đồng ý. Nhật hoàng Akihito là hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản muốn được thoái vị trong 200 năm qua.

Động thái trên đã khiến cho quốc hội và chính phủ Nhật Bản phải đưa ra ngoại lệ với luật hiện hành quy định rõ nhà vua phải giữ ngôi cho đến khi qua đời.

Đức Hoàng

Theo Channel News Asia