Những kiếp nghèo nơi thành Athens
(Dân trí) - Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2 năm về trước, tỷ lệ người nghèo đã tăng vọt trong tầng lớp trung lưu của Athens. Và tỷ lệ tự sát cũng tăng lên gấp đôi, dù trước kia Hy Lạp là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự sát thấp nhất châu Âu.
Nếu cuộc khủng hoảng này lan tới Piraeus, một khu bến cảng ở ngoại ô thủ đô Athens, nó đã được che giấu một cách hoàn hảo. Thậm chí vào một đêm tháng 2 lạnh giá, những chiếc xe siêu sang vẫn xếp hàng bên ngoài một nhà hàng sang trọng. Nhưng Leonidas Koutikas biết rõ cần phải tìm ở đâu. Cách đó chưa đầy 50m, quanh 2 góc phố, cảnh tượng nghèo khổ hiện lên ở khắp nơi.
Koutikas tìm thấy một gia đình 5 người sống trong một túp lều rách nát được gá vào bức tường của một toà nhà chung cư. Koutikas và các đồng nghiệp của ông tại tổ chức từ thiện Klimaka được mong đợi tại đây. Họ phân phát những gói đồ viện trợ cho người nghèo mỗi tối.
Athens luôn gặp phải vấn đề với những người vô gia cư, giống như bất kỳ thành phố lớn nào. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công đã khiến người nghèo dần trở vượt quá sự kiểm soát tại đây.
Trong năm 2011, số người tuyên bố vô gia cư đã tăng 20% so với năm trước. Con số này có thể lên tới 25.000 người. Các tổ chức từ thiện chuyên phân phát thức ăn ở Athens cho hay họ đang phải đối mặt với nhu cầu tăng cao kỷ lục, với số lượng người cần các bữa ăn miễn phí tăng 15%.
Họ không chỉ là những người quen mặt được trợ giúp chăn và các bữa ăn nóng vào ban đêm, Effie Stamatogiannopoulou cho biết. Cô ngồi tại văn phòng chính của tổ chức từ thiện Klimaka, trầm tư về chuyện ngân sách và bảng liệt kê công việc. Người phụ nữ 46 tuổi đã chìa ra danh sách 102 người vô gia cư tới Klimaka chỉ trong một ngày.
Nhiều người thuộc về cái được gọi là “tầng lớp người nghèo mới” tại đây. “Chuyện đó bắt đầu khoảng 2 năm trước”, Stamatogiannopoulou cho hay. Họ không chỉ là những người có vấn đề về tâm lý hay nghiện ma tuý. “Tầng lớp trung lưu đang ngày trở thành nhóm cần sự trợ giúp của chúng tôi”, cô nói.
Trong “tầng lớp người nghèo mới” có Lambros Zacharatos, người đã lái xe khắp các đường phố của Athens cùng Leonidas Koutikas trên chiếc xe tải của tổ chức Klimaka hàng đêm. Cho tới tận năm ngoái, Zacharatos vẫn là một nhà thiết nội thất, với khoản lương 5.300USD/tháng. “Bỗng nhiên khủng hoảng xảy ra và 90% các việc làm biến mất”, Zacharatos nhớ lại.
Zacharatos cho hay mọi việc xảy ra rất nhanh. Anh mất việc và không có tiền thuê nhà, và chỉ trong vài tháng anh đã bị tống ra đường. “Trong cơn ác mộng kinh hoàng nhất tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ trở thành người vô gia cư một ngày nào đó”, anh nói.
Cho tới nay chưa có thống kê đáng tin cậy nào về số lượng những người nghèo mới. Các gia đình cũng có thể giảm nghẹ tính nghiêm trọng của những khó khăn về tài chính. Những người mất việc hoặc mất nhà có thể tìm đến nhà người thân trước khi có tên trong con số thống kê chính thức. Họ thực sự là những nạn nhân mới của khủng hoảng tài chính.
“Với nhiều biện pháp khắc khổ mới của chính phủ, cùng với các gánh nặng về thuế, thử hỏi các gia đình có thể chịu đựng được bao lâu”, cô Stamatogiannopoulou nói.
Theo số liệu của EU công bố hồi tuần trước, trong năm 2010, gần 28% người Hi Lạp, tương đương 3,03 triệu người sống ở ngưỡng nghèo. Do cuộc khủng hoảng càng trở nên tồi tệ kể từ đó, số người nghèo hẳn đã gia tăng trong năm 2011.
Nhà tâm lý học Eleni Bekiari biết những mặt tối mà cuộc khủng hoảng và hậu quả của nó đã gây ra cho người Athens. Cô quản lý số điện thoại “1018” của tổ chức Klimaka. Đó là đường dây nóng hoạt động 24/24 nhằm trợ giúp những người có ý định tự sát. Trong năm 2010, có khoảng 2.500 cuộc gọi tới con số này. Năm 2011 số cuộc gọi đã tăng lên gấp đôi
Hy Lạp vốn là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự sát thấp nhất châu Âu, nhưng tỷ lệ này đã gia tăng đáng kể. Kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, tỷ lệ tự sát đã tăng gần gấp đôi. Trong năm 2011, tỷ lệ tự sát là 6/100.000 dân. Khi những người gọi tới đường dây nóng 1018 được hỏi về lý do có ý định tự sát, cô Bekiari cho biết họ thường trả lời với 2 từ: khủng hoảng.
An Bình
Theo Spiegel