1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những điều ít biết về nữ ứng viên tổng thống sáng giá của đảng Dân chủ

Thanh Thành

(Dân trí) - Bà Kamala Harris đã nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu cho cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ sau quyết định lịch sử rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 của Tổng thống Joe Biden.

Những điều ít biết về nữ ứng viên tổng thống sáng giá của đảng Dân chủ - 1

Bà Harris tuyên bố sẽ nỗ lực làm mọi thứ để đoàn kết đảng Dân chủ, đoàn kết nước Mỹ và đánh bại ông Trump (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ tuyên bố rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng 2024 vào ngày 21/7, chấm dứt nhiều tuần áp lực từ bên trong nội bộ đảng Dân chủ ngay sau màn trình diễn gây thất vọng của ông tại cuộc tranh luận đầu tiên với đối thủ Donald Trump hôm 27/6.

Và điều  gây chú ý hơn nữa là Tổng thống Biden nhanh chóng tuyên bố ủng hộ "phó tướng" - Phó Tổng thống Kamala Harris trở thành ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ.

Theo một cuộc thăm dò không chính thức về các đại biểu của hãng tin AP, bà Harris đã giành được hơn 2.500 sự ủng hộ của đại biểu đảng Dân chủ, vượt xa con số 1.976 phiếu cần thiết để giành vé ứng cử tổng thống của đảng trong những tuần tới.

Về mặt kỹ thuật, các đại biểu này vẫn có thể thay đổi quan điểm, nhưng không ứng viên nào khác nhận được bất kỳ phiếu ủng hộ nào trong cuộc khảo sát của AP; 54 đại biểu nói vẫn chưa quyết định.

"Hôm nay tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ và tán thành hoàn toàn của mình để Kamala trở thành ứng cử viên của đảng chúng tôi năm nay. Các nhà dân chủ - đã đến lúc đoàn kết lại và đánh bại ông Trump. Hãy làm điều này", ông Biden nhấn mạnh.

Động thái này của ông Biden mở ra cơ hội lớn nữa cho bà Harris, người phụ nữ da màu và là người gốc Nam Á đầu tiên giữ chức phó tổng thống Mỹ. Nếu trở thành ứng cử viên đảng Dân chủ và đánh bại ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, bà sẽ là người phụ nữ đầu tiên giữ chức tổng thống Mỹ.

Nữ Phó Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ

Bà Harris sinh ngày 20/10/1964 tại Oakland, bang California, Mỹ. Trong tiếng Phạn, "Kamala" có nghĩa là "hoa sen" và bà luôn tự hào với nguồn gốc Ấn Độ đó của mình.

Cả cha mẹ bà đều hoạt động trong phong trào dân quyền. Người mẹ, bà Shyamala Gopalan, là người Ấn Độ và cha của bà, Donald Harris, một người gốc Jamaica, đã gặp nhau tại Đại học California và kết hôn. Họ ly hôn năm 1972 khi Harris và chị gái còn nhỏ. Sau đó, bà Harris được mẹ nuôi dưỡng và người mẹ được coi là người có ảnh hưởng quan trọng đối với cuộc đời của bà. Bà Shyamala đã nuôi dạy các con gái rằng thế giới sẽ luôn coi họ là phụ nữ da màu, và đó cũng là cách bà tạo dựng hình ảnh của mình hiện nay.

Năm 1986, bà Harris tốt nghiệp cử nhân Khoa học Chính trị và Kinh tế tại Đại học Howard, một trường đại học đầu tiên được thành lập dành cho phụ nữ da màu ở Washington. Năm 1989, bà tốt nghiệp trường Luật Hastings của Đại học California.

Một năm sau, bà thi đậu và gia nhập văn phòng công tố quận Alameda với tư cách trợ lý luật sư quận. Kể từ đó, bà bắt đầu dấn thân vào con đường chính trị, từng bước trở thành người phụ nữ đầu tiên và cũng là người da màu đầu tiên giữ chức tổng chưởng lý California - luật sư hàng đầu và quan chức thực thi pháp luật tại tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ.

Năm 2014, bà kết hôn với ông Doug Emhoff, một người đàn ông Do Thái sinh ra ở Brooklyn, New York, và cùng nhau nuôi dưỡng 2 con riêng của ông Douglas là Cole và Ella.

Bước ngoặt chính trị lớn nhất đến với bà vào năm 2020 khi bà được ông Biden lựa chọn là người đồng hành tranh cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng, một sự lựa chọn mang tính lịch sử đã đưa bà trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên được chọn làm ứng viên phó tổng thống cho một đảng lớn.

Từ đó, bà từng bước giúp ông Biden đánh bại ông Trump lên nắm quyền ở Nhà Trắng. Và cái tên Harris tiếp tục làm nên lịch sử khi trở thành nữ phó tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.

Với chiếc ghế phó tổng thống, bà Harris được giao nhiệm vụ giám sát các vấn đề khó khăn bao gồm vấn đề di cư ở biên giới phía nam, quyền bầu cử và phá thai. Bà đã có mặt thường xuyên trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Biden, thường xuyên cảnh báo cử tri về những tác động mà một tổng thống đảng Cộng hòa sẽ gây ra đối với việc tiếp cận phá thai.

Với tư cách là Chủ tịch Thượng viện, bà Harris đã phá kỷ lục gần 200 năm qua với lần thứ 32 bỏ phiếu phá vỡ thế hòa phiếu tại Thượng viện Mỹ và chủ trì buổi xác nhận lịch sử về vị trí thẩm phán tòa án tối cao cho bà Ketanji Brown Jackson, người phụ nữ da màu đầu tiên trong lịch sử của Tòa án Tối cao Mỹ.

107 ngày đếm ngược

Những điều ít biết về nữ ứng viên tổng thống sáng giá của đảng Dân chủ - 2

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và phu quân Douglas Emhoff (Ảnh: Reuters).

Giờ đây, ở tuổi 60, bà Harris đang được nhiều người coi là ứng viên tổng thống sáng giá nhất của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2024 sau những gì đã làm trên cương vị phó tổng thống Mỹ dưới thời ông Biden.

Trong một tuyên bố hôm 21/7, bà Harris cho biết "rất vinh dự khi nhận được sự tán thành của Tổng thống và đặt mục tiêu giành được đề cử này".

"Trong năm qua, tôi đã đi khắp đất nước, nói chuyện với người Mỹ về sự lựa chọn rõ ràng trong cuộc bầu cử quan trọng này", bà Harris nói. "Và đó là những gì tôi sẽ tiếp tục làm trong những ngày và tuần tới. Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đoàn kết đảng Dân chủ và đoàn kết đất nước chúng ta để đánh bại ông Trump và chương trình nghị sự cực đoan của Dự án 2025 của ông ấy", bà Harris nói.

Bà Harris cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Biden, gọi quyết định từ bỏ cuộc đua năm 2024 của tổng thống là "hành động vị tha và yêu nước".

Nhưng theo các chuyên gia, vấn đề đặt ra là khi chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là đến cuộc bầu cử, bà Harris thực sự cảm thấy mình ở vào tình thế khốc liệt và đường đến Nhà Trắng với bà được dự đoán sẽ rất gian nan.

"Chúng ta có 107 ngày cho đến ngày bầu cử. Chúng ta sẽ chiến đấu cùng nhau và sẽ cùng nhau giành chiến thắng", bà nhấn mạnh.

Theo CBS News, AFP