1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Những điều được chờ đợi trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa Trump và Biden

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden sẽ bắt đầu vào lúc 21h tối 29/9 (theo giờ Washington), tức 9h sáng 30/9 theo giờ Việt Nam.

Những điều được chờ đợi trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa Trump và Biden - 1

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa Trump và Biden được phát trực tiếp trên truyền hình vào lúc 21h ngày 29/9 theo giờ Washington. Ảnh: BBC

Đây là cuộc tranh luận đầu tiên trong số 4 cuộc tranh luận nổi bật của năm nay (3 cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên tổng thống, 1 cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên Phó Tổng thống) và được đánh giá là sự kiện quan trọng ở thời điểm hơn 1 tháng trước Ngày Bầu cử 3/11.

Cuộc tranh luận đầu tiên sẽ được phát trực tiếp trên truyền hình vào lúc 21h ngày 29/9 theo giờ Washington, tức 9h sáng 30/9 theo giờ Việt Nam.

Dưới đây là những điều được dự đoán sẽ diễn ra trong cuộc tranh luận với 6 chủ đề mà Ủy ban tranh luận (CPD) công bố.

Sẽ không có cái bắt tay giữa 2 ứng viên

CPD nói rằng, sự kiện tối 29/9 (giờ Washington) thậm chí sẽ không có cái bắt tay giữa ông Trump với ông Biden hay giữa các ứng viên với người điều phối cuộc tranh luận Chris Wallace của Fox News.

Truyền thống vốn có từ gần nửa thế kỷ trước, đã bị phá vỡ năm 2016 khi ông Trump và ứng viên đảng Dân chủ khi đó là Hillary Clinton bỏ qua cái bắt tay mở đầu cuộc tranh luận thứ 2 và thứ 3.

Tranh luận gay gắt ngay từ đầu

Một số chuyên gia dự đoán về một đêm “cam go” khi cả 2 ứng cử viên đang bám đuổi nhau rất sít sao ở các bang chiến địa.

“Tôi nghĩ cuộc tranh luận này sẽ giống như màn cãi cọ ở quán rượu ngay từ đầu. Màn cãi cọ “mặt đối mặt” thực sự sẽ diễn ra mọi lúc và ông Trump sẽ cố làm điều gì đó để chĩa mũi nhọn vào đối phương”, Terry Sullivan, một chiến lược gia của đảng Cộng hòa, người từng điều hành chiến dịch tranh cử của Marco Rubio năm 2016, nói với USA Today.

Cố vấn truyền thông của đảng Cộng hòa Alan Everhart, cho rằng ông Biden sẽ giữ chừng mực trước đối phương, bởi điều mà chiến dịch của ông hướng tới là xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo có khí chất và có năng lực, kiểm soát tình huống một cách bình tĩnh hơn”.

“Bà Clinton đã phải lo lắng về cuộc tranh luận do bà là phụ nữ và phải giữ hình ảnh trong mắt người ủng hộ, còn Biden thì không”, Jennifer Mercieca, một giáo sư giảng dạy các khóa học về tranh luận, phản biện tại Đại học Texas A&M, cho biết.

Cuộc chiến đề cử Thẩm phán Tòa án Tối cao

Về việc Tổng thống Trump đề cử bà Amy Coney Barrett làm Thẩm phán Tòa án Tối cao thay thế Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời ngày 18/9, cả 2 ứng viên sẽ muốn mình là người thực hiện các bước tiếp theo của quy trình bổ nhiệm này.

Ông Trump muốn ông là người hoàn thành “nghĩa vụ hiến pháp” trong việc lấp chỗ trống tại Tòa án Tối cao và kêu gọi ủng hộ việc nhanh chóng tiến hành các phiên điều trần phê duyệt đề cử của ông tại Thượng viện.

Trong khi đó, ông Biden nói rằng, việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao quá gần thời điểm bầu cử sẽ “gây ra những tổn hại không thể khắc phục” và nói rằng đó sẽ là một “cuộc khủng hoảng hiến pháp”.

Đại dịch Covid-19

Một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong cuộc tranh luận là đại dịch Covid-19, đại dịch bùng phát chưa từng thấy đã khiến hơn 200.000 người chết ở Mỹ, con số tử vong cao nhất trên thế giới.

Đây sẽ là một vấn đề quan trọng ở 3 bang chiến địa thuộc Vành đai Mặt trời là Arizona, Florida và Bắc Carolina.

Hai phần ba số cử tri chưa quyết định ở các bang này cho rằng Tổng thống là người “không thể dự đoán được” và bày tỏ họ thích phong cách lãnh đạo của ông Biden về các vấn đề trong đó có Covid-19, theo Ashley Kirzinger – Giám đốc phụ trách nghiên cứu khảo sát tại Quỹ gia đình Kaiser.

Ông Trump có thể sẽ tiếp tục bảo vệ cách xử lý đại dịch của chính quyền đương nhiệm, viện dẫn lệnh cấm đi lại được áp dụng đầu năm nay và thúc đẩy kế hoạch “1 triệu xét nghiệm mỗi ngày” như Ban chiến dịch của ông đăng tải trên Twitter hôm 26/9.

Suy thoái kinh tế

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế Mỹ, việc đóng cửa các hoạt động dẫn tới sự suy giảm kinh tế đáng kể và tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái.

Trong bài phát biểu tại Pittsburgh mới đây, ông Biden nói rằng “việc giảm thuế cho giới siêu giàu của ông Trump, các cuộc chiến thương mại và việc ông Trump từ chối hành động để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan – cho dù ông biết mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 – đã dẫn tới cuộc khủng hoảng việc làm tồi tệ nhất trong gần 1 thế kỷ qua.

Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm vẫn nói về sự phục hồi kinh tế, thậm chí cả sau sự tàn phá của đại dịch. Trong một phát biểu ở Pennsylvania gần đây, ông Trump nói rằng “Chúng ta đã xây dựng nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới và giờ đây chúng ta đang làm điều đó một lần nữa”.

Các cuộc biểu tình và bất ổn

Chủ đề tiếp theo mà CPD đưa ra sẽ là các cuộc biểu tình bất ổn trên khắp cả nước từ hồi tháng 5 sau khi người đàn ông da đen George Floyd chết trong tay cảnh sát da trắng ở Minnesota.

Trong một phát biểu ở Jacksonville, Florida ngày 24/9, ông Trump cũng nói về vụ nổ súng của các nhân viên [cảnh sát] vào người phụ nữ gốc Phi Breonna Taylor ở Louisville, Kentucky.

“Thi hành pháp luật, làm ơn hãy giúp họ”, Tổng thống nói, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng, “Cuộc ‘thập tự chinh’ nhằm vào cảnh sát của ông Biden cần phải chấm dứt”. (Ông Biden không nói ông muốn cắt giảm ngân sách hay giải tán lực lượng cảnh sát). Suốt những tháng mùa hè kể từ sau cái chết của George Floyd, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố thúc đẩy “luật pháp và trật tự”.

Khi chấp nhận đề cử tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, ông Biden đã làm tương phản hình ảnh của ông với đương kim Tổng thống ngay từ khi bắt đầu bài phát biểu của mình: “Lúc này, ở đây, tôi xin gửi lời tới các bạn rằng: Nếu các bạn tin tưởng tôi trở thành Tổng thống, tôi sẽ làm hết sức với những gì chúng ta có. Tôi sẽ là một đồng minh của ánh sáng, chứ không phải bóng tối. Đã đến lúc chúng ta phải đoàn kết cùng nhau”.

Tính pháp lý của kết quả bầu cử

Ông Trump nhiều lần lên tiếng phản đối hình thức bỏ phiếu qua thư trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới, cho rằng điều này sẽ dẫn tới một “cuộc bầu cử gian lận”, nhưng lại không đưa ra bằng chứng cụ thể cho tuyên bố này.

Đương kim Tổng thống gần đây cũng làm dấy lên tranh cãi khi không cam kết sẽ chuyển giao quyền lực trong hòa bình. “Chúng ta sẽ phải xem điều gì xảy ra”, ông nói khi được hỏi về điều đó trong một cuộc họp báo gần đây.

Ông Biden gọi khoảnh khắc đó là “sự rối trí điển hình của Trump” và nói rằng “người Mỹ sẽ không bị ngăn cản trong cuộc bầu cử này”.

Hồ sơ chính trị

Người điều phối Chris Wallace cũng sẽ hỏi các ứng viên về kinh nghiệm và hồ sơ chính trị.

Sự nghiệp chính trị của ông Trump bắt đầu cách đây 4 năm, từ năm 2016, khi ông đắc cử tổng thống và thể hiện trước cử tri rằng ông là một “người ngoài cuộc” - người đã thề sẽ “rút cạn đầm lầy” các lợi ích đặc biệt và các chính trị gia kỳ cựu ở Washington.

Còn ứng viên Biden, ông đã từng làm Thượng nghị sỹ của bang quê nhà Delaware hàng chục năm trước khi có 8 năm làm phó tướng dưới quyền Tổng thống Barack Obama.