Những cuộc "nổi loạn" giờ chót nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống Mỹ
(Dân trí) - Nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng minh nhằm thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri có thể "sôi hỏng bỏng không" như hai tiền lệ vào năm 2005 và 2016.
Nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng minh có thêm một tia hi vọng mới khi thượng nghị sĩ Missouri Josh Hawley chính thức cam kết sẽ phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri tại phiên họp quốc hội ngày 6/1 tới.
"Tôi không thể bỏ phiếu xác nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn vào ngày 6/1 tới mà không nêu ra một thực tế là một số bang, đặc biệt là Pennsylvania, đã không tuân thủ luật bầu cử. Ít nhất, quốc hội nên điều tra các cáo buộc gian lận bầu cử và thực hiện các biện pháp để đảm bảo tính toàn vẹn bầu cử", ông Hawley cho biết trong thông cáo phát đi hôm qua.
Ông Hawley không nhắc đến các cáo buộc gian lận bầu cử giống như ông Trump, mà nhấn vào việc một số bang không tuân thủ luật bầu cử cũng như sự can thiệp chưa từng có tiền lệ của các ông lớn công nghệ trong cuộc bầu cử năm nay.
Hai giờ quyết định số phận cuộc bầu cử
Ông Hawley là thượng nghị sĩ đầu tiên cam kết thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri sau khi một nhóm hạ nghị sĩ Cộng hòa do ông Mo Brooks dẫn đầu lên kế hoạch lật ngược kết quả bầu cử ở một số bang chiến trường trong phiên họp quốc hội ngày 6/1.
Theo hiến pháp Mỹ cũng như Đạo luật về kiểm phiếu đại cử tri ra đời năm 1887, thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn cần được đệ trình dưới dạng văn bản, có chữ ký của một thành viên Hạ viện và một thành viên Thượng viện. Khi đó, Hạ viện và Thượng viện sẽ xem xét đơn khiếu nại đó trong một cuộc tranh luận độc lập kéo dài 2 giờ và tiếp đến là biểu quyết tán thành hay bác bỏ.
Tuy nhiên, để vô hiệu hóa lá phiếu đại cử tri của bất cứ một bang nào cũng cần có sự ủng hộ của đại đa số nghị sĩ ở cả hai viện. Theo các chuyên gia về bầu cử, kịch bản này gần như không thể xảy ra vì đảng Dân chủ vẫn kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử ngày 3/11. Trong khi đó, thế đa số của đảng Cộng hòa ở Thượng viện còn phụ thuộc vào cuộc chạy đua gay cấn ở Georgia dự kiến diễn ra vào tuần tới, hơn nữa một số thành viên Cộng hòa tại Thượng viện phản đối nỗ lực lật ngược kết quả.
"Tôi cho rằng, nỗ lực này cũng không thể làm thay đổi kết quả bầu cử, mà chỉ kéo dài phiên họp quốc hội bởi lưỡng viện phải xem xét khiếu nại", Rick Hasen, chuyên gia luật bầu cử của Đại học California, nhận định.
Những cuộc "nổi dậy" tiền lệ
Nỗ lực thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri tại quốc hội của ông Hawley và một số nghị sĩ Cộng hòa không phải chưa từng có tiền lệ, thậm chí trong lịch sử hiện đại của Mỹ. Dù vì lý do này hay lý do kia, các cuộc "nổi dậy" này có một điểm chung là đều thất bại.
Năm 2005, khi quốc hội Mỹ họp để xác nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, hạ nghị sĩ Dân chủ Stephanie Tubbs Jones bang Ohio và thượng nghị sĩ Barbara Boxer bang California phản đối phiếu đại cử tri của bang Ohio với lý do có những điều bất thường không hợp lệ trong cuộc bỏ phiếu cho hai ứng viên tổng thống George W. Bush và John Kerry. Khiếu nại này buộc Hạ viện và Thượng viện lần thứ hai trong vòng một thế kỷ phải biểu quyết có bác bỏ lá phiếu đại cử tri của một bang hay không.
Trả lời phỏng vấn CNN mới đây, bà Boxer nói rằng chiến dịch của ông Trump và đồng minh hiện nay hoàn toàn khác so với những gì bà và nghị sĩ Jones đã làm để đảo ngược thất bại của ông John Kerry.
"Ý định của chúng tôi khi đó không phải là đảo ngược kết quả cuộc bầu cử, mà tập trung vào việc trấn án cử tri ở Ohio. Còn họ lại muốn tập trung vào lập luận nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump bị đánh cắp", bà Boxer nói.
Sau cuộc bầu cử năm 2016, một số hạ nghị sĩ Dân chủ một lần nữa tìm cách thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri ở một số bang quan trọng nhằm lật ngược chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump trước ứng viên Hillary Clinton. Phe Dân chủ đã dẫn ra hàng loạt lý do cho việc phản đối kết quả, trong đó có cáo buộc Nga can thiệp bầu cử. Tuy nhiên, khiếu nại này không nhận được sự ủng hộ thượng nghị sĩ nào, buộc Phó tổng thống Mỹ khi đó là ông Joe Biden, người chủ trì cuộc họp quốc hội xác nhận kết quả bầu cử, tuyên bố: "Mọi việc kết thúc" và xác nhận ông Trump đắc cử tổng thống.
Kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn ở Mỹ ngày 14/12 cho thấy, ứng viên Dân chủ Joe Biden đắc cử với 306 phiếu đại cử tri, trong khi ứng viên Cộng hòa, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, chỉ giành được 232 phiếu. Quốc hội Mỹ sẽ chính thức kiểm phiếu và xác nhận kết quả vào ngày 6/1. Ông Trump đến nay vẫn chưa công nhận chiến thắng của ông Biden.