1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những cuộc đụng độ nảy lửa trên bán đảo Triều Tiên

Trong 60 năm kể từ khi một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, trên bán đảo này đã xảy ra vô số các vụ đụng độ nảy lửa.

Theo Straits Times, hai miền Triều Tiên về mặt lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh vì chưa có một hiệp đình hòa bình chính thức được thông qua và Bình Nhưỡng đã nhiều lần đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong những giai đoạn gia tăng căng thẳng.

Dưới đây là một số mốc quan trọng, trong đó có một vài sự cố gần như đẩy bán đảo Triều Tiên trở lại một cuộc xung đột toàn diện:

Triều Tiên, Hàn Quốc, nã pháo

Khói bốc lên trên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc sau khi bị Triều Tiên nã pháo vào tháng 11/2010. (Ảnh: Getty)

- Ngày 19/1/1967, các đơn vị pháo binh Triều Tiên khai hỏa về phía tàu Dangpo của Hàn Quốc khi con tàu này đang chở 70 thủy thủ đi tuần tra trên biển Hoàng Hải. Con tàu bị chìm và khiến 39 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.

- Ngày 21/1/1968, một nhóm gồm 31 lính đặc công Triều Tiên đã đột nhập gần tới Nhà Xanh, nơi ở và văn phòng làm việc của Tổng thống Park Chung Hee trước khi bị an ninh Hàn Quốc chặn lại. Cả nhóm, trừ hai người, đã thiệt mạng trong một loạt các vụ đấu súng tiếp theo. Một người sống sót sau đó tiết lộ rằng nhiệm vụ của họ là ám sát Tổng thống Park.

- Ngày 18/8/1976, các binh lính Triều Tiên đã tấn công một nhóm người đang cố gắng chặt một cái cây ở bên trong khu phi quân sự (DMZ). Hai sĩ quan quân đội Mỹ đã thiệt mạng trong sự kiện được nhắc tới như "một vụ giết người bằng rìu".

- Ngày 9/10/1983, Triều Tiên đã ném bom vào một lăng mộ ở Yangon, Myanmar trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo Hwan tới quốc gia này. Ông đã sống sót nhưng 21 người, bao gồm một số bộ trường đã thiệt mạng.

- Ngày 29/11/1987, một quả bom do hai điệp viên Triều Tiên gài trên một chuyến bay của hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air đã phát nổ trên biển Andaman, khiến toàn bộ 115 người thiệt mạng. Cả hai điệp viên đã cố gắng để tránh bị bắt bằng cách nuốt xyanua nhưng một người đã bị bắt sống.

- Tháng 9/1996, một tàu ngầm Triều Tiên đã bị mắc cạn ngoài khởi cảng Gangneung ở phía đông Hàn Quốc khi đang làm nhiệm vụ do thám. Toàn bộ 25 thành viên thủy thủ đoàn và những người xâm nhập đã bị giết chết sau một cuộc truy lùng kéo dài 45 ngày.

- Ngày 15/6/1999, các tàu hải quân Hàn Quốc và Triều Tiên đã đụng độ với nhau ở ngoài khơi Yeonpyeong. Một tàu ngư lôi của Triều Tiên đã bị đắm và ba tàu tuần tra bị hư hại nghiêm trọng. Số người Triều Tiên bị thương vong ước tính khoảng 50 người.

- Ngày 29/6/2002, một vụ đụng độ hải quân đã xảy ra tại Yeonpyeong và kết quả là một tàu tuần tra của Hàn Quốc bị đánh chìm và khiến 6 người trên đó thiệt mạng.

- Ngày 26/3/2010, tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc đã bị chìm gần đảo Baengnyong trên biển Hoàng Hải, 46 thủy thủ đã thiệt mạng. Một cuộc điều tra quốc tế đưa ra kết luận rằng con tàu này đã bị một tàu ngầm Triều Tiên tấn công bằng ngư lôi. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã bác bỏ cáo buộc trên.

- Ngày 23/11/2010, Triều Tiên đã nã pháo về đảo biên giới Yeonpyeong của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải, khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có 2 lính thủy đánh bộ và 2 dân thường.

- Ngày 21/8/2015, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh cho các đơn vị quân đội ở tiền tuyến sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh, theo sau một cuộc đấu pháo hiếm có giữa Seoul và Bình Nhưỡng xảy ra cách đó một ngày.

Theo Sầm Hoa

Vietnamnet

Những cuộc đụng độ nảy lửa trên bán đảo Triều Tiên - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm