Những con số "giật mình" về nền văn hóa súng đạn của Mỹ
(Dân trí) - Vụ xả súng tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại vào ngày 1/10 tại Las Vegas đã một lần nữa dấy lên câu hỏi về tình trạng sở hữu súng ở Mỹ cũng như liệu luật pháp Mỹ có thể thay đổi để có thể ngăn chặn những vụ thảm sát tương tự hay không.
Theo khảo sát năm 2017 của Pew Research, khoảng 40% người Mỹ xác nhận rằng họ có sở hữu súng hoặc sống trong hộ gia đình có sở hữu súng và tỉ lệ giết người và ngộ sát bằng vũ khí tại Mỹ là cao nhất trong những nước phát triển. Ước tính vào năm 2016, có 11.000 cái chết liên quan những vụ giết người bằng vũ khí tại Mỹ.
Chưa có thống kê chính xác về số lượng súng mà người dân tại các nước sở hữu, nhưng theo ước tính, Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng này.
Theo tạp chí Mother Jones, có khoảng 90 vụ xả súng giết người hàng loạt xảy ra tại Mỹ từ năm 1982 tới nay. Vào năm 2013, Mỹ đưa ra tiêu chí đánh giá một vụ việc là giết người hàng loạt là khi hung thủ giết chết nhiều hơn 3 nạn nhân và vụ việc không có liên quan tới các tội phạm khác như cướp có vũ trang hay băng đảng bạo lực. Tỉ lệ người chết vì xả súng hàng loạt là rất thấp so với tổng số người thiệt mạng vì súng đạn.
Thống kê vào năm 2015 cho thấy số lượng vụ tự tử bằng súng tại Mỹ đã tăng nhanh chóng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, tự sát bằng vũ khí chiếm gần một nửa số vụ tự sát ở Mỹ. Theo nghiên cứu của Tạp chí Y tế Công cộng Mỹ, có mối liên hệ chặt chẽ giữa tỉ lệ sở hữu súng ở 1 bang với tỉ lệ các vụ tự tử bằng súng ở cả nam lẫn nữ.
Tuổi trung bình các hung thủ trong 91 vụ giết người hàng loạt bằng súng ở Mỹ là 34. Tên hung thủ Stephen Paddock trong vụ giết người ở Las Vegas hôm 1/10 là 1 trong 3 kẻ giết người trên 60 tuổi. Sát thủ trẻ tuổi nhất là Andrew Douglas Golden, 11 tuổi, người đã cùng với đồng phạm Mitchell Scott Johnson, 13 tuổi, phục kích tại trường trung học Westside ở Arkansas vào năm 1998. Vụ tấn công đã khiến 5 người chết và làm 10 người khác bị thương.
Vụ tấn công ở Las Vegas tuần qua là một trong 3 vụ tấn công chết chóc nhất xảy ra trong vòng 10 năm qua. Điều này cho thấy xu hướng những vụ xả súng ngày càng tồi tệ và nghiêm trọng hơn.
Các loại súng kiểu quân đội như súng trường được cho là nguyên nhân gây nên những vụ xả súng có mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, súng ngắn là hung khí chính trong nhiều vụ giết người.
Điều đáng chú ý là giá để mua súng ở Mỹ khá rẻ so với mức sống ở đây, tương đương với một chiếc máy tính xách tay và có thể dễ dàng mua ở các cửa hàng vũ khí.
Dư luận Mỹ trong vòng 60 năm qua đã có phản ứng trái chiều về việc luật quản lý súng. Theo khảo sát của Gallup, phần lớn người Mỹ không ủng hộ việc cấm sử dụng súng ngắn.
Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, 2 chính đảng lớn nhất nước Mỹ, cũng có quan điểm trái chiều về một số chính sách liên quan tới việc “mang súng giấu kín” (CCW), có nghĩa là công dân được phép mang súng miễn là họ giấu kín ở một số nơi công cộng theo quy định từng bang.
Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) là tổ chức phản đối mọi đề xuất về việc quản lý súng đạn với lý do rằng việc sở hữu súng sẽ khiến nước Mỹ an toàn hơn. Theo BBC, NRA cũng là một trong những nhóm vận động hành lang hoạt động hiệu quả nhất. Ước tính họ bỏ ra số tiền 3 triệu USD mỗi năm nhằm gây tác động đáng kể đến các nghị sĩ về chính sách súng. Theo số liệu của Pew Research, cứ 5 người đàn ông sở hữu súng tại Mỹ thì có 1 thành viên thuộc NRA.
Đức Hoàng
Theo BBC