1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những bí ẩn trong vụ UAV tập kích Điện Kremlin

Minh Phương

(Dân trí) - Vụ hai máy bay không người lái (UAV) tập kích Điện Kremlin ở thủ đô của Nga đang đặt ra nhiều nghi vấn về chủ nhân thực sự của chúng.

Những bí ẩn trong vụ UAV tập kích Điện Kremlin - 1

Nóc Cung điện Thượng viện thuộc Điện Kremlin, nơi UAV bí ẩn phát nổ sáng 3/5 (Ảnh: Reuters).

Những vụ tập kích UAV bí ẩn

Dư luận những ngày qua xôn xao vụ hai máy bay không người lái (UAV) tiếp cận ngay phía trên Điện Kremlin ở thủ đô Moscow của Nga trước khi bị vô hiệu hóa. Chủ nhân của những UAV này vẫn là một bí ẩn mặc dù Moscow cáo buộc Ukraine âm mưu tập kích UAV để ám sát Tổng thống Vladimir Putin.

Giới chức và các học giả phương Tây không loại trừ khả năng đây là một vụ tập kích do Nga dàn dựng nhằm đổ lỗi cho Kiev, mở đường cho các động thái trả đũa. "Nga có khả năng dàn dựng cuộc tấn công này nhằm để người dân thấy chiến tranh ở gần kề hơn và tạo điều kiện cho một sự huy động xã hội rộng lớn hơn", Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định.

Tuy nhiên, nếu đó thực sự là một vụ tập kích của Ukraine, sự việc càng trở nên bí ẩn. Nhiều người đặt ra câu hỏi, làm thế nào mà UAV của Ukraine có thể vượt qua chặng đường hàng trăm km mà không bị phát hiện khi Điện Kremlin là một trong những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên thế giới, và biên giới của Nga cũng được kiểm soát chặt.

Đây không phải lần đầu tiên những vụ việc liên quan đến UAV gây nghi vấn.

Cuối tháng 4, một kho nhiên liệu ở Sevastopol, Crimea đột ngột bốc cháy. Chính quyền Nga kiểm soát ở đây khẳng định đó là một cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine.

Trước đó vài ngày, mảnh vỡ của một UAV UJ-22 Airborn được tìm thấy cách Moscow 40km. Máy bay không người lái được cho là mang theo 17kg thuốc nổ. Một sự cố tương tự khác đã xảy ra vào tháng 2, khi một chiếc UJ-22 Airborne rơi cách thủ đô của Nga 90km, tức là nó bay 460km tính từ biên giới với Ukraine.

Vào tháng 3 năm nay, Tu-141 Stryzh (Martlet), một UAV có thể bay ở độ cao lớn và tầm xa, được cho là của Ukraine đã tập kích một sân bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Vào tháng 12/2022, các UAV thuộc loại Stryzh, cũng tấn công hai căn cứ không quân của Nga.

Khoảnh khắc UAV cảm tử lao vào Điện Kremlin (Video: Twitter).

Qua mặt phòng không Nga

Chuyên gia phân tích quân sự Marko Syrovoi của trang tin LIGA cho rằng, mặc dù một số UAV của Ukraine không thể tiếp cận Moscow, song các chuyên gia vẫn khẳng định việc sử dụng những UAV nguyên thủy này vẫn là một chiến lược hiệu quả về chi phí trong nhiệm vụ gây khó khăn cho hệ thống phòng không của Nga.

Chuyên gia quân sự Oleksiy Katkov giải thích, những UAV này có thể được sản xuất với giá rẻ, nhưng buộc người Nga phải sử dụng những tên lửa đắt tiền để đánh chặn. "Để tiêu diệt các UAV nguyên thủy với giá 10.000 USD, người Nga sẽ phải sử dụng những tên lửa trị giá hàng trăm nghìn USD", ông Katkov cho hay.

Để các UAV tiếp cận các mục tiêu ở thủ đô của Nga, Ukraine cần các bản đồ độ cao hiện đại.

Xung quanh Moscow, một hệ thống phòng không dày đặc đã được xây dựng và cách tốt nhất để xuyên thủng nó là UAV bay càng thấp càng tốt để tránh bị các trạm radar của Nga phát hiện, ông Katkov giải thích. Nếu không có bản đồ độ cao kỹ thuật số hiện đại, UAV có nguy cơ va chạm với các tháp điện áp cao mới được xây dựng hoặc các công trình cao tầng khác được xây dựng gần đây.

Các thành viên của NATO và những quốc gia có hệ thống vệ tinh lớn đều có quyền truy cập vào các bản đồ này, bao gồm dữ liệu về đặc điểm địa hình, chướng ngại vật nhân tạo, và có thể được cập nhật hàng năm hoặc vài năm một lần để giải thích cho những thay đổi về cảnh quan. Thiếu những bản đồ như vậy, UAV buộc phải bay cao hơn, khiến chúng dễ bị phát hiện và bị tiêu diệt hơn.

Cựu phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu và hiện là Đại tá Lực lượng Vũ trang Ukraine, ông Vladyslav Selezniov, cho hay: "Các UAV thường đâm vào cây và không tới được Moscow. Rất có thể các nhiệm vụ bay của họ đã không tính đến những thay đổi về cảnh quan, chẳng hạn như cây cối cao lớn hơn theo thời gian hoặc sự xuất hiện của các kết cấu nhân tạo".

Những bí ẩn trong vụ UAV tập kích Điện Kremlin - 2

Một UAV cánh cố định UJ-22 của Ukraine (Ảnh minh họa: AFP).

Báo Le Monde đưa tin, Ukraine đã yêu cầu Pháp cung cấp bản đồ độ cao kỹ thuật số của Belarus, nhưng bị từ chối do Paris phản đối triển khai hoạt động ở các nước láng giềng. Do Ukraine thiếu hệ thống vệ tinh của riêng mình, nước này phải dựa vào thiện chí của các đồng minh hoặc tiếp tục tìm kiếm các đường bay tối ưu hơn.

Một điểm cần cải tiến khác đối với UAV của Ukraine là tính dễ bị tổn thương trước các hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Nga. Ông Katkov không loại trừ khả năng UAV bị lạc đường do nhiễu tín hiệu GPS. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, cần có các trường EW khá mạnh để khiến một UAV đi lạc đủ lâu và rơi do cạn kiệt nhiên liệu, vì chúng vẫn có thể cố gắng bay ra khỏi trường EW.

Ngược lại, tên lửa hành trình có nhiều hệ thống dẫn đường, khiến chúng gần như không thể nhầm lẫn. Trang bị cho UAV các hệ thống hướng dẫn tiên tiến tương tự sẽ làm tăng đáng kể cơ hội thành công nhưng sẽ đội chi phí lên cao hơn nhiều.

Hơn nữa, cuộc đối đầu giữa EW và UAV không phải là trò chơi một chiều. Mặc dù EW đang tìm cách ngăn chặn chương trình thử nghiệm UAV, song hiện nay một số phương pháp cũng được phát triển nhằm cho phép UAV tự động tải bản đồ kỹ thuật số vào bộ não điện tử của UAV, Đại tá Selezniov cho biết thêm.

Bất chấp những thách thức này, các cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine vẫn được thực hiện nhằm phục vụ các mục đích chiến lược thiết yếu.

Đầu tiên, chiến thuật phóng các UAV đơn lẻ hoặc theo nhóm của Ukraine nhằm phục vụ kiểm tra khả năng phòng không của Nga và tìm ra các tuyến đường di chuyển tối ưu, đặc biệt là ở Crimea, nơi các cuộc tấn công như vậy được cho là xảy ra thường xuyên, ông Selezniov nói.

Ngoài ra, họ có một mục đích thực dụng khác là buộc Nga phải sử dụng tên lửa phòng không trị giá hàng trăm nghìn USD để phá hủy UAV giá rẻ này, từ đó làm cạn kiệt ngân sách của Nga, cũng như buộc các lữ đoàn phòng không của Moscow phải làm nhiệm vụ 24/7.

Cuối cùng, các cuộc tấn công - nếu đúng như Nga cáo buộc - có thể đã hoàn thành mục tiêu do Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi và Tướng Mykhailo Zabrodskyi đặt ra vào tháng 8/2022, đó là nhằm mục đích làm mất ổn định trọng tâm của Nga.

Nếu có được các bản đồ chi tiết hơn và hệ thống hướng dẫn tiên tiến, UAV của Ukraine có thể tạo ra mối đe dọa lớn hơn.

Ukraine nhiều lần tuyên bố sở hữu UAV có khả tầm hoạt động tới Moscow, tuy nhiên, đến nay Kiev không xác nhận đứng sau những vụ tập kích UAV vào Crimea và các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.

Trong khi đó, Mỹ, một đối tác viện trợ quan trọng của Ukraine, khẳng định không khuyến khích hay giúp Kiev có khả năng tấn công lãnh thổ Nga.

Theo Economist, LIGA