1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhìn lại năm của những nỗ lực ngoại giao 2009

(Dân trí) - Nếu gọi năm 2008 là “năm của các cuộc khủng hoảng” – về an ninh, kinh tế, lương thực, môi trường..., thì năm 2009 có thể được gọi là “năm của những nỗ lực ngoại giao” – những nỗ lực để giải quyết các cuộc khủng hoảng này.

Ngoại giao để điều chỉnh chiến lược toàn cầu

Năm 2009 là năm mà cường quốc số một thế giới là Mỹ đặt dấu ấn điều chỉnh chiến lược toàn cầu của nước này bằng cách đoạn tuyệt với chính sách ngoại giao cũ, là năm các nước đang nổi lên đặt dấu ấn của mình trong một loạt vấn đề quốc tế, và là năm các nước đang phát triển khẳng định thành công của mình từ vũng lầy khủng hoảng kinh tế.

Cùng với việc có nhà lãnh đạo mới, cường quốc số một Mỹ đã phát tín hiệu tới cả thế giới về cách tiếp cận mới của Mỹ và đoạn tuyệt chủ nghĩa của cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush. Đích thân Obama đã tiến hành loạt chuyến công du đến 4 châu: Mỹ Latinh (tháng 4, với nỗ lực thiết lập mối quan hệ hợp tác mới và cải thiện quan hệ giữa Mỹ và các nước khu vực); châu Âu (tháng 4 - thúc giục các nước đồng minh nỗ lực hơn nữa để phát triển nền kinh tế toàn cầu hay hỗ trợ cuộc chiến ở Afghanistan) châu Phi (tháng 7 -nhằm chứng tỏ rằng "châu Phi không nằm ngoài các vấn đề thế giới" và châu Phi là một phần không thể tách rời của nền kinh tế toàn cầu) và tại châu Á (tháng 11 với cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo ASEAN – động thái khẳng định sự trở lại của Mỹ ở châu Á, mở ra triển vọng quan hệ Mỹ-châu Á).

Nhìn lại năm của những nỗ lực ngoại giao 2009 - 1
Obama lên nhậm chức, Mỹ thay đổi cách tiếp cận với thế giới bên ngoài

Trong bối cảnh cả thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, năm nay là dịp các tổ chức quốc tế đánh giá lại tình hình để định hình lại con đường đi cho tổ chức mà mình góp mặt. Hội nghị thượng đỉnh Đông Á thường niên khai mạc ngày 10/4 ở khu nghỉ dưỡng Pattaya, Thái Lan đã tạo cơ hội để khu vực châu Á có gần 3 tỷ người thể hiện ảnh hưởng sau cuộc họp ở London một tuần trước đó, làm dấy lên hy vọng về một kỷ nguyên hợp tác và cải cách kinh tế. Sau đó, Hội nghị ASEAN+6 (tháng 10, tại Thái Lan) thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế và duy trì sự phục hồi của khu vực này sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua. Còn tại Hội nghị APEC (tháng 11 tại Singapore), các nhà lãnh đạo khối lần đầu tiên chính thức nghe Ôxtrâylia và Nhật Bản nêu ra những viễn cảnh cạnh tranh về một tổ chức khu vực sẽ làm tăng ảnh hưởng của châu Á trên toàn cầu qua việc hai nước này đề cập đến Sáng kiến Cộng đồng Đông Á (Nhật Bản) và Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương (Australia).

Trong khi đó, ở châu Âu, Hội nghị cấp cao G-8 năm 2009 đã diễn ra trong tháng 7 với việc Nga và Brazil sử dụng diễn đàn này để vận động thế giới ủng hộ ý kiến sử dụng một đồng bạc khác làm căn bản và dự trữ ngoại tệ toàn cầu, thay thế đồng USD. Một tháng trước đó, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc - đang là những trung tâm tăng trưởng kinh tế chủ yếu của thế giới với số dân chiếm hơn một nửa dân số thế giới) nhóm họp hồi tháng 6 với mục tiêu cùng nhau tìm con đường chung để khắc phục hậu quả khủng hoảng thế giới, và đặc biệt là kèm theo dự định thành lập một hệ thống an ninh tài chính toàn cầu mới. Nhưng động thái này ảnh hưởng không hề nhỏ tới giá trị đồng USD và đánh một dấu hỏi lớn trước vị thế cường quốc số 1 Mỹ.

Ngoại giao để tháo gỡ những bế tắc

Năm 2009 “thừa kế” loạt vấn đề quốc tế chưa thể được tháo gỡ từ năm 2008 và nhiều năm trước đó, nhưng năm nay cũng chứng kiến những nỗ lực ngoại giao mang lại kết quả khả quan cho nhiều mớ bòng bong lớn.

Ở châu Á, bế tắc trên bán đảo Triều Tiên lại đến hồi gay cấn mới khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 2 vào ngày 25/5. Mỹ cảnh báo vụ thử này có thể tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước láng giềng Châu Á và gây ra những hậu quả cho sự ổn định khu vực. Đến tháng 8, hai tuần sau ngày tiếp đón cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và trả tự do cho hai nhà báo Mỹ bị giam về tội xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp,Triều Tiên phát tín hiệu hòa giải với Mỹ. Cuộc gặp song phương Triều-Mỹ lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 8/12 được hy vọng mở ra giải pháp cho vấn đề bán đảo Triều Tiên. Kết thúc chuyến thăm Bình Nhưỡng ngày 10/12, ông Bosworth dự kiến trở lại Seoul để thông báo vắn tắt kết quả chuyến đi và sau đó sẽ đến Bắc Kinh, Tokyo và Mátxcơva trước khi về Washington ngày 15/12.

Quan hệ giữa hai cường quốc thế giới – cũng là hai đối thủ thời Chiến tranh Lạnh, là Mỹ và Nga - ấm lên cũng nhờ một loạt nỗ lực ngoại giao, trước hết đánh dấu bằng động tác ấn nút “điều chỉnh” quan hệ song phương của hai ngoại trưởng, tiếp đó cuộc gặp thượng đỉnh Obama-Medvedev ngày 6/7 được Tổng thống Nga đánh giá là mang đến triển vọng mới cho quan hệ Nga - Mỹ. Mỹ sau đó đã tuyên bố gác lại kế hoạch triển khai tấm chắn phòng thủ tên lửa ở Đông Âu. Hai bên không đạt được thỏa thuận về hiệp ước mới thay thế Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược (START-1) hết hạn hôm 5/12, nhưng cùng cam kết sẽ đạt được thỏa thuận sớm nhất có thể.

Trải qua suốt quá trình từ năm 2003, Hiệp ước Lisbon những ngày cuối năm nay đã bất ngờ vượt qua những rào cản cuối cùng ở Ireland, Ba Lan và CH Séc. Hiệp ước Lisbon có hiệu lực tháng 12 và EU đã bầu Chủ tịch và Ngoại trưởng đầu tiên của khối theo hiến pháp mới. Đối với hầu hết giới lãnh đạo các quốc gia châu Âu, Hiệp ước Lisbon là một bước tiến quan trọng để EU trở nên hiệu quả hơn, có trách nhiệm hơn và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới. Với việc hiệp ước Lisbon được thông qua, EU đã tránh được nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử như các nhà EU đã cảnh báo trước đó.

Trong khi đó, các nỗ lực ngoại giao vẫn đang tiếp tục cho các vấn đề như bảo đảm an ninh ở Afghanistan hay chương trình hạt nhân của Iran.

Ngoại giao để cùng đối phó với các trở ngại toàn cầu

Chưa năm nào thế giới lại đoàn kết đối phó với những thách thức toàn cầu như năm nay: từ vấn đề dịch bệnh, tình trạng khí hậu, cuộc khủng hoảng tài chính, an ninh quốc tế, hay lương thực và chống đói nghèo.

Báo Pháp Les Echos ra ngày 17/6 đăng bài "Đại dịch cúm A/H1N1 có thể khiến sự phục hồi kinh tế thế giới bị chậm lại", trong đó cảnh báo sự lây lan của virút cúm A/H1N1 có thể khiến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay kéo dài thêm. Ngày 7/5, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN+3 về phòng chống cúm A/H1N1 và bảo vệ sức khỏe cho người dân các nước khu vực đã khai mạc tại Bangkok, bất chấp những quan ngại về an ninh. Các bộ trưởng y tế sẽ ký kết khung hợp tác khu vực về phòng chống dịch bệnh và những biện pháp được thông qua được trình lên hội nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) diễn ra từ 16-20/5 tại Thụy Sĩ. Trọng tâm của cuộc họp tại Thụy Sĩ là nhằm làm sao để cộng đồng quốc tế có thể cùng phối hợp ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm A/H1N1 trên thế giới cũng như đảm bảo vắcxin chống loại virút chết người này. Các nỗ lực của cộng đồng quốc tế hợp tác đối phó với dịch bệnh vấn được tiếp tục với cường độ cao, trong đó các nước nghèo được Liên Hợp Quốc đặc biệt quan tâm trong cuộc chiến này.

Để đối phó với vấn đề kinh tế, ngày 14/2, Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7), khi bế mạc hội nghị tại Milano (Italia), đã kêu gọi cải cách ngay hệ thống tài chính toàn cầu và cam kết bảo vệ tự do thương mại khi thế giới đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Sau hội nghị thượng đỉnh ngày 2/4 tại London, các nhà lãnh đạo G-20 quyết định cải tổ hệ thống tài chính quốc tế, với cam kết thắt chặt các quy định đối với các quỹ đầu cơ, tăng cường vai trò của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và công bố danh sách đen trốn thuế, nhưng lại chỉ mơ hồ đề cập đến việc kích thích kinh tế bằng các biện pháp chi tiêu công. Một năm sau sự phá sản của ngân hàng Lehman Brothers, ngày 24/9, lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất hành tinh (G-20) họp tại Pittsburgh, Mỹ mà một trong những trọng tâm là cải thiện việc quản lý tài chính để tránh tái diễn khủng hoảng. Ở Mỹ Latinh, hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ khai mạc ở Triniđát và Tôbagô vào ngày 17/4 cũng tập chung vào chủ đề quan trọng nhất là kinh tế.

Hội nghị lúa gạo thế giới vừa kết thúc ngày 29/10 ở Cebu (Philipines) cảnh báo khả năng giá gạo tăng cao kỷ lục như hồi 4 tháng đầu năm 2008. Sau đó, hội nghị cấp cao về an ninh lương thực do Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) tổ chức đã khai mạc ngày 16/11 tại Roma, vào lúc số người bị đói trên thế giới tiếp tục gia tăng. Cách đây hơn một năm, các nước thành viên FAO đã cam kết là từ nay đến năm 2015 sẽ giảm một nửa số người bị đói trên thế giới. Nhưng từ đó đến nay, số người bị đói trên thế giới đã tăng từ 850 triệu người lên một tỷ người và cứ 6 giây lại có một đứa trẻ bị chết đói trên thế giới. Trước một thách thức to lớn như vậy, mọi giải pháp phải được xem xét, kể cả việc kêu gọi lĩnh vực tư nhân cũng góp phần vào việc giải quyết thách thức.

Ngày 11/5, Hội nghị thế giới về đại dương đã khai mạc tại thành phố Manado, trên đảo Sulawesi, với sự tham dự của các đại diện đến từ hơn 70 quốc gia. Đây là cuộc họp đầu tiên của cộng đồng quốc tế để bàn về những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái đất đối với biển. 7 tháng sau đó, hội nghị khí hậu toàn cầu ở Copenhagen (Đan Mạch) từ ngày 7-18/12 lần đầu tiên trong lịch sử quy tụ khối lượng lớn lãnh đạo các nước trên thế giới tham gia: 15.000 đại biểu cùng hơn 100 nguyên thủ quốc gia từ 192 nước. Loài người đang bàng hoàng khi mọi lời cảnh báo về biến đổi khí hậu không còn là lời cảnh báo: Riêng tại nhiều nước châu Á, từ nhiều năm qua, biển đã lấn sâu vào đất liền, thu hẹp diện tích canh tác và nhà ở của người dân. Trong thời gian tới, dưới tác động của biến đổi khí hậu thì tất cả các hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Việt Hà
Tổng hợp