1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhìn lại 6 kỳ bầu cử tổng thống gần đây của Mỹ

(Dân trí) - Ngày mai, 8/11, nước Mỹ sẽ tìm ra ông chủ mới của Nhà Trắng. Cùng nhìn lại 6 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây - từ “màu sắc” của mỗi tổng thống và dấn ấn để lại.

Barack Obama (hai nhiệm kỳ) - tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ

Tổng thống Barack Obama (Ảnh: Huffington Post)
Tổng thống Barack Obama (Ảnh: Huffington Post)

Ngày 20/1/2009 ghi dấu ấn trong lịch sử bầu cử nước Mỹ khi có người Mỹ gốc Phi đầu tiên nhậm chức tổng thống. Đó là Barack Hussein Obama II, thuộc đảng Dân chủ, khi đó 47 tuổi và là tổng thống thứ 44 của nước Mỹ.

Cho đến thời điểm tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Obama được cho là một thượng nghị sĩ không mấy tên tuổi. Nhưng có lẽ ông đã thu hút được sự ủng hộ của cử tri khi đưa ra những khẩu hiệu tranh cử như “Thay đổi”, “Đúng, chúng ta có thể”, trong bối cảnh người dân Mỹ đã chán ngán chiến tranh. Hai cuộc chiến dai dẳng ở Afghanistan và Iraq do Tổng thống George W. Bush của đảng Cộng hòa khởi xướng đã khiến Mỹ thiệt hại nặng nề về uy tín cũng như kinh tế.

Trong chiến dịch tranh cử sơ bộ khởi đầu từ năm 2007 đến năm 2008, Obama thắng sít sao đối thủ cùng đảng Dân chủ Hillary Rodham Clinton, trở thành ứng cử viên của đảng này tranh chức tổng thống.

Trong nhiệm kỳ đầu, ông giành 52,93% phiếu phổ thông và 67,8% phiếu đại cử tri, tương đương 365 phiếu. Trong khi đó, đối thủ John McCain, 72 tuổi, ứng cử viên Đảng Cộng hòa, giành được 45,65% phiếu phổ thông và 32,2% phiếu đại cử tri, tương đương 173 phiếu.

Chín tháng sau khi nhậm chức, ông được trao giải Nobel Hòa Bình.

Ông Obama chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp vào năm 2012 khi giành được 51,6% phiếu phổ thông và 61,7% phiếu đại cử tri, tương đương 332 phiếu. Đối thủ của ông là Mitt Romney, 65 tuổi, ứng cử viên Đảng Cộng hòa, giành được 47,21% phiếu phổ thông và 38,3% phiếu đại cử tri, tương đương 206 phiếu.

Ngày 20/1 tới ông sẽ nhường lại chiếc ghế quyền lực nhất ở Nhà Trắng cho người kế nhiệm. Trong 8 năm cầm quyền, dấu ấn ảnh hưởng đến thế giới của ông Obama phải nói đến hành động rút 190.000 lính Mỹ (trên tổng số 200.000 quân vào thời điểm đỉnh cao xung đột) khỏi Iraq và Afghanistan; can thiệp để đối phó với lực lượng phiến quân Hồi giáo; không để xảy ra cuộc tấn công khủng bố mới quy mô lớn nào xảy ra trên lãnh thổ nước Mỹ; thúc đẩy những cuộc thảo luận dẫn đến Hiệp ước Paris 2015 về biến đổi khí hậu toàn cầu, đàm phán với Iran để ký thỏa ước hạt nhân; gia tăng các mối quan hệ kinh tế và quân sự với Ấn Độ và Đông Nam Á; bình thường hóa quan hệ với Cuba…

George W. Bush (hai nhiệm kỳ) - doanh nhân chuyên nghiệp và chính khách nhà nòi

Cựu Tổng thống George W. Bush (Ảnh: Getty)
Cựu Tổng thống George W. Bush (Ảnh: Getty)

George Walker Bush (còn gọi là Bush con) sinh năm 1946, là tổng thống thứ 43 của Mỹ. Ông thuộc đảng Cộng hòa và là thành viên của một gia đình danh giá và quyền thế nhất nước Mỹ - gia tộc Bush. Cha ông là Tổng thống Mỹ thứ 41 George H.W. Bush. Trước khi bước chân vào chính trường, ông George W. Bush là doanh nhân, hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ và bóng chày chuyên nghiệp.

Năm 2000, Geogre W. Bush, khi đó 54 tuổi, giành được 47,87% phiếu phổ thông và 50,4% phiếu đại cử tri, tương đương 271 phiếu. Đối thủ của ông là Albert Gore, 52 tuổi, ứng cử viên Đảng Dân chủ; giành được 48,38% phiếu phổ thông và 49,4% phiếu đại cử tri, tương đương 266 phiếu.

Năm 2004, George W. Bush chiến thắng nhiệm kỳ hai khi giành được 50,73% phiếu phổ thông và 53,2% phiếu đại cử tri, tương đương 286 phiếu. Đối thủ của ông là John Kerry, 60 tuổi, ứng cử viên Đảng Dân chủ, giành được 48,27% phiếu phổ thông và 53,2% phiếu đại cử tri, tương đương 251 phiếu.

Sau vụ khủng bố 11/9/2001, Bush từng giành được tỷ lệ ủng hộ lớn của người dân Mỹ khi hình ảnh ông đứng trên đống đổ nát của tòa nhà thương mại thể hiện sự kiên cường của người lãnh đạo.

Nhưng cuộc chiến ở Afghanistan (phát động tháng 10/2001 để đáp trả vụ khủng bố 11/9) và sau đó là cuộc chiến Iraq (tháng 3/2003) mà ông phát động dưới ngọn cờ chống khủng bố và vũ khí hủy diệt, đã khiến niềm tin của người dân sụt giảm. Mức độ chống đối Tổng thống Bush đặc biệt cao tại các nước Hồi giáo. Di sản ông để lại cho người kế nhiệm Barack Obama là cuộc suy thoái và hai cuộc chiến tranh.

Bill Clinton (hai nhiệm kỳ) - tổng thống trẻ tuổi thứ ba trong lịch sử Mỹ

Cựu Tổng thống Bill Clinton (Ảnh: Thenationalherald)
Cựu Tổng thống Bill Clinton (Ảnh: Thenationalherald)

Thống đốc Bill Clinton của bang Arkansas được bầu làm tổng thống thứ 42 của nước Mỹ ở tuổi 46, phá vỡ 12 năm cầm quyền của đảng Cộng hòa tại Nhà Trắng.

Năm 1992, Bill Clinton giành được 43,1% phiếu phổ thông và 68,8% phiếu đại cử tri, tương đương 370 phiếu, đánh bại đối thủ George H.W. Bush, 68 tuổi, ứng cử viên Đảng Cộng hòa (37,45% phiếu phổ thông và 31,2% phiếu đại cử tri, tương đương 168 phiếu).

Nhiệm kỳ tổng thổng của Clinton đánh dấu sự chuyển giao quyền lực từ thế hệ các tổng thống tiền nhiệm là cựu binh Chiến tranh Thế giới II. Chính vì vậy, các khẩu hiệu tranh cử của ông là “Vì người dân, vì sự thay đổi”, “Đã đến lúc thay đổi nước Mỹ”, “Người dân trước tiên” và "Xây dựng cây cầu đến thế kỷ 21" đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri.

Năm 1996, Bill Clinton thắng nhiệm kỳ thứ hai khi giành được 49,24% phiếu phổ thông và 70,4% phiếu đại cử tri, tương đương 379 phiếu. Ứng cử viên thua cuộc là Robert Dole, ứng cử viên Đảng Cộng hòa, giành được 40,71% phiếu phổ thông và 29,6% phiếu đại cử tri, tương đương 159 phiếu.

Cựu Tổng thống Clinton được xem là thuộc cánh tân Dân chủ vốn có khuynh hướng trung dung trong đảng. Ông dành nhiều ưu tiên cho các vấn đề trong nước là thúc đẩy thông qua các đạo luật nâng cấp giáo dục, củng cố các quy định về môi trường…

Một trong những đặc điểm nổi trội nhất trong giai đoạn cầm quyền của Clinton là thời kỳ bùng nổ kinh tế lâu dài nhất trong lịch sử Mỹ và sự chuyển đổi ngoạn mục từ mức thâm hụt ngân sách khoảng 250 tỷ USD vào lúc bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, trở nên thặng dư ngân sách vào khoảng 523 tỷ USD vào cuối nhiệm kỳ của ông.

Về đối ngoại, ông ưu tiên cho nỗ lực giảm thiểu hàng rào mậu dịch giữa các quốc gia và làm trung gian hòa giải cho các cuộc tranh chấp tại Bắc Ireland và Trung Đông, chiến dịch gìn giữ hòa bình của NATO trong cuộc chiến Kosovo, tăng cường quan hệ với các nước ở châu Á.

Tuệ An

Tổng hợp