1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhiều nước châu Á lo "gánh nặng kép" Covid-19 và sốt xuất huyết

Thanh Thành

(Dân trí) - Từ Philippines đến Malaysia, nhiều quốc gia châu Á đang gồng mình đối phó với gánh nặng dịch bệnh Covid-19 và cả nguy cơ lây lan dịch sốt xuất huyết.

Nhiều nước châu Á lo gánh nặng kép Covid-19 và sốt xuất huyết - 1

Chiến dịch tiêm vắc xin sốt xuất huyết và vắc xin Covid-19 tại Philippines gặp nhiều khó khăn vì người dân e ngại tiêm chủng (Ảnh: Reuters).

Kết quả một nghiên cứu nhỏ cho thấy các bệnh nhân từng mắc sốt xuất huyết gặp nhiều triệu chứng hơn khi nhiễm Covid-19 đang làm dấy lên nhiều lo ngại tại các quốc gia ở châu Á, nơi thường bị dịch sốt xuất huyết hoành hành khi mùa mưa đến. Các nước lo nguy cơ đối mặt "gánh nặng kép" vào thời điểm hệ thống y tế đang quá sức do đại dịch Covid-19.

Nghiên cứu trên được công bố hồi tháng 5 trên tạp chí của Đại học Oxford (Anh). Các nhà nghiên cứu phân tích mẫu máu của 1.285 người ở thị trấn nhỏ Mancio Lima, vùng Amazon của Brazil từ năm 2018-2020 và phát hiện ra rằng các bệnh nhân Covid-19 từng bị sốt xuất huyết gặp nhiều triệu chứng hơn.

Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Marcelo Urbano Ferreira cho biết không tìm thấy mối liên hệ nào giữa sự lây lan Covid-19 với các đợt bùng phát sốt xuất huyết trước đây ở Brazil. "Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này cho thấy các đợt dịch sốt xuất huyết và Covid-19 liên tiếp có thể tạo thêm gánh nặng cho các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới", ông cảnh báo.

Tiến sĩ Tikki Pangestu, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói rằng dù ông chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào về mối liên hệ giữa sốt xuất huyết và các triệu chứng Covid-19 như được đề cập trong nghiên cứu ở Brazil, song những kết quả trên có thể rất quan trọng. "Nếu điều đó đã được chứng minh, nó sẽ đúng với tất cả các quốc gia bị sốt xuất huyết tấn công chứ không chỉ ở Brazil", ông nhấn mạnh. Theo ông, các nước châu Á nên thực hiện các nghiên cứu tương tự.

Dịch sốt xuất huyết thường tấn công mạnh các khu vực nhiệt đới, nhất là vào mùa mưa. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở các khu vực châu Á và châu Mỹ Latinh - cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng chất thải và cống rãnh kém - khiến dịch bệnh này lây lan tồi tệ. Ước tính, có 390 triệu ca nhiễm virus sốt xuất huyết hàng năm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 129 quốc gia phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết, trong đó khu vực Đông Nam Á chiếm hơn một nửa số ca toàn cầu, đặc biệt là Malaysia, Philippines.

Năm 2019 chứng kiến đợt bùng phát sốt xuất huyết tồi tệ nhất khi khu vực ghi nhận 658.301 ca, theo số liệu từ WHO. Trong số này, Philippines ghi nhận 359.605 ca trong khi Malaysia là 106.660.

Theo người sáng lập và Giám đốc của Chương trình Muỗi Thế giới (WMP) Scott O'Neill, kết quả nghiên cứu của Brazil là "đáng chú ý, nhưng chưa đủ" để kết luận về mối liên hệ giữa bệnh sốt xuất huyết và Covid-19.

Tiến sĩ Raman Velayudhan làm việc cho WHO nói thêm rằng, những người bị sốt xuất huyết hoặc Covid-19 có thể có các triệu chứng tương tự, chẳng hạn như sốt, đau đầu và đau cơ, vì vậy việc chẩn đoán và điều trị phức tạp hơn. Ông khuyến cáo các nước Đông Nam Á nỗ lực diệt muỗi trước mùa mưa, thường bắt đầu vào tháng 6 và kết thúc vào khoảng tháng 10.

Trong khi đó, tiến sĩ Tikki Pangestu kêu gọi thúc đẩy tiêm vắc xin sốt xuất huyết để ngăn chặn "các cuộc khủng hoảng trong tương lai, vì họ có thể phải đối mặt với gánh nặng kép của cả dịch sốt xuất huyết và dịch Covid-19".

Nhưng chiến dịch tiêm vắc xin sốt xuất huyết đang gặp nhiều khó khăn. Tại Philippines, người dân không muốn tiêm sau những sự cố liên quan đến vắc xin Dengvaxia do Pháp sản xuất nhiều năm trước. Năm 2016, Philippines đã triển khai chương trình tiêm vắc xin sốt xuất huyết tại trường học cho khoảng 1 triệu trẻ em ở các trường công lập.

Khoảng 2 năm sau, nhà sản xuất Sanofi Pasteur của Dengvaxia tiết lộ, những người đã tiêm vắc xin thậm chí có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn và nguy cơ nhập viện cao hơn so với những người không tiêm chủng. Tại thời điểm này, hơn 800.000 trẻ em đã được tiêm vắc xin.

Tại Indonesia, tiến sĩ Harapan Harapan cho biết, nước này hiện vẫn chưa có kế hoạch chi tiết cho việc tiêm vắc xin sốt xuất huyết đại trà.