1. Dòng sự kiện:
  2. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Ông Trump bị ám sát hụt

Nhật thông qua dự luật bí mật quốc gia gây tranh cãi

(Dân trí) - Thượng viện Nhật Bản ngày 6/12 đã thông qua dự luật bảo vệ bí mật quốc gia gây tranh cãi, vốn tăng cường các hình phạt đối với những người làm lộ bí mật và các nhà báo. Hàng nghìn người Nhật đã xuống đường phản đối dự luật này.

Đám đông biểu tình phản đối luật bí mật quốc gia ở thủ đô Tokyo ngày 6/12.

Đám đông biểu tình phản đối luật bí mật quốc gia ở thủ đô Tokyo ngày 6/12.

Dự luật bí mật quốc gia, được chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đề xuất, đã được thượng viện thông qua hôm 6/12, sau khi được phê chuẩn bị hạ viện trước đó.

Theo dự luật mới, các công chức hoặc những người khác làm rò rỉ các bí mật quốc gia có thể bị phạt tù tới 10 năm.

Các nhà báo và những người làm trong lĩnh vực tư nhân khuyến khích ai đó tiết lộ bí mật quốc gia hoặc sử dụng các cách thức không thích hợp để có được dữ liệu có thể bị phạt tù tới 5 năm.

Phe đối lập tại quốc hội muốn chặn dự luật trên nhưng các nỗ lực của họ không thành do đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Abe và các đồng minh hiện đang nắm đa số ghế tại thượng viện.

Thủ tướng Abe thì cho biết dự luật trên có thể thuyết thục các đồng minh của Nhật, chủ yếu là Mỹ, chia sẻ thông tin.

Cũng theo dự luật gây tranh cãi, các bộ trưởng có thể quyết định các thông tin bí mật quốc gia liên quan tới quốc phòng, ngoại giao, chống khủng bố và chống tình báo.

Bất chấp thời tiết giá lạnh, hàng nghìn người Nhật vào tối 6/12 và sáng 7/12 đã tiến hành biểu tình ở thủ đô Tokyo để phản đối việc quốc hội nước này thông qua dự luật bí mật quốc gia. Đám đông biểu tình tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội, hô lớn những khẩu hiệu phản đối chính phủ như "Thật xấu hổ, Shinzo Abe".

"Dự luật được thông qua quá nhanh và bạn phải đặt câu hỏi tại sao lại phải vội vàng vào lúc này. Tôi nghĩ sau này họ sẽ phải hối tiếc", một người biểu tình nói với đài truyền hình NHK.

Dự luật bí mật quốc gia đã bị các nhà chỉ trích, trong đó có giới truyền thông, các hãng xuất bản, các luật sư và thậm chí các nghệ sĩ, phản đối mạnh mẽ. Họ tin rằng dự luật mở rộng mạnh mẽ định nghĩa bí mật quốc gia và lo ngại rằng những thông tin làm bẽ mặt các chính trị gia hoặc các lãnh đạo của họ cũng có thể bị che giấu.

Việc thông qua dự luật có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ ủng hộ đối với Thủ tướng Abe, vốn đã rơi xuống mức dưới 50% trong một cuộc thăm dò mới đây.

An Bình
Theo AFP, Kyodo