1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản xúc tiến sửa đổi luật về việc đưa quân ra nước ngoài

Những tin tức về việc chính phủ của Thủ tướng Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) đang xúc tiến soạn thảo một đạo luật nhằm đẩy nhanh việc triển khai quân đội Nhật Bản ra nước ngoài, một lần nữa lại làm dấy lên những tranh cãi về nỗ lực của Nhật Bản muốn mở rộng vai trò của quân đội, sau một thời gian dài bị hạn chế do những quy định của Hiến pháp hòa bình.

 

Nhật Bản xúc tiến sửa đổi luật về việc đưa quân ra nước ngoài
Đội y tế thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tới đảo Xê-bu (Phi-líp-pin) tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả sau cơn bão Hải Yến. Ảnh: Kyodo

Thủ tướng Sin-dô A-bê và Đảng Dân chủ tự do (LDP) của ông dự kiến vào đầu năm 2015 sẽ soạn thảo một đạo luật, nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn về mặt thủ tục hành chính cho việc triển khai quân đội ra nước ngoài, để tham gia các chiến dịch duy trì hòa bình và yểm trợ đồng minh. Thủ tướng Sin-dô A-bê cho biết sẽ chờ tới phiên họp thường kỳ của Quốc hội Nhật Bản vào năm tới, để đệ trình dự luật liên quan.

Hồi đầu tháng 7-2014, Nhật Bản đã thông qua Nghị quyết lịch sử giải thích lại Điều 9 trong Hiến pháp, theo đó, Nhật Bản có thể triển khai lực lượng ở mức tối thiểu cần thiết trong trường hợp một nước mà Nhật Bản có quan hệ gần gũi bị tấn công và khi sự tồn vong của đất nước bị đe dọa… Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn cần chuẩn bị những cơ sở pháp lý cần thiết để phù hợp với thay đổi này bằng cách sửa lại hơn 10 điều luật, bao gồm một điều luật về các hoạt động của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF). Cụ thể, chính phủ của ông Sin-dô A-bê thúc đẩy việc luật hóa việc thực thi quyền phòng vệ tập thể nhằm tiến tới hỗ trợ các đồng minh, bao gồm Mỹ, trong trường hợp bị tấn công.

Chi tiết của các điều luật sửa đổi chưa được công khai, nhưng Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một số ví dụ về việc Nhật Bản sẽ có thể sử dụng quân đội của mình như thế nào, sau khi việc sửa đổi các điều luật liên quan được hoàn thiện. Cụ thể như việc sử dụng quân đội để bảo vệ tàu chiến Mỹ bị một nước thứ ba tấn công gần vùng biển Nhật Bản trước khi có sự tấn công trực tiếp vào Nhật Bản, bởi hợp tác với quân đội Mỹ là cần thiết để đảm bảo an ninh của chính Nhật Bản; buộc dừng các tàu để kiểm tra nếu nghi ngờ các tàu này chở vũ khí tới một nước thứ ba đang tấn công các tàu chiến Mỹ ở vùng biển mở gần Nhật Bản, mà cuộc chiến này nhiều khả năng sẽ lan tới Nhật; bắn hạ tên lửa khi phát hiện nó bay qua các đảo Nhật Bản nhằm về phía các khu vực thuộc lãnh thổ của Mỹ và theo yêu cầu của Mỹ; bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình ở nước ngoài.

Tuy nhiên, nỗ lực nói trên của Chính phủ Nhật Bản gặp không ít trở ngại do nổi lên nhiều quan ngại. Việc mở rộng quy mô hoạt động và khu vực hoạt động của SDF làm gia tăng mối quan ngại SDF có thể trở thành “công cụ” cho các nước khác, điều đi ngược lại với Hiến pháp hòa bình. Những người phản đối cho rằng, để quân đội tham chiến ở nước ngoài sẽ làm giảm khả năng tự vệ của Nhật Bản.

Vì vậy, để giải tỏa mối lo ngại này, các nghị sĩ thuộc liên minh cầm quyền được trông đợi sẽ thảo luận những biện pháp để kiềm chế các hoạt động của SDF. Những sửa đổi cũng còn cần được nghị viện thông qua và sẽ có những giới hạn được áp đặt trong quá trình thực hiện.

Vả lại, LDP còn phải thuyết phục Đảng Komeito trong liên minh cầm quyền vì đảng này cho tới nay vẫn do dự không muốn thông qua một bộ luật như vậy. Đảng Komeito thận trọng trước việc ban hành đạo luật sửa đổi do lo ngại rằng, lực lượng SDF có thể bị điều động ra nước ngoài trong các trường hợp chẳng liên quan gì tới bảo vệ Nhật Bản. Hồi tháng 10, ông Si-ghê-ki Xa-tô (Shigeki Sato), phụ trách vấn đề ngoại giao và an ninh của Đảng Komeito, tuyên bố việc hình thành một đạo luật như vậy không phải là “ưu tiên cao nhất” của đảng này.

Không chỉ thúc đẩy việc ban hành đạo luật mở đường cho việc triển khai quân đội ra nước ngoài, Thủ tướng Sin-dô A-bê còn muốn sửa đổi Hiến pháp hòa bình-vấn đề đang gây chia rẽ trong dư luận Nhật Bản và làm gia tăng căng thẳng giữa Nhật với các nước láng giềng.

Tuy nhiên, chính quyền Thủ tướng Sin-dô A-bê đã cho thấy quyết tâm theo đuổi các mục tiêu của mình trong vấn đề này. Bằng chứng là ngay sau khi được bầu lại làm thủ tướng, ông Sin-dô A-bê đã xúc tiến ngay việc soạn thảo đạo luật sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai lực lượng quân đội ra nước ngoài.

Nỗ lực của Thủ tướng Sin-dô A-bê được thúc đẩy trong bối cảnh thách thức an ninh đối với Nhật Bản và khu vực đang nổi lên. Hơn nữa, trong bối cảnh cán cân quyền lực trong khu vực đang có những thay đổi, Nhật Bản cần phải theo đuổi chính sách an ninh linh hoạt hơn. Vì vậy, để đối phó với dư luận không đồng tình, ông Sin-dô A-bê đã theo đuổi đường lối lãnh đạo mạnh mẽ hơn nhằm thay đổi tư duy nhận thức của người dân trước tình hình mới. Thủ tướng Sin-dô A-bê cũng cho rằng, việc này còn có liên quan tới sự phục hưng của đất nước. Nhật Bản sẽ chứng tỏ được khả năng đóng góp một cách xây dựng vào an ninh khu vực cũng như toàn cầu. Nhật Bản cũng hy vọng sẽ thu được những lợi ích chính trị và ngoại giao rất lớn trong bối cảnh nước này đang nhắm tới chiếc ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đầy quyền lực.
 
Theo Mai Nguyên
Quân đội nhân dân