Nhật Bản từ chối yêu cầu xin lỗi của Trung Quốc
(Dân trí) - Nhật Bản ngày 25/9 đã từ chối xin lỗi và đền bù vì giam giữ thuyền trưởng tàu cá của Trung Quốc, cho thấy chưa có chỉ dấu “hạ nhiệt” trong tranh cãi giữa hai cường quốc kinh tế.
Thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc sau khi từ Nhật trở về.
Thuyền trưởng tàu cá Zhan Qixiong đã rời Nhật Bản về thành phố Phúc Kiến, Trung Quốc vào sớm ngày hôm nay.
Quyết định thả thuyền trưởng được đưa ra sau khi 4 công dân Nhật bị giam giữ tại Trung Quốc vì vi phạm luật bảo vệ các cơ sở quân sự của nước này, mặc dù Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshito Sengoku phủ nhận hai vụ việc có liên quan đến nhau.
Các nhà ngoại giao Nhật đã gặp 4 người trên vào ngày hôm nay 25/9, hãng tin Kyodo của Nhật cho hay. Những người này bị quản thúc tại nơi ở của họ.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay Bắc Kinh giận dữ vì vụ giam giữ thuyền trưởng, người bị bắt 2 tuần trước sau khi tàu cá của ông va chạm với 2 tàu tuần dương Nhật Bản gần quần đảo hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc đã yêu cầu Nhật xin lỗi và đền bù cho vụ việc.
Trung Quốc cũng cho biết chủ quyền của họ đối với quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư, trong khi Nhật gọi là Senkaku là “không thể tranh cãi”.
Tuy nhiên, Nhật đã không đồng ý. “Không có vấn đề lãnh thổ cần phải được giải quyết đối với Senkaku”, Bộ Ngoại giao Nhật ra tuyên bố. “Trung Quốc kêu gọi xin lỗi hoặc đều bù đều không có cơ sở và hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Nhật thả thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc sau khi Bắc Kinh ngưng các cuộc tiếp xúc cấp bộ trưởng với Tokyo và hủy các cuộc đàm phán về phát triển các dàn khoan khí đốt dưới lòng biển còn đang có nhiều tranh cãi. Trong tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng lên tiếng cảnh báo Nhật về vụ việc và cho biết sẽ có hành động thêm nếu thuyền trưởng tàu cá không được thả ngay lập tức.
Song quyết định của các công tố Nhật đã gây ra một số chỉ trích trong lòng nước Nhật. Một bài xã luận ngày 25/9 của tờ báo Yomiuri cho rằng việc thả thuyền trưởng “là một quyết định chính trị, đặt hàn gắn mối quan hệ lên làm ưu tiên”. “Không cần phải nói, quần đảo Senkaku là một phần lãnh thổ Nhật Bản. Chính phủ cần phải tiếp tục khẳng định điều này cả ở trong và ngoài nước”, bài báo cho hay.
Những diễn biến ngoại giao “lùi-tiến” vào ngày hôm nay cho thấy tinh thần dân tộc do vụ va chạm tàu “khuấy động” dường như có rất ít chỉ dấu lắng dịu.
Phan Anh
Theo AP, Reuters