1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản thúc giục châu Âu tăng hiện diện quân sự để đối phó Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhật Bản hối thúc các quốc gia châu Âu can dự quân sự mạnh mẽ hơn ở châu Á - Thái Bình Dương nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Nhật Bản thúc giục châu Âu tăng hiện diện quân sự để đối phó Trung Quốc - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi (Ảnh: SCMP).

Trong bài phát biểu đầu tiên trước tiểu ban an ninh và quốc phòng của Nghị viện Châu Âu ngày 18/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) củng cố cam kết của mình đối với "khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", đồng thời "tiếp tục và mở rộng" hợp tác an ninh với Nhật Bản.

"Các bên như Nhật Bản và EU phải cùng nhau hợp tác trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa bá quyền", ông Kishi nói trong cuộc họp trực tuyến.

"Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi đánh giá cao quan điểm chiến lược của EU nhằm tăng cường sự hiện diện và hành động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tôi hy vọng rằng sự tham gia như vậy sẽ được tiếp tục duy trì và mở rộng và thêm nhiều nước sẽ tham gia", ông Kishi nói thêm.

Một nguồn tin am hiểu về việc hoạch định chính sách quốc phòng của Nhật Bản cho biết, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Kishi là một phần trong nỗ lực của Tokyo nhằm thúc giục EU gia tăng thêm sức ép lên Bắc Kinh.

"Nhật Bản hy vọng sẽ sử dụng cơ hội này để lôi kéo sự tham gia nhiều hơn của EU vào khu vực. Chuyến thăm của (tàu sân bay Anh) HMS Queen Elizabeth tới Nhật Bản sẽ gây sức ép to lớn lên Bắc Kinh trong năm nay", nguồn tin cho biết thêm.

Tàu sân bay của Anh sẽ dẫn đầu một đội tàu của Hải quân Hoàng gia Anh trong chuyến đi tới các vùng biển châu Á trong lần triển khai đầu tiên vào năm nay, bao gồm các chuyến thăm cảng ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ đi qua Biển Đông và tiến hành các cuộc tập trận với các lực lượng quân sự Nhật Bản, Australia, Canada, Hàn Quốc, New Zealand và một số quốc gia châu Âu gồm Pháp, Đan Mạch, Italy và Hy Lạp.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Kishi cũng chỉ trích Trung Quốc vì "nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng hành vi cưỡng chế", đồng thời tìm cách quân sự hóa các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Ông Kishi cũng bày tỏ lo ngại về "những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng" của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, đặc biệt là việc Bắc Kinh thông qua luật hải cảnh gây tranh cãi hồi tháng 1.

"Các quyền chính đáng của tất cả quốc gia liên quan không thể bị luật hải cảnh (Trung Quốc) làm suy yếu và chúng tôi không bao giờ có thể dung thứ cho bất cứ điều gì có thể làm gia tăng căng thẳng trên các vùng biển như Hoa Đông và Biển Đông", ông Kishi tuyên bố.

Bộ trưởng Kishi cũng cho biết Nhật Bản sẽ "tiếp tục theo dõi chặt chẽ" cán cân quân sự đang thay đổi trên eo biển Đài Loan.

"Tình hình xung quanh Đài Loan quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản, đồng thời cũng quan trọng đối với một cộng đồng quốc tế ổn định", Bộ trưởng Kishi nhấn mạnh.

Liu Weidong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Nhật Bản đã thực thi đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc trong những tháng gần đây.

"Nhật Bản thấy rằng Tổng thống Joe Biden đã không lùi bước trong chính sách cứng rắn của thời cựu Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc. Và Nhật Bản không còn thấy cần thiết phải cải thiện quan hệ với Trung Quốc", chuyên gia Liu nhận định.